MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Việt sợ sữa có đường vì lo béo phì

10-09-2014 - 22:08 PM | Thị trường

Người Việt ngày càng có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sữa có hàm lượng đường thấp.

Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đang học hỏi Nhật Bản trong phát triển ngành công nghiệp sữa chứ không phải học tập theo Mỹ.

Theo nghiên cứu của Nielsen, năm 2012 mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam là 15 lít/người, năm 2013 là 18 lít/ người, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (25 lít/người, Anh (112 lít/năm), Nhật Bản (31 lít/năm)… Cục chăn nuôi ước tính đến năm 2020 mức tiêu thụ sữa sẽ tăng lên 28 lít/người.

Nhu cầu về sữa của người Việt ngày càng tăng cao đồng nghĩa với việc các sản phẩm từ sữa tất yếu sẽ vận động theo hướng phong phú, đa dạng để tăng tính lựa chọn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ghi nhận trên thị trường, hiện nay các mặt hàng sữa ít đường, sữa chua, sữa không đường, sữa ít béo...có xu hướng được người Việt yêu chuộng. Đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em.

Chị Hoàng Linh (28 tuổi, khu đô thị Đại Thanh) bày tỏ: “Cháu bé nhà tôi từ 1-5 tuổi không ăn gì ngoài sữa bột và sữa tươi. Trong khi gia đình không ai có gen béo mà thấy bé hấp thụ tốt tăng cân quá mức so với tiêu chuẩn. Sợ con bị béo phì tôi phải chuyển qua chọn các sản phẩm sữa ít đường thay thế đến khi bé chịu ăn cơm”.

Trên thực tế, thời gian qua nhiều doanh nghiệp sữa đã nhận ra điều này và điều chỉnh lượn đường giảm xuống, có nhiều sản phẩm sữa trước đây hàm lượng đường ở vào khoảng 10-15% nay giảm xuống chỉ còn 5-6%.

TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, người Việt rất sợ uống sữa có hàm lượng đường cao vì sợ béo phì. Bà nhận định xu hướng tất yếu của người Việt là sử dụng sữa có hàm lượng đường thấp tối thiểu, sữa không đường, sữa chua, sữa tách béo… Bà Mai cho biết trong suốt 30 năm qua người Việt mới tăng được 4cm chiều cao, trong khi cùng khoảng thời gian đó người Nhật tăng lên 8cm.

Theo bà Mai, người Việt giờ có xu hướng uống sữa có tính chất tự nhiên, không thích ngọt, béo khác hẳn với người Mỹ thích ngọt.

“Chúng ta không thể học tập Mỹ để phát triển ngành sữa mà phải học hỏi những bước đi của Nhật Bản. Vì Mỹ phát triển sữa có độ ngọt cao nên hiện nay đây là quốc gia có tỉ lệ người béo phì lớn nhất thế giới. Đặt vào hoàn cảnh Việt Nam thời gian qua, người Việt vốn có thể trạng thấp lại uống nhiều sữa có hàm lượng đường cao sẽ dẫn đến nguy cơ béo phì cực cao”, bà Mai nói.

Bà Mai cho biết, vấn đề đặt ra ở đây đó là việc phát triển thành phần sữa như thế nào để phù hợp với thể trạng của người Việt Nam để vừa tăng chiều cao vừa đảm bảo sức khỏe.

Về phía doanh nghiệp, trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần sữa Vinamilk cho hay doanh nghiệp cũng đã có nghiên cứu, chú ý vào độ chua, độ béo, độ tự nhiên của sản phẩm và cho rằng việc giảm lượng đường trong sữa là một xu hướng tất yếu. “Phía công ty cũng nhanh chóng điều chỉnh lượng đường trong nhiều sản phẩm sữa để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, trong đó có sản phẩm giảm lượng đường từ 5-6% xuống dưới 4%”, ông Khánh nói.

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư kí Hiệp hội sữa Việt Nam cho biết ngành sữa Việt Nam hiện nay đang có những bước tiến vượt bậc thể hiện ở mức tiêu thụ và sự đa dạng của thị trường sữa. Ông Quỳnh nhận định ngành sữa càng phát triển thì sản phẩm càng đa dạng. Người tiêu dùng muốn dùng sản phẩm tự nhiên thì ngành sữa sẽ điều chuyển giảm lượng đường, độ béo, ngậy để phù hợp với tâm lý tiêu dùng của người Việt.

>>> Đại gia đổ xô đi nuôi bò: Thị trường sữa có bão hòa?

Hướng Dương

Theo Infonet

bachhue

Tài chính Plus

Trở lên trên