Cá tra hụt sản lượng nghiêm trọng nhất trong vòng 10 năm
Thị trường cá tra đang có chuyển biến rất lớn. Từ chổ dư thừa dẫn đến giá nguyên liệu và xuất khẩu giảm sâu trong suốt cả năm 2015, ngay từ đầu 2016, con cá tra bông chốc “sống lại”.
Do sản lượng hụt trầm trọng nên giá cá tra nguyên liệu đang tăng nhanh theo tín hiệu nhu cầu nhập khẩu tăng trở lại.
Theo khảo sát của chúng tôi, tại các vùng nuôi cá tra chủ lực ở một số tỉnh ĐBSCL, phần lớn diện tích ao hồ trước đây nuôi cá tra thì nay người nuôi đã bỏ trống, phần còn lại được chuyển đổi nuôi các loại cá khác để bán nội địa. Chẳng hạn như tại vùng nuôi cá tra trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp là huyện Hồng Ngự, khảo sát cho thấy, tính đến đầu 2016, có đến trên 50% diện tích ao nuôi cá tra chưa được thả vụ mới, còn bỏ hoang. Một số vùng khác có mật độ giảm sâu hơn, từ 60-80% cũng diễn ra ở các địa phương như Hậu Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long và Tiền Giang. Hay tại An Giang, địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất ĐBSCL, năm nay diện tích cũng giảm tới 60%.
Sản lượng cá thiếu hụt khiến cho thị trường cá đột ngột sôi động trở lại. Chỉ trong vòng 3 ngày cuối tháng 2, giá cá nguyên liệu đã tăng 1.000 đồng, lên mức 20.200 đồng/kg. Riêng với thị trường cá giống, mặc dù đã tăng từ 20.000 đồng lên 26.000 đồng/kg loại 30 con/kg trong khoảng 10 ngày gần đây, tuy nhiên các trung tâm nhân giống vẫn không có đủ sản lượng để cung cấp cho người nuôi.
Việc xảy ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cá trầm trọng ngay từ đầu năm 2016 xuất phát từ nguyên nhân trong suốt cả 2015, giá cá tra chỉ duy trì ở mức quá thấp so với chi phí nuôi trồng, buộc người dân phải chuyển đổi nuôi các loại cá khác hoặc bỏ trống ao. Nhiều doanh nghiệp cũng không lường trước được tình hình, họ dựa vào việc thu mua cá giá rẻ từ nông dân nên ỉ lại không đầu tư nuôi hoặc liên kết với dân, dẫn đến thời điểm này không chủ động được nguyên liệu.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp thì đây là lần đầu tiên sau 10 năm, ngành cá tra mới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng như vậy. Với đà này, dự báo ngay từ đầu tháng 3, hàng loạt nhà máy sẽ gặp khó khăn do không đủ nguyên liệu chế biến. Tình hình này còn kéo dài, thậm chí đến hết quý 1/2017 vì theo tính toán của doanh nghiệp, ngoài một ít sản lượng cá còn tồn đọng từ 2015 chuyển qua, lượng cá tra nuôi vụ mới trong dân và doanh nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng 50% (tương đương khoảng 500.000 tấn) so với nhu cầu phục vụ chế biến và xuất khẩu trong cả năm 2016 là 1,2-1,4 triệu tấn nguyên liệu. Tới đây, một điều chắc chắn rằng, các nhà máy không tự chủ được nguyên liệu hoặc không đủ năng lực tài chính để mua cá của dân sẽ phải giảm công suất, thậm chí đóng cửa.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành cá tra gặp khó khăn về nguyên liệu ngay giữa thời điểm Việt Nam tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại, thị trường mở ra rất lớn là điều đáng tiếc. Ngay trong thời điểm này, khi nguyên liệu thiếu hụt thì nhu cầu nhập khẩu cá tra lại có tín hiệu tăng nhanh trở lại. Doanh nghiệp cho biết, các khách hàng đến từ thị trường Asean, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Trung Đông…đang đẩy mạnh mua hàng. Riêng với thị trường Trung Quốc, chỉ tính riêng các tháng đầu 2016, sản lượng cá tra xuất khẩu tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Để duy trì sản xuất, hiện nay các nhà máy đang tìm mọi cách giữ cá “nhà”, đồng thời tăng cường thu mua cá bên ngoài nhằm đảm bảo duy trì hợp đồng xuất khẩu từ nay đến hết tháng 6.2016. Đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường cá tra được dự báo còn diễn ra sôi động trong thời gian tới.
Lúc này, chỉ có doanh nghiệp đã đầu tư một cách bài bản, khép kín từ nhà máy thức ăn, vùng nguyên liệu cũng như hệ thống nhà máy chế biến là hưởng lợi lớn nhất. Rất tiếc, số này không có nhiều so với phần còn lại của ngành cá tra.