MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Việt “chật vật” vào siêu thị

22-06-2015 - 14:49 PM | Thị trường

Siêu thị được đánh giá là kênh phân phối hiệu quả cho các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để vào được kênh phân phối này, nhiều DN rất khó “chen chân” bởi có nhiều vấn đề “nhạy cảm” phát sinh.

DN cung cấp “kêu” khó

Sau nhiều năm triển khai cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, tỷ trọng hàng Việt trong các siêu thị đã tăng lên nhanh chóng. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo cuộc vận động, nếu năm 2006, tỷ trọng hàng Việt bán trong các siêu thị chỉ chiếm chưa đầy 50% nhưng đến nay, con số này đã tăng dần lên 80-90%, thậm chí, có những đơn vị đã coi hàng Việt là sự lựa chọn duy nhất, như Vinatexmart chỉ bán 100% hàng Việt...

Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên tại một số hệ thống siêu thị như Big C, Fivimart…, hàng ngoại vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ. Dạo một vòng các kệ hàng bánh kẹo tại hệ thống siêu thị Big C, phóng viên nhận thấy, sản phẩm bánh kẹo nội và ngoại được bày xen kẽ chứ không phân biệt theo khu vực. Sản phẩm bánh kẹo của Kinh Đô, Hải Hà được bày xen kẽ với những sản phẩm NK từ Indonesia, Thái Lan, Đức, Pháp... song sự hiện diện của hàng nội dường như bị lép vế

Tại hệ thống siêu thị Fivimart của Công ty CP Nhất Nam, một khách hàng phản ánh với phóng viên, muốn mua hàng do Việt Nam sản xuất cũng khó. Theo quan sát của phóng viên, với mặt hàng thảm lau chân - một mặt hàng rất đơn giản về chất liệu, mẫu mã, trong 5 chồng hàng thì chỉ có 1 mẫu hàng do DN Việt Nam sản xuất, còn lại chủ yếu của Trung Quốc. Một số sản phẩm đồ dùng trong gia đình khác như kéo, móc treo quần áo..., người tiêu dùng “mỏi mắt” cũng chưa tìm được hàng Việt Nam.

Như vậy, dù các siêu thị khẳng định số lượng hàng Việt Nam vẫn chiếm ưu thế nhưng sự lép vế của hàng Việt là điều không thể phủ nhận. Vì sao hàng Việt vẫn “vắng bóng” trong các siêu thị? Theo phản ánh của nhiều DN, để “chen chân” vào các siêu thị DN gặp rất nhiều khó khăn.

Là DN chủ yếu kinh doanh hàng dệt may, trong đó có sản phẩm khăn mặt, khăn nhà bếp, chất tẩy rửa…, dù đã XK sang một số thị trường như Pháp, Áo, Đan Mạch, Nhật Bản, nhưng để đưa hàng vào hệ thống siêu thị trong nước Công ty CP quốc tế VAG gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, việc tiếp xúc với hệ thống siêu thị rất khó khăn và khi tiếp xúc lại phát sinh những vấn đề “nhạy cảm” khác. “Kinh nghiệm tiếp xúc với các hệ thống siêu thị tôi thấy rằng, lãnh đạo siêu thị đưa ra những tiêu chí rất rõ ràng cho DN muốn đưa hàng vào siêu thị nhưng hệ thống triển khai ở phía sau lại không hoàn toàn “mở” như vậy”, ông Minh nói. Những vấn đề “nhạy cảm” được một số DN khác nhắc đến là phần chi phí “bôi trơn”, hoặc “lót tay” để được giải quyết sớm, hoặc là phải có mối quen biết...

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, muốn có một kệ hàng trong siêu thị không phải đơn giản vì siêu thị yêu cầu nhà cung cấp phải hỗ trợ giá kệ, hỗ trợ trưng bày, tín dụng, đổi hàng… Trong khi đó, hầu hết DN Việt Nam đều là DN nhỏ nên những yêu cầu của nhà phân phối khiến DN sẽ khó đáp ứng. Thậm chí, những DN lớn, có tên tuổi của Việt Nam cũng gặp phải khó khăn này. “Tôi đã từng trao đổi với lãnh đạo của Công ty May Nhà Bè, họ nói rằng, bán hàng vào hệ thống siêu thị nước ngoài không có lãi do phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu của siêu thị. Nói vậy để thấy rằng, kể cả DN lớn của Việt Nam như May Nhà Bè - DN lớn thứ 2 trong ngành may mặc mà còn sống “leo lắt” huống chi DN nhỏ và vừa”, ông Đoàn chia sẻ.

Siêu thị bảo “không”

Có thể thấy, so với các nhãn hàng nước ngoài, hàng hóa của DN trong nước không có nhiều lợi thế khi đưa hàng vào hê thống siêu thị. Điều này không khó hiểu vì các DN lớn thường có chi phí quảng cáo mạnh, chiết khấu cao và có quy trình sản xuất cũng như chất lượng hàng hóa đáp ứng yêu cầu của siêu thị. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ Súc sản - Vissan cho biết, khi đưa hàng vào siêu thị có 2 chiều khác nhau, DN lớn có thương hiệu, đảm bảo chất lượng, yêu cầu thì không gặp khó khăn gì khi vào siêu thị. Với những DN nhỏ, sản phẩm chưa có thương hiệu, việc đưa vào siêu thị có những thủ tục rườm rà là dễ hiểu.

Tuy nhiên, đại diện của nhiều siêu thị có câu trả lời chung là “không hề có sự ưu tiên giữa hàng có thương hiệu, liên doanh hoặc ngoại nhập mà tất cả đều theo quy chuẩn của siêu thị”. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam khẳng định, ở Fivimart không có hiện tượng DN phải “lót tay” hay phải dùng phí “bôi trơn”. Hàng hóa muốn vào hệ thống siêu thị Fivimart theo một quy trình, cụ thể: Thứ 3 và thứ 6 hàng tuần, nhà cung ứng hàng hóa mang sản phẩm đến siêu thị kèm theo các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Nếu sản phẩm đáp ứng yêu cầu của siêu thị là có thể đưa hàng vào.

Với một số hệ thống siêu thị khác, quy trình chào hàng cũng được đăng tải công khai trên website. Đơn cử thủ tục đưa hàng vào bán tại Big C rất rõ ràng và từng chủng loại hàng hóa như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng đồ chơi, vải sợi… phải thỏa mãn các điều kiện: Hàng hóa hợp thị hiếu người tiêu dùng; đầy đủ quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; nhãn mác, bao bì, hàng hóa đủ để đáp ứng nhu cầu; có thể giao hàng nhiều tỉnh thành.

Ngoài ra, Big C còn ưu tiên những DN có chính sách kinh doanh năng động, có chính sách giá tốt cho khách hàng, ưu tiên hàng sản xuất địa phương… Hoặc như tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, thủ tục chào hàng yêu cầu: Nhà cung cấp gửi bảng chào hàng mới, các chứng từ (giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng...); sau tối đa 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ mẫu hàng hóa và chứng từ hợp lệ, siêu thị sẽ thông báo nhà cung cấp về kết quả mua hàng.

Dù các siêu thị công khai thủ tục, quy trình chào hàng nhưng với thực tế số lượng nhà cung cấp quá nhiều trong khi hệ thống siêu thị lại chưa đáp ứng được thì việc nhiều hàng hóa do DN trong nước sản xuất vẫn khó “chen chân” được trong siêu thị là khó tránh khỏi. Chưa kể đến, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập sâu hơn vào các Hiệp định thương mại tự do, thuế suất NK nhiều mặt hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực ASEAN (với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC) sẽ về 0%, hàng hóa trong nước sẽ còn khó cạnh tranh hơn.

“Hàng NK hiện cao hơn hàng trong nước nhưng khi thuế suất về 0%, sản phẩm NK khi đó sẽ bằng hoặc thấp hơn sản phẩm trong nước. Ví dụ như mặt hàng hoa quả, Thái Lan có phần vượt trội hơn vì thế khó khăn tiêu thụ trong nước”, bà Hậu cho hay.

Theo Phan Thu

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên