MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua sắm “nóng” lên

16-02-2015 - 08:35 AM | Thị trường

Bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sức mua trên thị trường đã lên đến đỉnh điểm, nhộn nhịp từ chợ đến siêu thị

Theo dự báo của các siêu thị, sức mua sẽ còn tăng mạnh trong 2 ngày 28 và 29 Tết, sau đó giảm dần vào sáng 30 Tết. Lượng hàng các doanh nghiệp, nhà phân phối chuẩn bị và cung ứng ra thị trường trong những ngày cuối năm vẫn rất dồi dào. Nhiều siêu thị cho biết sẽ mở cửa đến khuya; thậm chí nhiều cửa hàng, điểm bán hoa, trái cây lề đường bán hàng 24/24 giờ để kịp thời phục vụ khách.

TP HCM: Chen chân mua sắm

Gần 9 giờ ngày 15-2 (27 Tết), nhiều tuyến đường gần chợ, siêu thị ở TP HCM kẹt cứng xe cộ do lượng người đổ về mua sắm Tết. Tại Co.opmart Lý Thường Kiệt (quận 10), đến 12 giờ 30 phút, dòng người vẫn đang xếp hàng chờ tính tiền. Chị Diễm Phúc, nhà ở quận 8, cho biết đã chờ hơn 20 phút mà chưa đến lượt tính tiền. Bên trong, dòng người mua sắm không có dấu hiệu giảm.

Ở khu vực bánh kẹo, mứt Tết, nhân viên đứng quầy tất bật châm hàng lắp khoảng trống ở quầy kệ và trả lời thắc mắc của khách. Khu vực hàng đông lạnh, trái cây, thực phẩm tươi sống cũng tập trung rất đông khách. Các quầy tính tiền hoạt động hết công suất nhưng vẫn không kịp phục vụ. Bên ngoài, rất nhiều xe hàng đầy ứ được tập hợp tại khu vực giữ đồ, chuẩn bị giao tận nhà khách. Tại các siêu thị Big C, Maximark..., cảnh tượng cũng diễn ra như vậy. Nhiều bãi xe siêu thị quá tải, không còn chỗ đậu xe, khách mua hàng phải gửi xe ở nhà dân, cửa hàng gần siêu thị.

Sức mua chung tại các chợ cũng được cải thiện so với những ngày trước. Đến sáng 15-2, lượng hàng về 3 chợ đầu mối ở TP HCM đạt 12.024 tấn/đêm, tăng 60% so với ngày thường và tăng 10% so với ngày 14-2. Giá cả tại chợ đầu mối tương đối ổn định, thậm chí một số mặt hàng như bầu, bí, cải ngọt... còn giảm giá do nhu cầu tiêu thụ thấp. Giá thịt heo ổn định quanh mức 58.000 đồng/kg, 82.000 đồng/kg (ba rọi), 75.000 đồng/kg (thịt nạc)... Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng trái cây về chợ tăng mạnh. Một số mặt hàng như quýt đường, bưởi năm roi về chợ nhiều, giá ổn định dù nhu cầu có tăng. Riêng mặt hàng dưa hấu do Trung Quốc ngưng nhập hàng nên về chợ nhiều, giá giảm mạnh, chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg.

Tại các chợ lẻ, theo tổng hợp của ban quản lý chợ, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên giá các loại thịt ba rọi, thịt đùi, cốt lết, sườn non, thịt vịt... tăng 5.000-10.000 đồng/kg. Trứng vịt tăng 1.000-2.000 đồng/hộp 10 trứng. Nguyên nhân là do sức mua tăng cộng với tâm lý bán hàng mùa Tết, người bán nói thách, nâng giá. Những mặt hàng chưng cúng Tết như gà ta, xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu, cam sành và hoa cắt cành cũng bắt đầu tăng giá...

Hà Nội: Sức mua tăng đáng kể

Sáng 27 Tết, khu vực tầng 2 siêu thị Big C Thăng Long đã chật kín khách tại các quầy hàng. Lượng khách đến mua sắm được đại diện siêu thị ghi nhận tăng gấp 3 lần ngày thường. Mặt hàng hút khách nhất là đồ khô, bánh kẹo, giỏ quà Tết. Giỏ quà Tết có giá dao động từ 270.000-450.000 đồng/giỏ tùy loại. Đặc biệt, có giỏ quà giá dưới 100.000 đồng nhằm phục vụ nhiều đối tượng khách hàng. Tương tự, các loại hạt khô như hạt dưa, hạt bí, hướng dương... có giá dưới 100.000 đồng/kg được khách hàng lựa chọn nhiều, trong khi các loại hạt hạnh nhân, hạt thông và hạt dẻ với mức giá từ 250.000 đến trên 300.000 đồng/kg, sức mua kém hơn. “Hàng bình dân bán khá chạy trong khi các mặt hàng cao cấp, rượu ngoại, giỏ quà hay đồ biếu đắt tiền tuy vẫn có khách mua nhưng sức tiêu thụ không mạnh” - Thu Hà, một nhân viên quầy rượu tại Big C Thăng Long, cho biết.

Tại siêu thị Unimart đường Phạm Ngọc Thạch, người dân chủ yếu lựa chọn các loại thực phẩm, rau quả tươi sống, trái cây ngoại nhập để phục vụ nhu cầu ăn Tết. Chị Vũ Hồng Vân, một khách hàng tại siêu thị Unimart, cho biết: “Hàng ở đây chủ yếu nhập ngoại, đắt hơn khá nhiều so với ngoài chợ nhưng lại yên tâm về chất lượng nên tôi đã cân nhắc bớt chi tiêu đi một chút, không cần mua nhiều mà ngon là được”.

Các chợ dân sinh cũng bắt đầu ghi nhận sức mua tăng đáng kể so với các ngày trước. Tuy nhiên, chủ một quầy bán thịt tại chợ Trung Kính (quận Cầu Giấy) cho biết giá thịt hầu như không biến động. Thịt thăn vẫn có giá khoảng 100.000 đồng/kg, thịt ba rọi 80.000-85.000 đồng/kg; thịt bò tăng nhẹ, từ 10.000-30.000 đồng lên mức 220.000-250.000 đồng/kg tùy loại. “Thịt heo, thịt bò bán chạy hơn 2 hôm trước do dân bắt đầu tích trữ thực phẩm Tết nhưng phải tới 29, 30 Tết mới có nhiều người mua vì tâm lý ngại mua quá sớm để lâu không ngon” - chủ quầy thịt cho biết. Thịt gà chưa được mua nhiều nên khung giá khá rộng: gà ta sống giá 95.000-120.000 đồng/kg, gà công nghiệp sống giá 45.000-50.000 đồng/kg, gà công nghiệp làm sẵn giá 55.000 đồng/kg trở lên.

Các loại hoa quả chưng Tết có sức tiêu thụ khá nhất trong các mặt hàng tại chợ dân sinh. Một tiểu thương buôn hoa quả tại chợ Nam Đồng (quận Đống Đa) cho biết hiện quả Phật thủ đang cháy hàng, nhất là những quả đẹp. “Phật thủ trái đẹp cách đây 1 tuần chỉ chừng 70.000-90.000 đồng/trái nhưng giờ không còn hàng. Nhiều trái xấu hơn giờ cũng có giá cả trăm ngàn. Bưởi, chuối xanh và các loại quả bày lễ như dừa, đu đủ, sung... cũng đắt khách” - tiểu thương này nói. Theo chị Hoàng Anh, khách mua trái cây tại chợ Nam Đồng, ngày Tết bây giờ không còn quá cầu kỳ chuyện ăn uống, các chợ và siêu thị cũng mở hàng sớm nên không nặng chuyện tích trữ thực phẩm. “Vậy nên chỉ lo bày biện đồ lễ, trái cây ngũ quả cho đàng hoàng, còn thức ăn mua sau” - chị Hoàng Anh nói.

 

Giá bia, nước ngọt ổn định

Tại các đại lý, mặt hàng bia được bảo đảm nguồn cung. Thị trường không có tình trạng đại lý ém hàng, tăng giá bia như nhiều thời điểm cận Tết trước đây. Đặc biệt, với đặc thù thời tiết miền Bắc mưa, lạnh, các chủ đại lý dự đoán sức mua bia không quá lớn; giá tăng nhẹ. Hiện giá bia Heineken khoảng 350.000 đồng/thùng, Tiger giá từ 260.000-275.000 đồng/thùng... Các mặt hàng nước ngọt chưa có dấu hiệu tăng giá.

Trong khi đó ở TP HCM, giá các mặt hàng bia rượu, nước giải khát, bánh mứt... cũng tương đối ổn định, chỉ tăng từ 5.000-10.000 đồng so với 10 ngày trước...

>>> Hà Nội: Hàng Tết dồi dào, giá chỉ tăng nhẹ

Theo Thanh Nhân - Phương Nhung

PV

Người lao động

Trở lên trên