MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các doanh nghiệp đã kê 'vống' khối lượng cá tra philê tồn kho?

22-01-2015 - 12:48 PM | Thị trường

Khối lượng cá tra philê tồn kho có tỷ lệ hàm ẩm trên 83% của các doanh nghiệp hiện là 150.000 tấn. Trong khi đó, khối lượng mà các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra tự thống kê và gửi thông báo về Bộ NN&PTNT là 362.000 tấn.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám cho biết, theo kết quả giám sát của 11 đoàn kiểm tra liên ngành do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiquad) thực hiện tại các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra philê tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ghi nhận khối lượng cá tra philê tồn kho có tỷ lệ hàm ẩm trên 83% của các doanh nghiệp hiện là 150.000 tấn. Trong khi đó, khối lượng mà các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra tự thống kê và gửi thông báo về Bộ NN&PTNT là 362.000 tấn.

Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT vẫn đề xuất và được Chính phủ đồng ý chưa thực hiện các quy định về hàm lượng nước, tỷ lệ mạ băng đối với cá tra philê đông lạnh xuất khẩu theo quy định tại Nghị định số 36/2014/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2015 (Báo Công an nhân dân đã đăng tải).

Đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT vẫn khẳng định, quy định tỉ lệ mạ băng không được vượt quá 10% tại Nghị định 36/2014/NĐ-CP là “cần thiết, phù hợp và đủ linh hoạt cho các doanh nghiệp trong chế biến sản phẩm cá tra philê đông lạnh chất lượng tốt để xuất khẩu và ngăn ngừa gian lận thương mại”. Văn bản của Bộ NN&PTNT trả lời UBND các tỉnh ĐBSCL có nuôi cá tra, nhấn mạnh, mục đích công nghệ của việc mạ băng là để bảo vệ sản phẩm nhằm giảm thiểu khả năng mất nước (cháy lạnh) gây suy giảm chất lượng sản phẩm trong quá trình bảo quản đông lạnh. Theo hướng dẫn của Ủy ban Thực phẩm quốc tế (Codex), tỉ lệ mạ băng để đạt mục tiêu công nghệ thông thường là không quá 5%.

Về quy định hàm lượng nước tối đa cho phép 83%, Bộ NN&PTNT cho hay, hàm lượng nước tự nhiên trong philê cá tra chưa qua chế biến (rửa, ngâm quay, cấp đông) là 79,70 ± 0.34%; không phát hiện việc lạm dụng chất kích thích tăng trưởng để tích nước trong cá tại công đoạn nuôi. Việc sử dụng phụ gia nhóm phosphate là được phép theo quy định của Codex để cải thiện chất lượng cảm quan, chống mất nước sau rã đông.

Tuy nhiên, sử dụng phụ gia vừa đủ (tương ứng với hàm lượng nước là 83% và tỷ lệ tăng trọng là 15%) là đã đạt được mục đích cải thiện chất lượng cảm quan, chống mất nước sau rã đông. Nếu lạm dụng phụ gia (ngâm quay kéo dài) đến hàm lượng nước là 85-86% thì tỷ lệ tăng trọng sẽ tương ứng từ 35% đến hơn 40%.

Theo ngành Nông nghiệp, hành vi này có thể bị coi là gian lận thương mại, làm suy giảm chất lượng sản phẩm cá tra philê, bán giá thành thấp và dẫn đến nguy cơ cá tra Việt Nam bị cáo buộc, áp thuế chống bán phá giá tại các thị trường (chấp nhận điều này tương tự việc chấp nhận bơm tạp chất vào tôm và bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ).

>>> Tạm hoãn thời điểm thực hiện 2 quy định mới về xuất khẩu cá tra

Theo Chi Linh

PV

Công an nhân dân

Trở lên trên