MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không để khan hàng, sốt giá dịp Tết

22-01-2015 - 09:04 AM | Thị trường

Ngày 21/1, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng Hà Nội cho biết, sẽ không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Ất Mùi.

Kiểm soát chặt hàng bình ổn

Theo Sở Công Thương Hà Nội, kế hoạch dự trữ hàng hoá sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong dịp Tết. Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá cam kết luôn đảm bảo lượng hàng hóa dự trữ, bán ra thị trường với giá ổn định. Trong đó, tập trung dự trữ và tổ chức bán ra trên thị trường 7 nhóm hàng thiết yếu sẵn sàng phục vụ Tết như: gạo, thịt lợn, thịt gà, dầu ăn, rau củ, trứng gia cầm, thủy hải sản đông lạnh với tổng trị giá trên 276 tỷ đồng. Đồng thời, bằng nguồn vốn tự có, các doanh nghiệp chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng hàng hoá thiết yếu giao dự trữ bằng số tiền được tạm ứng.

“Lượng hàng hóa sản xuất, dự trữ hiện nay sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong dịp Tết. Cho nên sẽ không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp này”, đại diện Sở Công Thương cho biết.

Theo Sở Tài chính, năm nay khi triển khai kế hoạch cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá với số tiền trên 276 tỷ đồng, Sở đã quản lý chặt chẽ giá cả ngay từ đầu. “Khi doanh nghiệp tham gia vào công tác bình ổn giá thì phải đăng ký kê khai giá, sau đó chúng tôi xem xét mức giá này để công bố mức giá trên web của Sở để cho người dân giám sát”, đại diện Sở Tài chính nói.

Tuy nhiên, thành phố cần phải tăng cường kiểm tra bình ổn giá, đặc biệt trong dịp Tết để tránh tình trạng doanh nghiệp, đơn vị sản xuất lợi dụng tăng giá.

“Vừa rồi, sau khi đề nghị giảm giá 5% rau củ quả, chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá giảm. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra giá không thể Sở Tài chính, Công Thương có thể làm được mà phải có tất cả các quận huyện cùng vào cuộc. Vị đại diện Sở Tài chính nói. Đồng thời, Sở này cho rằng, đối với mặt hàng bình ổn giá có nguồn gốc chủ yếu từ nông nghiệp nên kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo với các bộ ngành cùng xây dựng một chuỗi liên kết thống nhất giữa các bên tránh trường hợp nông dân làm ra khó tiêu thụ. Nếu làm được như vậy sẽ mang tính chất lâu dài, ổn định hơn.

Lập 653 đoàn kiểm tra dịp Tết

Đánh giá về công tác bình ổn hàng hóa dịp Tết, ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho rằng, năm nay Hà Nội và một số nơi chủ động triển khai sớm. Theo ông Tín, năm 2015 người dân được nghỉ Tết 9 ngày nên nhu cầu mua sắm, tiêu dùng rất lớn, đặc biệt ở Hà Nội và TPHCM. Theo ông Tín, Cục đã có chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương, trong đó có Hà Nội tập trung kiểm soát chặt vấn đề hàng lậu, hàng giả, hàng nhái trong dịp Tết.

“Tôi trực tiếp đi kiểm tra ở các trung tâm thương mại, dù nơi đây được kiểm soát rất chặt chẽ, nhưng vẫn không tránh được các hành vi như không thông báo với cơ quan nhà nước khi khuyến mãi, hay ở các khu vực chế biến thực phẩm rất bẩn, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Tín nhấn mạnh.

Về việc kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, Hà Nội đã thành lập 653 đoàn kiểm tra. Cụ thể, có 6 đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành; QLTT lập 4 tổ công tác; Sở NN&PTNT 6 đoàn và Sở Y tế lập 3 đoàn kiểm tra chất lượng hàng hoá, ATTP. Ngoài ra, các xã, phường, thị trấn thành lập 584 đoàn kiểm tra liên ngành. “Từ nay đến Tết Nguyên đán, các đoàn thanh, kiểm tra tiếp tục tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu mà người dân sử dụng trong dịp Tết...

Xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm để hạn chế tối đa các sản phẩm không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường”, ông Hạnh nói. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói rằng, công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường dịp Tết cần được thực hiện quyết liệt. Đặc biệt, khi giá xăng dầu liên tục giảm mà các mặt hàng như kinh doanh vận tải không giảm thì đó là sự bất lực của cơ quan quản lý. “Tôi thấy taxi không có lý do gì mà không giảm giá. Chỉ cần xăng dầu tăng một chút thì các hãng tăng cước ngay, thế mà xăng dầu giảm thì lại viện mọi lý do việc này việc kia nên chưa giảm. Chúng ta phải lên án việc này”, ông Hải nói.

>>> Hàng hóa siêu thị phục vụ Tết tăng khoảng 10 – 15%

Theo Tú Anh

PV

Tiền phong

Trở lên trên