MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ồ ạt xây kho chứa lúa gạo

19-06-2009 - 08:49 AM | Thị trường

Hệ thống kho chứa gạo (silo) có công suất chứa 2 triệu tấn chỉ mang tính tạm thời, không thể tồn trữ, bảo quản theo đúng nghĩa của nó.

Sắp tới đây kinh doanh gạo trở thành loại hình kinh doanh có điều kiện mà nhà xuất khẩu gạo bắt buộc phải chứng minh mình có hệ thống kho lúa gạo, và cùng với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai đề án xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo có sức chứa lên tới 4 triệu tấn lúa gạo, đã làm “nóng” lên phong trào đăng ký xây dựng kho lúa gạo.

Việt Nam là quốc gia sản xuất mỗi năm hơn 38 triệu tấn lúa, trong đó có 4 - 5 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu, đứng vào hàng thứ hai trên thế giới, nhưng hệ thống kho chứa gạo (silo) có công suất chứa 2 triệu tấn chỉ mang tính tạm thời, không thể tồn trữ, bảo quản theo đúng nghĩa của nó.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực, đây là một phần để lý giải tại sao hạt gạo Việt Nam luôn bán thấp so với gạo cùng loại của các nước trên thị trường thế giới, cũng như việc tại sao khi giá gạo thế giới cao thì doanh nghiệp trong nước không có hàng để bán.

Xuất khẩu gạo nhưng thiếu kho chứa lúa gạo

Doanh nghiệp tư nhân Phương Thanh ở Đồng Tháp có hai nhà máy xay xát và lau bóng gạo xuất khẩu loại lớn, có thể chế biến ra 100.000 tấn gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cùng với hệ thống kho chứa đi kèm rộng hơn 30.000 mét vuông, có sức chứa khoảng 10.000 tấn gạo.

Bà Tạ Thị Thu Thủy, Giám đốc doanh nghiệp, cho biết nhờ có hệ thống kho chứa này cùng với nhà máy chế biến gạo mà hàng năm, doanh nghiệp của bà cung cấp cho Vinafood 1, Vinafood 2, những nhà xuất khẩu lớn trong nước, xấp xỉ 50.000 tấn gạo.

Công ty cổ phần Kim Hưng cũng ở Đồng Tháp vừa có nhà máy chế biến gạo, vừa có 3 kho có sức chứa 10.000 tấn và hàng năm, nhờ chủ động nguồn gạo qua nhà máy chế biến, lẫn kho chứa, công ty xuất khẩu trực tiếp 30.000 - 40.000 tấn gạo sang các nước.

Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Công ty Kim Hưng cho biết có nhà máy xay xát, lau bóng và kho chứa, việc xuất khẩu của công ty thuận lợi, ít bị hớ về giá khi thị trường biến động bất thường.

Thế nhưng, trong hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo hiện nay, không phải ai cũng như doanh nghiệp Phương Thanh hay công ty Kim Hưng.

Vì theo tiến sĩ Phạm Văn Tấn ở Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ một số ít các cơ sở kinh doanh lúa gạo tư nhân có đầu tư kho chứa lúa gạo, phần lớn còn lại chỉ chứa gạo trong bao nhựa PP, bao bố hoặc chất trong kho có mái che được xây dựng khá đơn giản. Các nhà kho này chỉ chứa tạm thời, không mang tính tồn trữ hay bảo quản dài ngày.

Công suất toàn bộ các kho chứa gạo của Việt Nam hiện nay, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoảng 2 triệu tấn, trong đó các doanh nghiệp thành viên của Vinafood 2, nhà xuất khẩu gạo chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước, chiếm gần một nửa với mức 800.000 - 900.000 tấn lúa gạo.

Tuy nhiên, hầu hết các kho chứa hiện không được sử dụng hoặc sử dụng không hợp lý, nguyên nhân là do tập quán kinh doanh lúa gạo hiện nay: các nhà xuất khẩu chủ yếu mua gạo lức từ các nhà máy xay xát, để xát trắng lại và xuất khẩu, nên họ không cần kho chứa; nếu có chỉ là chứa tạm.

Ồ ạt xây kho lúa gạo

Hồi cuối tháng 5 qua, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đã khởi công xây dựng tổng kho chế biến - dự trữ và xuất khẩu gạo trị giá hơn 150 tỉ đồng tại ấp Tân Lộc A, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Kho rộng gần 3 héc ta và có sức chứa 45.000 tấn lúa gạo mỗi lượt, được các doanh nghiệp trong ngành xem là kho có sức chứa lớn nhất vựa lúa ĐBSCL hiện tại, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm nay.

Sau Vinafood 1, tới lượt Vinafood 2 đăng ký đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa với tổng sức chứa lên tới 1,5 triệu tấn từ nay đến năm 2011, chủ yếu là trên địa bàn thành phố Cần Thơ, trung tâm của ĐBSCL.

Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, hiện có 13 tỉnh, cùng với các doanh nghiệp lớn, đã đăng ký dự án xây dựng kho chứa lúa gạo.

Ví dụ chính quyền tỉnh Hậu Giang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 4 cụm kho chứa lúa gạo xuất khẩu với tổng sức chứa khoảng 250.000 - 300.000 tấn/năm.

Thậm chí tỉnh này còn cho biết, sẽ quy hoạch và giao đất sạch, không vướng mắc về mặt bằng cho các doanh nghiệp nếu xây kho chứa lúa gạo.

Kiên Giang có sản lượng lúa mỗi năm khoảng 3,4 triệu tấn nhưng UBND tỉnh cho biết toàn tỉnh chỉ có 17 kho chứa được 150.000 tấn gạo, không đáng kể so với sản lượng lúa của tỉnh. Các doanh nghiệp hiện muốn đăng ký xây thêm 25 kho chứa khoảng 600.000 tấn gạo.

Hiện Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối đang soạn thảo đề án xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo có sức chứa lên tới 4 triệu tấn lúa gạo.

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó, việc xây dựng hệ thống kho chứa sẽ được triển khai theo hai phương án là sửa chữa, nâng cấp lại hệ thống kho chứa đã xây dựng và xây thêm các kho theo tiêu chuẩn hiện đại, riêng phần xây thêm có sức chứa 2,8 triệu tấn lúa gạo.

Những nơi mà cơ quan này dự định sẽ đặt kho là khu vực có hệ thống giao thông thuận lợi cho việc thu gom, bốc xếp, giao hàng, gần cảng biển như Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, TPHCM và tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 7.000 tỉ đồng trong vòng 3 năm (2009 - 2011).

Một chuyên gia về xuất khẩu gạo lo ngại phong trào xây dựng kho chứa lúa gạo ồ ạt hiện nay sẽ đi vào vết xe đổ đã từng xảy ra ở các chợ đầu mối lúa gạo được xây dựng ở miệt lúa mấy năm trước. Ở các nơi này, hiện tại sân chợ thì thành nơi cho nông dân phơi lúa, kho thì chẳng ai ký gửi lúa gạo, trông đìu hiu không khác gì chợ làng, chợ xã ở quê.

"Cái quan trọng là nhà xuất khẩu phải gắn kết với nông dân, các thương lái, các cơ sở xay xát lau bóng gạo vệ tinh, nếu không gắn kết thì xây kho xong chỉ bỏ không, lại phải xuất khẩu theo kiểu cũ, tức có hợp đồng thì mới lo đi gom hàng, rồi lại chịu thiệt khi giá gạo thế giới biến động bất thường", chuyên gia này cảnh báo.

Hồng Văn
TBKTSG

khanhhoa

Trở lên trên