MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Cá tra khó vào thị trường Mỹ

22-01-2015 - 14:51 PM | Thị trường

Xuất khẩu cá tra của VN vào Mỹ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2015 do thuế mới ở mức cao và chỉ còn khoảng ba doanh nghiệp có thể xuất khẩu vào thị trường này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Ðình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết: “Theo kết quả chính thức mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới công bố trên công báo liên bang Mỹ, thuế chống bán phá giá trong đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 10 (POR10) mà nước này áp với cá tra philê đông lạnh của VN tăng gần gấp đôi so với kết quả sơ bộ.

Ðây là mức thuế áp cho các lô hàng xuất khẩu vào Mỹ giai đoạn từ ngày 1-8-2012 đến 31-7-2013. Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá của 24 công ty tham gia đợt rà soát này đã tăng lên đến 0,97 USD/kg, cao gần gấp đôi so với kết quả sơ bộ mà DOC đưa ra hồi tháng 7-2014 (0,58 USD/kg). Các doanh nghiệp còn lại sẽ phải chịu mức thuế 2,39 USD/kg khi xuất khẩu vào Mỹ”.

* Với mức thuế cao như vậy, xuất khẩu cá tra VN vào Mỹ trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Theo VASEP, xuất khẩu cá tra VN vào Mỹ năm 2014 đạt khoảng 337 triệu USD, giảm 11,5% so với năm 2013 một phần do mức thuế POR9 quá cao. Từ mức 30 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ cách đây bốn năm, đến nay số doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ giảm dần và dự kiến còn khoảng ba doanh nghiệp trong năm 2015.

- Mức thuế gần 1 USD/kg là một gánh nặng quá lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra VN vào Mỹ. Thuế cao đồng nghĩa với giá bán phải cao tương ứng nhưng rất khó để các nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng Mỹ chấp nhận, nhất là trong bối cảnh cá tra của VN bị nhiều loại cá khác trên thế giới cạnh tranh.

Hơn nữa, hiện nay ngoài cá tra của VN, một số nước khác tại châu Á như Bangladesh, Trung Quốc, Indonesia cũng có các loại cá da trơn xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Nhưng khó khăn nhất là các khoản thuế và ký quỹ mà các doanh nghiệp xuất khẩu phải trả cho hải quan Mỹ nếu muốn tiếp tục xuất khẩu trong thời gian tới. Theo quy định, các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn POR10 phải chịu mức thuế tạm tính (ký quỹ) theo mức thuế của POR7 (giai đoạn 1-8-2012 đến 31-7-2013).

Ở POR7, DOC sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế để tính biên độ phá giá cá tra VN nên thuế ở mức rất thấp là 0,03 USD/kg. Nay mức thuế thực tế mà DOC vừa xác định là 0,97 USD/kg, các công ty phải đóng thêm 0,94 USD/kg chênh lệch cho hải quan Mỹ.

Ðồng thời với các lô hàng xuất khẩu từ đầu năm 2015 trở đi sẽ phải chịu mức thuế tạm tính là 0,97 USD/kg. Ðây là một khoản tài chính khá lớn, lên đến hàng chục triệu USD mà các doanh nghiệp phải bỏ ra nếu muốn xuất khẩu vào Mỹ. Do đó họ sẽ chọn cách không mua bán cá tra của VN nữa.

Như vậy, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của VN sẽ phải tạm ngưng bán hàng vào Mỹ. Dự kiến với mức thuế này, chỉ còn ba doanh nghiệp VN có thể xuất khẩu vào Mỹ do họ là công ty mới bắt đầu xuất khẩu hoặc công ty có mức thuế thấp gần bằng không (0%) nhưng không có tên trong danh sách bị đơn của POR10.

Nhiều khả năng sau khi đã giảm 11,5% trong năm 2014, xuất khẩu cá tra vào Mỹ sẽ giảm nữa trong năm 2015.

* Vậy VN phải làm gì để ứng phó với kết quả bất lợi mà DOC đưa ra?

Theo ông Trương Đình Hòe, mức thuế POR10 cao hơn so với kết quả sơ bộ do DOC tiếp tục sử dụng Indonesia làm quốc gia thay thế trong quá trình tính toán biên độ phá giá. Sau khi nhận được thông tin và số liệu mà các doanh nghiệp VN cung cấp, DOC đã xem xét và điều tra để loại bỏ những số liệu không hợp lý, đưa ra kết quả cuối cùng vừa mới công bố.

- Vì kết quả DOC mới công bố trên công báo liên bang là kết quả cuối cùng nên các doanh nghiệp VN chỉ còn cách kiện Mỹ lên Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) để phản đối kết quả của DOC.

Dù có thể chúng ta không thắng kiện nhưng khi ITC thụ lý vụ kiện, tạm thời mức thuế mà các doanh nghiệp VN lẽ ra phải đóng cho Mỹ sẽ chưa phải thực hiện vì phải đợi kết quả phiên tòa (dự kiến kết thúc trong khoảng từ hai đến hai năm rưỡi kể từ ngày khởi kiện).

Sau khi nhận mức thuế ở POR9 lên đến 1,2 USD/kg, các doanh nghiệp cũng đã kiện lên ITC và vụ kiện đang được tiến hành.

Tuy nhiên, rõ ràng tác động tâm lý từ phán quyết của DOC là có và nhiều khả năng các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ e ngại trong việc nhập khẩu cá tra VN vì họ không biết kết quả vụ kiện thế nào cũng như không biết kết quả của các đợt xem xét sắp tới thuế ở mức bao nhiêu.

Một điều chắc chắn là từ khi DOC chọn Indonesia làm quốc gia thay thế để tính biên độ phá giá với cá tra của VN thì mức thuế cao hơn nhiều khi sử dụng Bangladesh trước đó.

* Trong trường hợp xấu nhất là VN không thể xuất khẩu cá tra đông lạnh vào Mỹ nữa, ngành cá tra VN sẽ phải chuyển hướng sang các thị trường nào?

- Mức thuế mà DOC đưa ra chỉ áp dụng với cá tra philê đông lạnh của VN nên các doanh nghiệp có thể chuyển qua xuất khẩu các mặt hàng khác như cá tra nguyên con, cá tra cắt khúc hoặc hàng giá trị gia tăng vào Mỹ.

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác để chuyển hướng xuất khẩu. Hiện ASEAN và châu Á đang trở thành các thị trường có tăng trưởng nhanh về nhập khẩu cá tra của VN, trong khi hai thị trường chính là Mỹ và EU sụt giảm.

Ðây vẫn là các thị trường còn nhiều dư địa để các nhà xuất khẩu cá tra VN hướng đến trong thời gian tới.

>>> Các doanh nghiệp đã kê 'vống' khối lượng cá tra philê tồn kho?

Theo Trần Mạnh

PV

Tuổi trẻ

Trở lên trên