Thanh Hoá: Người trồng mía hoang mang vì đường không thuế
Kiến nghị xin nhập 50.000 tấn đường thuế suất bằng 0% của Bộ Công Thương mới đây có thể tiếp tục đẩy hàng vạn hộ trồng mía ở Thanh Hoá đến chỗ gian nan.
- 18-03-2015Ngành mía đường: Liều "thuốc đắng"
- 14-03-2015Hiệp hội Mía đường Việt Nam không phản đối đề xuất nhập 50.000 tấn đường
- 12-03-2015Ngành mía đường đến lúc phải thay đổi
Càng trồng càng lỗ
Vùng nguyên liệu mía Thanh Hoá rộng hơn 32.000ha, cung cấp nguyên liệu cho 3 nhà máy đường, tạo công ăn việc làm cho hơn 30.000 hộ trồng mía, hơn 45.000 lao động. Tuy nhiên, những năm gần đây, trồng mía không còn có lãi như trước. Nông dân Nguyễn Xuân Tiến - thôn 8 xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân - cho hay, mỗi hécta trước kia còn được 90 tấn mía, giá bán hơn 1 triệu đồng/tấn nhưng gần đây chỉ còn cao nhất là 70 tấn. Giá mía hiện xuống đến đáy theo quy định của Sở NNPTNT Thanh Hoá. Theo đó, với mía đạt 10 chữ đường (CCS) có giá 880.000 đồng/tấn, dưới 10 CCS chỉ có giá 850.000đ/tấn. Theo tính toán của ông Tiến, nếu thuận, mỗi hécta bán được gần 60 triệu, trong khi chi phí tất cả đã hơn 50 triệu đồng/ha.
Thực trạng này là hệ quả của việc đường sản xuất ra không tiêu thụ được. Theo Hiệp hội Mía - Đường Việt Nam, trong 3 niên vụ gần đây, sản lượng đường sản xuất trong nước đều đạt 1,5 - 1,6 triệu tấn/vụ. Riêng vụ 2014 - 2015, tổng nguồn cung trên 2 triệu tấn, trong khi mức tiêu thụ hằng năm chỉ quanh ở mức 1,3 - 1,4 triệu tấn. Như vậy lượng đường dư thừa là 600.000 - 700.000 tấn trong khi việc xuất khẩu đường của các DN trong nước thời gian qua luôn gặp khó khăn. Cty CP mía đường Lam Sơn (Thọ Xuân) mỗi vụ cũng có hơn 60 tấn đường ứ đọng trong kho, giá bán đường ngày càng giảm. “Do đó, dù có muốn cũng không thể mua mía của nông dân với giá cao được” - ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Cty CP mía đường Lam Sơn - nói.
Sự lao đao của người trồng mía bởi nhiều năm qua có nguyên nhân do sự bảo thủ trong canh tác của nông dân cũng như chính sách hạn điền gây khó cho nâng cao năng suất. Theo ông Lý Thế Minh (S.Minh Lee) - TGĐ Cty TNHH mía đường Việt Nam - Đài Loan (Thạch Thành, Thanh Hoá) - ngoài đầu tư mỗi vụ hàng trăm tỉ đồng cho nông dân, cán bộ kỹ thuật rất cố gắng thuyết phục nông dân trồng mía theo kinh nghiệm Đài Loan là trồng thưa cây, thưa luống để cây mía phát triển hơn, chữ đường cao hơn, dễ thu hoạch, giảm nhân công dẫn đến giảm giá thành. Tuy nhiên, rất ít nông dân ở đây làm theo. “Họ vẫn theo cách làm bảo thủ của họ, họ cho rằng cứ phải trồng dày mới có nhiều mía, điều đó là không đúng” - ông Lý Thế Minh nói. Còn theo ông Lê Văn Tam: “Nếu vẫn giữ chính sách hạn điền như hiện nay thì làm sao có thể sản xuất lớn, năng suất cao được”.
Càng lao đao khi cho nhập đường không thuế
Thông tin Bộ Công Thương xin Chính phủ cho nhập 50.000 tấn đường từ Lào của DN Hoàng Anh Gia Lai khiến nhiều DN sản xuất đường ở Thanh Hoá băn khoăn. Ông Lê Văn Tam đặt vấn đề: “Nhà nước bảo hộ ngành mía - đường lâu nay thực chất là bảo hộ cho nông dân, chứ không bảo hộ cho DN. Không có bảo hộ, làm sao có ngành mía - đường như bây giờ, làm sao giải quyết được hàng triệu việc làm cho nông dân, giải quyết việc thiếu đường”. Ông Tam nói thẳng: “Tôi ủng hộ việc nhập đường thô không thuế quá đi chứ, cứ mở toang ra đi, ai chết chết đi, DN nào sống thì cho ra sống. Chúng tôi cũng không sợ vì đủ sức nhập đường thô về tinh luyện. Làm như thế còn lãi hơn mua mía của nông dân, nhưng phải nghĩ đến người nông dân nữa chứ”.
Theo ông Tam, việc mở rộng cửa là việc tất yếu, “tuy nhiên, đừng đùa với cuộc sống hàng triệu nông dân, thực hiện lộ trình thương mại cần đi liền với lộ trình hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chuyển đổi”. Ông Lý Thế Minh cũng ngạc nhiên: “Tôi không hiểu sao lại cho nhập 50.000 tấn đường với thuế suất bằng không. Đài Loan, Nhật Bản hay Thái Lan, bằng cách này hay cách khác, đều có chính sách bảo hộ ngành mía - đường của họ. Việc cần làm là nghiên cứu để có giống tốt, thay đổi chính sách đất đai, áp dụng khoa học để giảm đầu tư, tăng năng suất trồng mía”.
Theo Lao động