Cắt giảm thuế quan từ TPP sẽ tác động tới xuất khẩu nông sản như thế nào?
Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa chính thức được ký kết ngày 4-2, mở ra nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu cho hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
- 08-02-2016TPP là cơ hội để Việt Nam "lớn lên"
- 06-02-2016Việt Nam ký kết TPP mở ra cơ hội cho ngành nuôi cá tra
Tuy nhiên để tận dụng được lợi thế về thuế quan, điều quan trọng là các sản phẩm phải thực sự được nâng cao chất lượng và gia tăng chế biến.
Gạo, cà phê, cao su hưởng lợi xa
Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), Bộ NN&PTNT: Đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là lúa gạo, trong khối TPP, có bốn quốc gia có dự địa lớn về mặt thuế suất nhập gạo, đó là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Mexico và Malaysia.
Hai thị trường Nhật Bản và Hoa Kỳ được đánh giá là rất khó xâm nhập. Việc áp mức thuế suất nhập khẩu gạo lên đến gần 400% cho thấy, Nhật Bản luôn coi gạo là sản phẩm có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng và tìm mọi cách để bảo hộ.
Ipsard phân tích, trong TPP, Mexico là thị trường tiềm năng cho gạo Việt Nam. Tuy nhiên, việc Mexico đặt lộ trình xóa bỏ thuế đối với nhập khẩu gạo (mã HS.1006.30) trong vòng 10 năm: giữ mức thuế ban đầu (20%) trong 5 năm đầu tiên, cắt giảm đều cho 5 năm tiếp theo và miễn giảm hoàn toàn từ ngày 1 tháng 1 năm thứ 10, sẽ không tạo điều kiện dễ dàng cho xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam sang thị trường này trong ngắn hạn.
Malaysia cũng là thị trường được nhận định có nhiều tiềm năng cho Việt Nam đối với sản phẩm gạo. Với lợi thế giảm thuế suất nhập khẩu, Việt Nam có thể chiếm được thị phần của Thái Lan và Pakistan khi hai quốc gia này cũng đang bị áp mức thuế nhập khẩu là 20% đối với Thái Lan và 40% đối với Pakistan.
Ngoài lúa gạo, các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực khác là cà phê, cao su được nhận định có thể được hưởng lợi gián tiếp từ cam kết cắt giảm thuế suất của TPP nhưng không cao.
Cụ thể, đối với cà phê, hiện nay mức thuế suất nhập khẩu cà phê tại Mexico còn rất cao, đối với cà phê hạt Robusta chưa rang, thuế suất là 20%. Theo cam kết TPP, Mexico đặt lộ trình giảm thuế rất dài, từ 5 đến 13 năm. Như vậy, trong ngắn hạn, cà phê Việt Nam rất khó cạnh tranh tại thị trường Mexico.
Đối với cao su, hiện nay Việt Nam xuất khẩu nhiều cao su thô sang Malaysia chế biến và nước này lại xuất đi Hoa Kỳ. Để hưởng thuế suất ưu đãi từ Hoa Kỳ trong cam kết TPP, Malaysia sẽ phải đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa (cao su thô có nguồn gốc từ TPP).
Việt Nam là nước duy nhất trong TPP xuất khẩu cao su thô cho Malaysia. Vì cao su là mặt hàng chiến lược của Malaysia và Hoa Kỳ là thị trường quan trọng, nên nhiều khả năng Malaysia sẽ đẩy mạnh thu mua cao su thô của Việt Nam trong thời gian tới.
Rau quả, thủy sản nhiều kỳ vọng
Báo cáo của Ipsard chỉ ra rằng: Trong những năm gần đây, xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường các nước TPP tăng trưởng nhanh chóng. Trong thời gian qua, thanh long đã được xuất khẩu đi New Zealand và Australia, vải, nhãn và xoài đã được xuất vào thị trường Hoa Kỳ...
Mặc dù vậy, kim ngạch xuất của Việt Nam vào TPP (khoảng 200 triệu USD) vẫn chưa đúng với tiềm năng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam).
Lợi ích từ việc giảm thuế suất nhập khẩu cuả các nước TPP đối rau quả Việt Nam được kỳ vọng là khá lớn. Nhật Bản, Hoa Kỳ và Mexico là ba thị trường tiềm năng nhất cho sản phẩm rau quả xuất khẩu của Việt Nam.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Ipsard đánh giá: Mặc dù có tiềm năng song Việt Nam dường như vẫn chưa sẵn sàng để tận dụng cơ hội này. Nhiều sản phẩm rau quả tươi sống của Việt Nam vẫn còn bị cấm nhập khẩu vào các thị trường lớn của TPP như Nhật Bản và Hoa Kỳ vì các nguy cơ an ninh sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, tỷ lệ các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam vẫn còn rất thấp.
Trong bối cảnh đó, để tăng tính cạnh tranh của ngành, nâng cao chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an tòan thực phẩm, giảm chi phí sản xuất các sản phẩm rau quả Việt Nam là yếu tố rất cần thiết.
Đối với mặt hàng thủy sản, một số chuyên gia cho rằng, hiện nay, phần lớn mức thuế suất nhập khẩu của các nước TPP đối với các sản phẩm thủy sản ở dạng nguyên liệu hoặc sơ chế (có mã số thuế HS 03) đã ở mức khá thấp (0-5%), trừ Mexico.
Vì vậy, việc giảm thuế từ các cam kết TPP không có nhiều ý nghĩa trong việc thúc đẩy xuất khẩu các nhóm hàng này của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều dư địa đối với các các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao (mã số thuế HS 16) tại các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada.
Vấn đề chính là hiện nay khâu chế biến thủy sản của Việt Nam còn rất yếu. Phần lớn các sản phẩm thủy sản vẫn ở dạng tươi sống, đông lạnh hoặc phơi khô, thiếu các công nghệ tạo giá trị gia tăng cao như hun khói hay làm các chế phẩm sinh học. Do đó, để tận dụng được các dự địa thuế quan, Việt Nam cần phải đẩy mạnh công đoạn chế biến trong chuỗi giá trị thủy sản.
Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Để xâm nhập và chiếm lĩnh được những thị trường giá trị cao và quy mô lớn như Hoa Kỳ và Nhật Bản, những sản phẩm Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu như thủy sản cần vượt qua được các hàng rào kỹ thuật (TBT) và các biện pháp kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS).
Ipsard kiến nghị, trong ngắn hạn đối với những sản phẩm có lợi thế xuất khẩu, cần thúc đẩy các hoạt động mở rộng thương mại, xúc tiến đầu tư giữa nhà đầu tư TPP với Việt Nam, giữa nhà đầu tư Việt Nam với các nước TPP để tìm kiếm các cơ hội hợp tác tận dụng các cơ hội của TPP mang lại, hình thành các chuỗi giá trị toàn cầu và thương hiệu quốc gia của các nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần xây dựng một trang web giữa Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao để thông tin công khai, minh bạch các tiêu chuẩn SPS, TBT và các nội dung khác của Việt Nam và các nước TPP để tạo điều kiện thuận lới cho hoạt động thương mại nông sản và đầu tư nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước TPP.
Báo hải quan