Giá dầu thế giới tăng mạnh nhất 2 tháng
Giá dầu giao sau đã tăng mạnh trong phiên hôm qua, đảo ngược xu thế giảm liên tục của mấy ngày trước đó...
- 01-04-2015Đàm phán hạt nhân Iran khiến giá dầu giảm ba phiên liên tiếp
- 30-03-2015Iraq dự đoán giá dầu tăng lên 70 USD một thùng vào cuối năm 2015
- 24-03-2015Giá dầu tăng mạnh nhờ giá USD giảm
Giá dầu thế giới đã có phiên tăng mạnh nhất trong gần 2 tháng vào đêm qua (1/4) sau khi có tín hiệu cho thấy sản lượng dầu thô cuả Mỹ có thể đã đạt gần đỉnh.
Tờ Wall Street Journal dẫn số liệu sơ bộ từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tuần trước, sản lượng dầu thô của nước này đã lần đầu tiên giảm xuống kể từ tháng 1.
Ngay sau khi số liệu này được công bố, giá dầu giao sau đã tăng mạnh, đảo ngược xu thế giảm liên tục của mấy ngày trước đó.
Lúc đóng cửa tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX), giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 5 tăng 2,49 USD/thùng, tương đương mức tăng 5,2%, chốt ở 50,09 USD/thùng. Đây là phiên tăng mạnh nhất của giá dầu ngọt nhẹ kể từ ngày 3/2.
Tại thị trường London, giá dầu thô Brent biển Bắc tăng 1,99 USD/thùng, tương đương tăng 3,6%, chốt ở 57,1 USD/thùng.
Theo giới phân tích, sản lượng dầu của Mỹ giảm có thể là một tín hiệu cho thấy tình trạng dư thừa dầu sắp tới sẽ được khắc phục. Dư thừa nguồn cung là nguyên nhân chính khiến giá dầu thế giới tụt xuống mức thấp nhất 6 năm vào đầu năm nay.
Các công ty năng lượng đã tuyên bố cắt giảm hàng tỷ USD vốn đầu tư, đồng thời giảm mạnh số giàn khoan dầu hoạt động. Việc cắt giảm này có thể đã bắt đầu khiến sản lượng khai thác dầu của Mỹ không giữ được tốc độ tăng như trước.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng thận trọng nói rằng, để sản lượng dầu tăng chậm lại hoặc giảm có thể sẽ mất thời gian nhiều tháng. Các công nghệ mới hiện nay cho phép các nhà khai thác dầu tăng sản lượng bằng cách tăng cường bơm từ các giếng sẵn có thay vì phải khoan thêm giếng mới.
Giá dầu thế giới đã quay đầu giảm trở lại trong phiên sáng nay. Lúc hơn 9h theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau giảm 0,58 USD/thùng so với đóng cửa phiên hôm qua, tương đương giảm gần 1,2%, còn 49,51 USD/thùng.
Theo số liệu của EIA, sản lượng dầu của Mỹ trong tuần trước giảm 0,4%, tương đương giảm 36.000 thùng/ngày, từ mức cao nhất trong nhiều thập niên thiết lập vào tuần trước.
“Có lẽ đây là tín hiệu đầu tiên cho thấy sự suy giảm sản lượng dầu của Mỹ”, ông Andy Lipow, Chủ tịch công ty Lipow Oil Associates, nhận định.
Sau khi lao dốc mạnh trong 6 tháng cuối năm 2014 và đầu năm nay, giá dầu đã dần đi vào ổn định. Tuy vậy, giới phân tích vẫn có những quan điểm trái chiều quanh việc liệu giá dầu đã chạm đáy hay chưa.
Ông Ben Ross, nhà quản lý danh mục của công ty Cohen & Steers, cho rằng cần phải chờ xem việc giảm sản lượng dầu của Mỹ có kéo dài hay không trước khi kết luận giá dầu bắt đầu một chu kỳ hồi phục.
“Các nước sản xuất dầu vẫn đang bơm nhiều dầu nhất có thể. Tôi không thể đặt quá nhiều niềm tin vào số liệu được công bố”, ông Ross nói.
Cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran vẫn đang tiếp tục mà chưa có một thỏa thuận nào đạt được giữa Tehran với 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, và Trung Quốc.
Mấy ngày qua, giá dầu chịu sức ép giảm liên tục về khả năng đạt thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran, bởi một thỏa thuận như vậy sẽ giúp Tehran được nới lệnh trừng phạt và tăng mạnh mức xuất khẩu dầu.
Theo Diệp Vũ
Vneconomy