Hàng nghìn lít dầu nhớt giả mang nhãn hiệu Honda, Yamaha
Qua kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện cơ sở kinh doanh Thịnh Vượng thuộc khu phố Hiệp Thạnh, phường Hiệp Ninh (TP Tây Ninh) đang làm dầu nhớt giả với số lượng khoảng 1000 lít, trong đó có 240 bình nhớt giả đã chiết xuất thành phẩm mang nhãn hiệu Honda, Yamaha và khoảng 600 lít nhớt đã qua pha chế còn để trong bồn inox..
- 31-01-2015Thực trạng lợi dụng cư dân biên giới vận chuyển hàng lậu
- 24-01-2015Bắt giữ hàng lậu lớn nhất từ trước tới nay
- 20-01-2015TPHCM tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, hàng cấm
Ngày 9/4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an Tây Ninh, cho biết đã kiểm tra cơ sở kinh doanh Thịnh Vượng thuộc khu phố Hiệp Thạnh, phường Hiệp Ninh (TP. Tây Ninh) do ông Võ Văn Út (55 tuổi) làm chủ.
Qua kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện cơ sở này đang làm dầu nhớt giả với số lượng khoảng 1000 lít, trong đó có 240 bình nhớt giả đã chiết xuất thành phẩm mang nhãn hiệu Honda, Yamaha và khoảng 600 lít nhớt đã qua pha chế còn để trong bồn inox. Một số bình nhớt giả thành phẩm đã được chất lên xe tải chuẩn bị đi tiêu thụ.
Tiếp tục kiểm tra cơ sở trên, cơ quan Công an còn phát hiện có 2 lò nấu nhớt bằng kim loại, dung tích khoảng 800 lít; hơn 100 bình nhựa nhãn hiệu nhớt Yamaha, Castrol, Durable dung tích 1 lít; 10 bình nhựa không nhãn hiệu dung tích 18 lít; gần 3.700 vỏ bình nhựa; 58 kg chất phụ gia tăng độ nhớt được đựng trong 3 bao tải; 250ml nước màu đỏ hồng (theo chủ cơ sở khai nhận là dầu thơm để tạo mùi nhớt khi pha chế) cùng rất nhiều nhãn mác của các hãng nhớt chưa qua sử dụng.
Qua đấu tranh, Võ Văn Út đã thừa nhận hành vi sản xuất dầu nhớt giả bằng cách cho các nguyên liệu gồm, dầu khoáng, chất phụ gia tăng độ nhớt, dầu thơm mùi nhớt cho tất cả vào lò nấu ở nhiệt độ 50 độ C trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Tiếp đó, để nguội rồi sang chiết vào các vỏ bình nhớt đã qua sử dụng hoặc các bình nhựa mua ở ngoài rồi dán nhãn mác các hãng nhớt uy tín. Sau đó, thuê tài xế chở nhớt giả đi tiêu thụ ở TP HCM và một số nơi khác. Mỗi bình nhớt ông Út giao cho các nơi tiêu thụ với giá từ 20000- 30.000 đồng.
Được biết, doanh nghiệp tư nhân Thịnh Vượng được cấp giấy phép kinh doanh “Vận chuyển hàng hóa, mua bán và sơ chế nguyên liệu cũ (không chế biến khoai mì tươi), mua bán nhớt và phụ tùng xe Honda”. Lợi dụng hình thức kinh doanh này, chủ sơ sở đã pha chế nhớt giả để bán ra ngoài kiếm lợi nhuận. Lực lượng chức năng đã niêm phong các công cụ pha chế và lò nấu nhớt; riêng số bình nhớt thành phẩm đã được đưa về cơ quan Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Hành vi pha chế nhớt giả rồi bán ra thị trường nói trên không những ảnh hưởng đến uy tín cho các hãng nhớt trên thị trường mà còn ảnh hưởng đến môi trường, thiệt hại cho động cơ xe.
Theo H.Trang- T.Lực
Công an nhân dân