Giá xăng giảm sâu, doanh nghiệp vẫn xin tăng cước vận tải!
Liên bộ Tài chính GTVT đang tổ chức các đoàn thanh kiểm tra giá cước vận tải tại một số địa phương trước thông tin giá xăng, dầu giảm mạnh nhưng giá cước vận tải chỉ giảm lấy lệ.
- 31-01-2015Giá cước vận tải đã có chuyển biến tích cực
- 26-01-2015Đồng loạt kiểm tra giá cước vận tải
- 24-01-2015Giá cước vận tải đồng loạt giảm
Thực tế đã cho thấy, giá xăng, dầu vẫn tiếp tục giảm, đồng nghĩa với đầu vào chi phí vận tải giảm, vậy nhưng vẫn có doanh nghiệp vận tải lại gửi văn bản thông báo tăng giá cước dịp Tết Nguyên đán.
Không giảm cước, còn xin tăng giá
Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn TP đã có hơn 100 DN điều chỉnh giảm giá cước vận tải hành khách (VTHK). Cụ thể đã có 81 đơn vị kinh doanh taxi (trong đó có nhiều đơn vị đã giảm hai lần), 25 đơn vị VTHK tuyến cố định. Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho biết, hiện đơn vị đã nhận được thông báo giảm giá cước vận tải của 65/150 DN đang hoạt động kinh doanh VTHK tuyến cố định tại bến. Tuy nhiên, vừa qua có 2 hồ sơ xin tăng giá xe trong dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể, Cty TNHH Hiền Phước (chạy tuyến Hà Nội - Sài Gòn) trong bảng kê khai mức giá gần đây đã tăng giá cước với mức dao động từ 20 - 60%, tùy thời điểm.
Cụ thể, chiều Sài Gòn - Hà Nội giá vé sẽ tăng từ 880.000 đồng/vé lên 1.408.000 đồng/vé áp dụng từ ngày 10 - 19.2; chiều ngược lại giữ nguyên. Sau Tết Nguyên đán, chiều Giáp Bát - Sài Gòn tăng từ 880.000 đồng lên 1.408.000 đồng/vé áp dụng từ 19 - 25.2, chiều ngược lại giữ nguyên. Cty TNHH dịch vụ vận tải và thương mại Hùng Thắng chạy tuyến Giáp Bát - Thạch Thành (Thanh Hóa), trong phương án giá gửi đến bến Giáp Bát cũng tăng 40% giá vé (từ mức 80.000 đồng/khách lên 112.000 đồng/khách), áp dụng từ ngày 8 - 28.2 trên cả hai chiều.
Đại diện bến xe Nước Ngầm, ông Nguyễn Văn Lập cho biết, đến cuối ngày 29.1 đã có 34/88 DN vận tải thông báo giảm cước mức từ 2 - 20%. Tuy nhiên, bến cũng vừa nhận được thông báo tăng giá cước dịp Tết Nguyên đán của 2 đơn vị là Cty TNHH Chín Nghĩa tăng giá vé chiều Hà Nội - Quảng Ngãi từ mức 350.000 đồng/vé lên mức 490.000 đồng/vé, tức tăng 40% từ ngày 19 - 21.2 và HTX xe khách Trung Nam tăng giá lần lượt từ 20 - 60% tùy vào từng thời điểm, áp dụng từ ngày 31.1 đến ngày 21.2.
Cùng đó, tại bến xe Giáp Bát, số lượng đơn vị đã kê khai giảm giá cước vận chuyển và gửi thông báo kê khai giá đến bến xe để tổ chức thực hiện tính đến hết ngày 23.1.2015 gồm 85 đơn vị (bao gồm cả các đơn vị vận tải của tỉnh ngoài). Trưởng phòng Giá (Sở Tài chính Hà Nội) Vương Thu Hằng cho biết, sở có nhận được một số hồ sơ đề xuất xin tăng giá cước vận tải (phụ thu) vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, Sở Tài chính chưa chấp thuận cho bất kỳ DN nào. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiếp tục kiểm tra việc giảm giá cước của 20 đơn vị trên địa bàn Hà Nội. Quan điểm của Sở Tài chính Hà Nội là sẽ xử lý nghiêm những DN cố tình trây ỳ không giảm giá cước vận tải.
Xe khách đường dài chưa chịu giảm giá
Đến nay tại Thanh Hóa mới chỉ có 18/50 đơn vị xe vận tải hành khách đường dài trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đăng ký tại Sở GTVT thực hiện điều chỉnh giảm giá xuống, nhưng đều là các lần giảm giá trong năm 2014. Rất ít đơn vị giảm giá theo đợt giảm giá xăng ngày 23.1.2015. Theo Phó GĐ Sở GTVT Thanh Hoá - ông Vương Quốc Tuấn - sở đã có văn bản đề nghị, hướng dẫn các đơn vị này thực hiện kê khai giảm giá. Vậy nhưng đa số các nhà xe chạy tuyến cố định, đặc biệt tuyến Thanh Hoá - Hà Nội cứ nhùng nhằng với nhiều lý do.
Còn các chủ hãng xe tuyến cố định cho rằng: Xăng giảm giá nhưng các chi phí như săm lốp, ắcquy, lương… không giảm mà còn tăng nên tổng cấu thành giá không thay đổi(?). Theo ông Tuấn, sở dĩ các DN vận tải tuyến cố định cố tình nhùng nhằng việc giảm giá bởi Tết Nguyên đán đã cận kề, đây là thời gian “gặt hái” của các nhà xe. Để đối phó với tình trạng này, Sở GTVT Thanh Hóa một mặt ban hành văn bản yêu cầu, nhắc nhở, đồng thời phối hợp với công an, Sở Tài chính rà soát, kiểm tra, nếu đơn vị nào không kê khai về giá sẽ kiểm tra lại cấu thành giá, nếu vượt sẽ phối hợp các cơ quan liên quan xử lý nghiêm. Sở này cũng khuyến khích bằng việc cho phép điều chỉnh tăng giá 10 ngày trước - sau tết để khuyến khích xe vào bến, tránh việc bắt chẹt, “chặt chém” hành khách.
Hiện tất cả số điện thoại đường dây nóng của công an, sở GTVT, UBATGT tỉnh… đều được niêm yết công khai. “Phát hiện nhà xe nào tự ý tăng giá cao, bắt khách không đúng quy định sẽ xử lý nghiêm, chỉ cần một tin nhắn, cuộc gọi của người dân chúng tôi sẽ cho kiểm tra, xử lý ngay, kể cả nửa đêm” - ông Mai Xuân Liêm - GĐ Sở GTVT Thanh Hoá - khẳng định.
>>> Giá cước vận tải đã có chuyển biến tích cực
Theo Đặng Tiến - Xuân Tùng
Lao động