MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành sản xuất lốp xe lo ngại sắp thiếu cao su nguyên liệu

29-02-2016 - 09:18 AM | Thị trường

Các nhà sản xuất lốp xe lo ngại giá thấp sẽ khiến cả những người nông dân đã gắn bó lâu dài với cây cao su cũng không còn đủ tài chính để trồng lại những vườn cao su già cỗi.

Giá cao su thấp khiến người trồng chán nản

Chán nản vì giá cao su giảm từ rất lâu và hiện vẫn đang ở mức thấp nhất 7 năm, Sunny Joseph, một nông dân ở bang Kerala thuộc miền nam Ấn Độ, đã nhổ bỏ vườn cao su rộng khoảng 0,8 ha của mình để trồng cây khác có lợi nhuận cao hơn.

Xu hướng tương tự diễn ra ở Đông Nam Á đang báo động cho các hãng sản xuất lốp xe Nhật Bản, buộc họ phải tìm kiếm nguồn cung mới để thay thế các nguồn cung cấp cao su nguyên liệu truyền thống, bởi lo ngại tình trạng giá cao su quá thấp của ngày hôm nay có thể gây thiếu hụt nguồn cung trong tương lai.

Các hãng sản xuất lốp xe Nhật Bản và Mỹ thậm chí còn đang tìm cách chiết xuất cao su từ các nguồn nguyên liệu thay thế như guayule – một loài cây sống ở sa mạc.

“Trong 3 năm qua, tôi hy vọng giá cao su sẽ cải thiện, nhưng giá vẫn thấp, đến nỗi tôi thậm chí không thể trả lương cho công nhân, vậy nên tôi quyết định chuyển hướng sang trồng cây nhục đậu khấu”, ông Joseph cho biết. “Loài cây này có thể giúp tôi dễ dàng có thu nhập cao hơn”.

Các nhà sản xuất lốp xe lo ngại giá thấp sẽ khiến cả những người nông dân đã gắn bó lâu dài với cây cao su cũng không còn đủ tài chính để trồng lại những vườn cao su già cỗi.

Các hãng sản xuất lốp xe Nhật Bản chiếm gần 1/4 tiêu thụ cao su toàn cầu, và họ là những khách hàng chủ chốt trên thị trường cao su thiên nhiên – nguyên liệu được kết hợp với cao su tổng hợp để sản xuất những loại lốp xe có chất lượng cao.

Những nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia hồi đầu tháng 2 đã nhất trí giảm gần 6% sản lượng xuất khẩu cao su toàn cầu. Indonesia cho biết sản lượng của họ chắc chắn giảm bởi nhiều nông dân nhổ bỏ loại cây này.

“Các hãng sản xuất lốp xe Nhật Bản ngày càng lo ngại về tương lai của nguồn cung cao su thiên nhiên kể từ sau mùa hè vừa qua, bởi giá giảm có thể khiến nông dân từ bỏ loại cây này”, ông Shinichi Kato, giám đốc công ty Shinichi Kato Office cho biết.

“Các hãng sản xuất lốp xe đang cố gắng tăng cường mua cao su từ các nước sản xuất có chi phí lao động rẻ như Việt Nam, Lào và Campuchia trong trường hợp một số nước sản xuất có chi phí cao hơn như Thái Lan dừng sản xuất cao su”, ông Shinichi cho biết.

Yokohama Rubber Co Ltd, hãng sản xuất lốp xe lớn thứ 3 của Nhật Bản, bắt đầu mua cao su Myanmar từ năm 2014, mở rộng số lượng nước cung cấp nguyên liệu lên con số 7.

“Chúng tôi nhận thấy một số người trồng cao su ở đảo Sumatra (Indonesia) đã chuyển sang trồng cây cọ dầu do giá cao su quá thấp. Điều này khiến chúng tôi rất lo ngại”, phát ngôn viên của công ty cho biết. “Chúng tôi muốn mở rộng mạng lưới thu mua nguyên liệu của mình”.

Công ty thương mại Nhật Bản Mitsui & Co năm ngoái cho biết họ đã lên kế hoạch bắt đầu trồng và chế biến cao su ở Campuchia, cùng hợp tác với một công ty địa phương, và nhận thấy các nước sản xuất có chi phí thấp như Campuchia, Lào và Myanmar đang nổi lên thành những trung tâm sản xuất.

Bridgestone Corp, hãng lốp xe đứng đầu thế giới về doanh số, đang nỗ lực nâng cao năng suất ở những nông trường cao su của mình ở Indonesia và Liberia (miền tây châu Phi) thông qua các biện pháp cải thiện giống và lựa chọn cây giống.

Bridgestone cũng đang cố gắng phát triển nguyên liệu sản xuất lốp xe từ cây guayule, một loại cây có nguồn gốc Mexico và miền đông nam nước Mỹ.

Cooper Tire and Rubber Co của Mỹ cũng đang nghiên cứu cây guayule với thông báo sơ bộ là loài cây này có thể đảm bảo nguồn cung cao su thiên nhiên ổn định, giảm bớt sự biến động về giá và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Nguồn cung sẽ khan hiếm

Các quan chức trong ngành cảnh báo, việc chậm trồng mới và trồng lại cây cao su có thể khiến nguồn cung cao su trở nên khan hiếm kể từ năm 2020, bởi cây cao su chỉ cho khai thác mủ sau khi trồng từ 6 đến 7 năm.

“Đó là lý do khiến nguồn cung sẽ giảm sút, trong bối cảnh nhu cầu luôn gia tăng từ các hãng sản xuất lốp xe”, nhà kinh doanh cao su Ấn Độ, N. Radhakrishnan – cựu chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Cao su Cochin cho biết.

Ngành sản xuất lốp xe tiêu thụ khoảng 60% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu. Cao su chiếm khoảng 40% chi phí sản xuất lốp xe và giá đang giảm nên lợi nhuận của các hãng sản xuất tăng, mặc dù ngành này đang chịu áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc.

Giá cao su kỳ hạn tại Singapore và Tokyo đã giảm hơn 2/3 từ mức cao kỷ lục năm 2011 xuống mức thấp nhất 7 năm hiện nay, do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc – nước nhập khẩu hàng đầu thế giới - chậm lại.

Giá cao su tại Tokyo hiện ở mức khoảng 150 yen (1,28 USD)/kg, thấp hơn mức trung bình tháng của 10 năm qua – khoảng 260 yen.

Giá giảm đã buộc chính phủ Thái Lan- nước sản xuất lớn nhất thế giới – phải hỗ trợ cho người trồng, sau khi nông dân dọa biểu tình nếu không đảm bảo được mức giá cho họ.

Sản lượng cao su Malaysia đã giảm 50% trong 2 năm qua và sản lượng ở Thái Lan và Indonesia đều đang trì trệ, theo Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC).

Nông dân ở những nước này đang chuyển sang trồng cây cọ dầu, còn nông dân ở Ấ Độ - nơi sản lượng giảm 28% trong 2 năm qua – chuyển hướng sang trồng những cây như chuối hay cacao. Những loại cây này rất nhanh cho thu hoạch.

Vân Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên