Nhiều loại chất cấm trong chăn nuôi chưa được phát hiện
Cơ quan chức năng thừa nhận, đến thời điểm hiện tại mới xác định được chất salbutamol là một trong những loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Còn thực tế có thể còn nhiều loại chất khác mà cơ quan chức năng chưa phát hiện được.
- 23-03-2016Bỏ tù người dùng chất cấm cho heo ăn được không?
- 23-03-2016Chất cấm trong chăn nuôi, từ đâu ra mà nhiều thế?
- 22-03-2016Trên 6 triệu con heo xơi chất cấm vô bụng người Việt
Tiêu hủy cả đàn heo nếu phát hiện chất cấm
Tại buổi tọa đàm “Chất cấm trong chăn nuôi - Thực trạng và giải pháp” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 23/3, ông Nguyễn Văn Việt-Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc thời gian qua có biểu hiện giảm nhưng vẫn diễn ra khá phức tạp. Đầu năm 2016, cơ quan chức năng kiểm tra 40 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở khu vực phía Bắc thì có đến 18 công ty vi phạm. Cục Thú y lấy 1.457 mẫu kiểm tra thì có 10% mẫu có chứa chất cấm, trong khi lấy 1.026 mẫu nước tiểu thì có đến 67 mẫu có chất salbutamol.
“Đã nói là chất cấm thì tuyệt đối không được sử dụng chứ không phải sử dụng ít hay nhiều, hàm lượng bao nhiêu thì được tồn tại. Phải xử phạt hình sự mới đủ sức răn đe, góp phần ngăn chặn hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”.
Ông Trần Trọng Bình, Cục phó Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an
Ông Việt thừa nhận, cơ quan chức năng chỉ xử lý đối với những trang trại sử dụng chất cấm và các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, môi giới buôn bán chất cấm mà “bỏ quên” lực lượng thương lái đứng đằng sau các trang trại. “Thực tế việc sử dụng chất cấm người chăn nuôi gia súc không được lợi bao nhiêu mà chủ yếu là đội ngũ thương lái”- ông Việt nói và giải thích do khi heo có sử dụng chất cấm thịt nạc hơn nên thương lái bán được giá hơn, khi đó họ sẽ về dụ dỗ người chăn nuôi sử dụng chất cấm để nuôi heo.
Theo ông Việt, thời gian tới sẽ tiêu hủy cả đàn heo nếu phát hiện sử dụng chất cấm tại các cơ sở giết mổ thay vì việc tiếp tục nuôi đến khi hết dư lượng chất cấm sẽ được giết mổ. “Còn tại các trang trại, heo sẽ bị tiêu hủy nếu chủ trang trại tái phạm nhiều lần trong một thời gian nhất định”, ông Việt cảnh báo.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, việc người chăn nuôi sử dụng chất cấm diễn biến rất phức tạp. Từ đầu năm đến nay, cơ quan này lấy 386 mẫu để kiểm tra thì có 47 mẫu dương tính với chất cấm. Theo ông Quang, việc tiêu hủy heo thay vì xử phạt hành chính sẽ có sức răn đe rất lớn. Tuy nhiên, việc tiêu hủy sẽ rất khó vì vướng các quy định về môi trường và chi phí.
Từ 1/7, buôn bán chất cấm có thể ở tù
Ông Trần Trọng Bình - Cục phó Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an cho biết, đến thời điểm hiện tại mới xác định được chất salbutamol là một trong những loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Còn thực tế có thể còn nhiều loại chất khác mà cơ quan chức năng chưa phát hiện được. Ông Bình thông tin, trong năm 2015, các doanh nghiệp nhập khẩu hơn 9 tấn chất salbutamol nhưng có đến hơn 6 tấn không được ngành dược sử dụng mà tuồn ra thị trường. “Chưa xác định được 6 tấn salbutamol này được sử dụng thế nào khi bị tuồn ra thị trường nhưng cũng không loại trừ việc sử dụng vào chăn nuôi heo. Cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với chất này khi nhập về”, ông Bình lưu ý.
Theo ông Bình, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7, hành vi sử dụng và buôn bán chất tạo nạc cấm sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng bằng biện pháp xử lý hình sự. Theo đó, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng cấm sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, thậm chí có thể lên đến 20 năm.
Về giải pháp ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo, các chuyên gia cho rằng cần cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương vào cuộc xử lý cùng với sự cảnh giác của người dân.
“Con giống tốt thì người chăn nuôi không cần sử dụng chất cấm, bên cạnh đó cũng cần hình thành các chuỗi từ chăn nuôi đến người tiêu dùng để các sản phẩm không sử dụng chất cấm được tiêu thụ tốt hơn”- ông Dương Văn Khang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ thuộc Đại học Nông lâm TPHCM đề xuất.
Tiền phong