MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mía và sữa nguyên liệu rớt giá: Người dân thiệt đơn thiệt kép

19-01-2015 - 11:35 AM | Thị trường

Quẳng cái cuốc vào bụi cây, ngồi bệt xuống đất, anh Quang nói mà như trút hết giận lên đầu vợ: “Tôi bỏ hết không thèm làm mía nữa!”. Trút ra cho đỡ tức giận vậy thôi, chứ đất này không làm mía thì làm gì để nuôi sống cả gia đình?

Anh Quang kể, nhà có 3ha đất trồng mía, hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất Hà Tam, Đak Pơ, Gia Lai này với nghề nông để nuôi 5 miệng ăn từng ngày. “Nhưng khổ nỗi cứ đường lên giá thì nhà máy tranh mua như ăn cướp, mà giá đường xuống thấp thì ép nông dân tới tận đáy”, anh Quang bức xúc...

Vị đắng mùa mía

Chị Ba Thường (ở thôn 3, xã Hà Tam, Đak Pơ, Gia Lai) thì kể chuyện Nhà máy Đường Bình Định làm điều trái khoáy, kỳ lạ. Gia đình chị cùng nhiều nông dân ở đây đem mía xuống bán cho Nhà máy Đường Bình Định. Họ lấy lý do không có tiền trả nên đổi đường để trừ nợ. Nghĩ cảnh năm trước nhà máy nợ, nông dân chờ “dài cổ” nên ai cũng sợ, đành chấp nhận lấy đường tại nhà máy với giá ép cao hơn thực tế từ 100 - 200 đồng/kg. Lấy đường xong tại nhà máy thì có người bố trí sẵn ở đó mua lại đường theo giá thấp hơn thực tế 200 đồng/kg. Người dân đành phải bán vì nếu thuê xe chở đường về nhà, sau lại chở đi bán thì chi phí tốn kém lớn nên nông dân phải ngậm đắng nuốt cay mà chịu thiệt

Những nông dân không có phương tiện vận chuyển, đành bán mía cho tư thương, phải chịu cảnh bị ép giá thêm một lần nữa. Người dân Hà Tam kể rằng, muốn bán mía phải qua nhiều khâu, cung đoạn, từ xin giấy được chặt mía của đại lý nhà máy, rồi qua tay “cò” xe... và còn “nộp tiền xác nhận” ở UBND xã 30.000 đồng/ha mía...

Bà Mai Thị Trung Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tam phân giải, nông dân trồng mía ở đây khổ lắm, chuyện bị tư thương ép là có thật. Năm nào họp, tiếp xúc cử tri, chính quyền địa phương các cấp cũng đưa chuyện này ra trao đổi với phía lãnh đạo Nhà máy Đường An Khê và được trả lời sẽ xem xét, khắc phục cách tốt nhất để đem quyền lợi chính đáng đến cho người nông dân, nhằm phát triển diện tích mía chất lượng cao, bền vững...

Lý thuyết rất tốt đẹp nhưng thực tế khác xa. Riêng việc “nộp tiền xác nhận” 30.000 đồng/ha mía được bà Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tam lý giải, đó là tiền ủng hộ Quỹ khuyến học của địa phương. Khi người dân ký hợp đồng bán mía với nhà máy phải qua UBND xã xác nhận và xã kêu gọi người dân nên ủng hộ Quỹ khuyến học cho xã 30.000 đồng/ha. Việc này được thống nhất trong tập thể lãnh đạo ở xã thực hiện. Nếu trường hợp người dân không tự nguyện nộp thì xã cũng không ép buộc.

Một mùa mía “đắng” của nông dân ở Gia Lai.

Một mùa mía “đắng” của nông dân ở Gia Lai.

Giá mía bán tại Nhà máy Đường An Khê, Gia Lai là 900 ngàn đồng/tấn mía cây, nhưng người dân bán ở rẫy chỉ khoảng 400-500 ngàn đồng/tấn. Các chủ xe cho rằng, phải “chung chi” rất lớn trên hành trình từ ruộng mía đến nhà máy. Một tài xế bịt kín mặt bằng khẩu trang nói vậy và xin tôi đừng nêu tên, đừng chụp ảnh có biển số xe mình, bởi sợ nhiều rắc rối về sau...

Việc đánh giá chữ đường cũng rất phức tạp. Tỉ lệ trừ tạp chất mía cũng tùy nhà máy đưa ra...  Đường từ ruộng mía về nhà máy qua nhiều khâu, nhiều trạm kiểm soát. Tài xế đổ cho chuyện chi phí dọc đường cao nên ép giá nông dân. Còn nhà máy thì bảo, giá mua mía vẫn giữ 900.000đồng/tấn mía 10 chữ đường tại ruộng, còn chuyện thương thảo giá cả giữa nông dân với tư thương, nhà xe là chuyện của người dân... Nhưng hỏi hết những người nông dân bán mía thì chưa thấy khi nào nhà máy xác định mía của họ được 10 chữ đường. Với họ, mía chỉ được nhà máy xác định thường trong khoảng 9 chữ đường hoặc hơn 1 chút là quý hóa lắm.

Đem sữa... tưới cỏ!

Cũng cay đắng như mùa mía ở Gia Lai, chưa bao giờ người chăn nuôi bò sữa tại Lâm Đồng lại lâm vào cảnh bế tắc đầu ra như hiện nay. Anh Phạm Văn Tình, thôn Bồng Lai, huyện Đức Trọng, dẫn chúng tôi ra đám cỏ sau nhà mình còn nồng nặc mùi ôi của sữa tươi... tưới cỏ. Anh chỉ tay xuống khoảnh đất vẫn còn ướt sữa, chua chát: “Sáng nay chở hơn 80kg sữa đi bán dạo, chạy mấy vòng, gọi điện khắp các mối từ thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng) lên đến Đà Lạt mà chỉ bán được có gần 40 lít, bị ế hơn 40 lít. Nhà không có tủ lạnh, để thì cũng hư, thôi đành đem tưới cỏ cho rồi!”.

Có tiếng xe gắn máy đỗ xịch trước nhà anh Tình. Đó là bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, trên tay cầm một nồi nhôm lớn. Bà Lệ phân trần: “Tôi vừa đem sữa đi cho đấy, đổ như thằng Tình thì tiếc quá, không chừng lại có tội với trời đất! Người ta làm gì có sữa mà uống, còn mình lại đem sữa đổ!”.

Nông dân nuôi bò sữa ở Lâm Đồng bức xúc đổ sữa ra đường.

Nông dân nuôi bò sữa ở Lâm Đồng bức xúc đổ sữa ra đường.

 

Nhà bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ cách gia đình anh Tình chỉ vài trăm mét. Hiện mỗi ngày 4 con bò sữa của bà cho khoảng 85kg sữa tươi. Chạy vạy khắp nơi nhưng trung bình hằng ngày chỉ bán được hơn một nửa số sữa trên cho các cơ sở chế biến sữa chua với giá 8.000đ/kg. Gần một nửa số sữa còn lại bị ế, bỏ hư. Thời gian đầu, bà đem sữa dư đi cho hàng xóm, mỗi nhà vài lít uống cho vui. Thế nhưng, được vài lần thì họ cũng chán và từ chối nhận sữa. Rồi bà Lệ gửi sữa theo xe buýt tới những gia đình quen biết xa hơn ở xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), cách nhà khoảng 40km để cho.

Đối với những gia đình đã ký được hợp đồng tiêu thụ sữa cho các doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay cũng đang lo ngay ngáy khi họ liên tục bị o ép, thua thiệt đủ đường. Ông Phan Văn Liệu, xã Hiệp Thạnh cho biết, nếu như cách đây hơn 1 năm, người chăn nuôi bò sữa được các doanh nghiệp “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, cạnh tranh nhau để thu mua sữa thì nay người nuôi bò trở nên bạc bẽo, rẻ rúng.

Doanh nghiệp không còn mặn mà với nông dân, mọi khoản thưởng cho chất lượng sữa tốt, nhiều, đều đã bị cắt. Thậm chí, có doanh nghiệp còn ra văn bản chỉ thu mua 16 lít sữa/con bò/ngày, trong khi trung bình mỗi con bò hằng ngày cho khoảng 20 lít sữa, nên số sữa thừa đành phải đem cho, bán rẻ hoặc đổ bỏ. Đỉnh điểm là sáng sớm 10/1 vừa qua, hàng chục gia đình chở sữa tới trạm thu mua của Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalat milk) bán nhưng hàng trăm lít sữa bị trả. Quá bức xúc, bất bình, người dân đành đổ sữa chảy thành dòng tràn lan ra đường.

Chưa hết, bà Đinh Thị Thu, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương cho biết, tiền bán sữa cho Dalat milk, đến nay 8 tuần vẫn chưa thanh toán, mà không một lời giải thích.

Rất nhiều nông dân không ngại ngần đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi cầm cố, vay hàng trăm triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò sữa. Nay, đàn bò sữa đã đẩy họ tới con đường nợ nần chồng chất, nguy cơ mất cả nhà cửa. Anh Phạm Văn Tình rầu rĩ kể: Cách đây nửa năm, gia đình anh thế chấp toàn bộ đất đai hiện có, vay được 500 triệu đồng, mua 5 con bò cái với giá 75 triệu đồng/con và đầu tư chuồng trại, thức ăn hết nhẵn cả 500 triệu. Thế nhưng, đến nay không ký được hợp đồng tiêu thụ sữa, lượng sữa làm ra phải đem đổ quá nửa, tiền thu không đủ mua thực phẩm cho bò ăn. Hiện mỗi tháng, gia đình anh Tình phải ăn tiêu tằn tiện dành tiền trả lãi cho ngân hàng 5 triệu đồng.

Anh Phạm Văn Hiếu, tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Yersin Đà Lạt cho biết: Trước khi tốt nghiệp, anh thực hiện đề án “Chăn nuôi bò sữa tại địa phương” đạt kết quả xuất sắc và được tổ chức Lapeh của Pháp tài trợ 90 triệu đồng để phát triển bò sữa. Hiếu đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình thế chấp vay thêm 200 triệu đồng nữa để đầu tư. Trước khi bắt tay vào chăn nuôi bò sữa, anh đã tham gia lớp tập huấn kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông huyện Đức Trọng và đầu tư chuồng trại chăn nuôi rất bài bản.

Nhưng bây giờ thì buồn lắm, mỗi ngày 4 con bò của gia đình chi phí hết gần 500.000 đồng, cho được trên 80kg sữa, đem bán dạo chưa được một nửa số sữa trên khoảng 350.000 đồng, lỗ 150.000 đồng, cộng với gần 70.000 đồng trả lãi cho ngân hàng nên mỗi ngày lỗ trên 200.000 đồng. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài thì chắc chắn gia đình anh chỉ còn biết bán nhà cửa để trả nợ cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng.

>>> Kiến nghị không nhập khẩu đường từ Lào

Theo Ngọc Như - Kim Ngân

PV

Công an nhân dân

Trở lên trên