MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông sản Việt Nam "quên" làm thương hiệu

05-08-2015 - 15:24 PM | Thị trường

Sản xuất chưa gắn kết với việc xây dựng thương hiệu khiến cho giá trị sản phẩm của Việt Nam chưa cao, thậm chí còn bị đánh cắp trên phạm vi thế giới.

Xếp hạng chưa quá bán

Tại Diễn đàn thương hiệu do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4-8, ông Lại Tiến Mạnh, Đại diện Brand Finance tại Việt Nam nhận định, giá trị thương hiệu chưa mạnh ngay ở trong khu vực sẽ khiến Việt Nam phải chịu áp lực nhiều hơn các nước khác khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập và khi Việt Nam tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do.

Nhìn nhận giá trị thương hiệu Việt Nam quá thấp, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Việt Nam còn tiềm năng lớn để xây dựng thương hiệu quốc gia. Chúng ta đang hì hục sản xuất lúa, ngô, khoai, sắn mà quên mất quan hệ mật thiết của sản xuất với xây dựng thương hiệu. Hai yếu tố này đồng nhịp thì giá trị tài sản, giá trị doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia mới được nâng lên. Đây là hàm ý mà doanh nghiệp cần quan tâm”.

Trên thực tế, Việt Nam đã có những thương hiệu được thế giới biết đến. Chẳng hạn như Viettel, trị giá thương hiệu của doanh nghiệp này khoảng 500 triệu USD; VietinBank trị giá hơn 300 triệu USD. Thế nhưng các sản phẩm thế mạnh xuất khẩu như: nông sản, thủy sản… lại chưa được doanh nghiệp quan tâm đầu tư thương hiệu, chủ yếu xuất khẩu thô, giá trị thấp. Sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài rồi mang thương hiệu nước ngoài. Trường hợp của gạo Việt Nam là một ví dụ. Gạo Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan, đóng gói, ghi xuất xứ Thái Lan và có giá trị thương hiệu gạo Thái Lan.

Cứ mãi "nhỏ và vừa"

Ông Trần Đình Thiên cho rằng: “Một nền kinh tế cho đến bây giờ gọi là công nghiệp hóa, phấn đấu nhanh thành nước phát triển nhưng vẫn không thoát được tính chất nền kinh tế tiểu nông, nhỏ lẻ, thiếu liên kết”.

Đặc biệt, vị chuyên gia này nhấn mạnh đến vị thế của doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp tầm nhìn toàn cầu chưa có. Việt Nam thích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng mãi không cải thiện được đẳng cấp của doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn là doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 95-96% khiến Việt Nam thiếu những tập đoàn tư nhân lớn mạnh. Dù Việt Nam có những tập đoàn tư nhân nhưng tập đoàn tư nhân có vai trò dẫn dắt trụ cột về mặt công nghệ, cạnh tranh chưa thật sự có.

Trong xu hướng hiện tại, hội nhập mang đến cho Việt Nam cơ hội lớn “chưa từng thấy” nhưng thách thức cũng vô cùng lớn bởi thế giới chuyển động nhanh, phân hóa rất mạnh. “Thế giới thay đổi làm chúng ta phải tư duy lại về cơ hội của mình để định vị thương hiệu tương xứng với cơ hội”- vị Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định.

Do vậy, cách tiếp cận của Việt Nam trong chính sách thương hiệu phải linh hoạt. Chúng ta phải đi cùng với nhịp thời đại tức gắn với công nghệ cao, gắn với thay đổi thể chế mạnh mẽ nếu chỉ tiến từ từ, đi theo thì sẽ không bao giờ vượt lên. Kinh nghiệm của các nước là đi khác, đi dựa vào công nghệ.

Đặc biệt, ông Thiên nhấn mạnh đến yếu tố doanh nghiệp làm sao phải trở thành nhân vật trung tâm, nhưng trong cấu trúc doanh nghiệp phải có tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh.

“Nét quan trọng của thương hiệu quốc gia Việt Nam là cấu trúc doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp là nhân vật trung tâm, có thế hệ doanh nhân mới đủ sức đại diện cho Việt Nam tiến lên dẫn đầu trong trò chơi tiên phong, sáng tạo”, ông Thiên nhấn mạnh.

Theo thống kê của Brand Finance tại Việt Nam, giá trị thương hiệu Việt Nam là 172 tỷ USD. Ở khu vực ASEAN, thương hiệu Việt Nam xếp ở vị trí 6/8 nước (Myanmar và Lào không đủ tiêu chuẩn để được xếp hạng trên Bảng thương hiệu quốc gia), chỉ trước Campuchia và Brunei, còn trên thế giới giá trị thương hiệu Việt Nam xếp thứ 42/100. Trong khi đó, Singapore là nước đứng đầu khu vực khi trị giá thương hiệu lên đến 460 tỷ USD; Thái Lan 409 tỷ USD; Indonesia 395 tỷ USD; Malaysia 385 tỷ USD; Philippines 260 tỷ USD…

Theo Phan Thu

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên