MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường đường liệu có thiếu nguồn cung?

24-03-2016 - 08:31 AM | Thị trường

Khô hạn ở miền Trung, hạn và mặn ở ĐBSCL đang gây tác động xấu tới nhiều diện tích mía. Điều này có ảnh hưởng gì tới sản lượng, nguồn cung đường cho thị trường trong nước thời gian tới?

Theo ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, miền Trung và ĐBSCL đang có nhiều diện tích mía bị gây hại bởi hạn, mặn.

Ở miền Trung, những diện tích mía thu hoạch muộn đang ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngay cả những nhà máy vào vụ sớm (từ tháng 9/2015), cũng có những diện tích mía bị ảnh hưởng bởi khô hạn cuối vụ.

Ở ĐBSCL, do các nhà máy vào vụ sớm, nên chỉ một phần diện tích mía thu hoạch muộn là ảnh hưởng hạn, mặn. Diện tích này tập trung ở các tỉnh ven biển như Bến Tre, Sóc Trăng…

Một trong những vùng mía ở ĐBSCL đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Tỉnh này hiện có gần 7.000 ha mía bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, thì phần lớn tập trung ở huyện Cù Lao Dung (trên 6.500 ha). Nguồn nước trong các ruộng mía ở khu vực này hiện đã nhiễm mặn ở mức cao, tới 15 g/l. Với độ mặn này, mía không thể nào sống nổi. Vì thế, đã có trên 700 ha mía ở Cù Lao Dung thiệt hại 50% trở lên, khoảng 1.200 ha thiệt hại 30 - 50% …

Ông Nguyễn Hải cho biết đến thời điểm này, chưa thể tính được khô hạn ở miền Trung, hạn và mặn ở ĐBSCL sẽ làm giảm năng suất, giảm sản lượng mía niên vụ 2015-2016 ở miền Trung, ĐBSCL cũng như trên cả nước như thế nào.

Chỉ có thể nói chắc một điều là thiên tai sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng tới sản lượng mía đường của cả niên vụ này. Nhưng một điều đáng lo ngại hơn là ảnh hưởng đến niên vụ tới. Bởi hạn, mặn đã làm nhiều diện tích mía bị chết, khiến cho những diện tích này không còn mía lưu gốc hoặc ảnh hưởng lớn tới việc phát triển của cây mía con.

Nhiều địa phương ở ĐBSCL, do tình hình xâm nhập mặn còn kéo dài và phức tạp, nên sau khi đôn đốc nông dân thu hoạch mía niên vụ 2015-2016, cũng đã khuyến cáo tạm ngưng xuống giống mía niên vụ 2016-2017, chờ khi mưa xuống mới thực hiện.

Tuy hạn, mặn đang ảnh hưởng xấu tới nhiều diện tích mía, nhưng chưa có tác động tới thị trường đường trong nước. Bởi hiện tại, ở các nhà máy vẫn còn đường tồn kho.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến ngày 4/3, các nhà máy đường trên cả nước đã ép được 6.164.375 tấn mía, sản xuất ra 569.710 tấn đường. Lượng đường tồn kho của các nhà máy đến thời điểm trên là 225.862 tấn, tồn kho của các công ty thương mại thuộc hiệp hội là 11.720 tấn. Lượng đường tồn kho như trên đủ để đảm bảo cung ứng cho nhu cầu trong nước.

Mặt khác, tuy có bị ảnh hưởng thiên tai, nhưng nhìn chung các nhà máy đường ở miền Trung, ĐBSCL cũng như các nhà máy khác trên cả nước vẫn đang hoạt động bình thường. Do đó, vẫn đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu 85.000 tấn đường thô và đường tinh luyện theo hạn ngạch thuế quan cũng đang chuẩn bị được thực hiện. Từ sau Tết đến nay, đường hầu như không xuất tiểu ngạch được sang thị trường Trung Quốc, đồng nghĩa với việc một lượng đường vẫn đang được giữ lại ở trong nước. Đường lậu từ Thái Lan vẫn đang vào Việt Nam khá nhiều với giá 13.000 - 13.100 đ/kg ở biên giới Tây Nam, từ 12.600 - 13.200 ở các cửa khẩu miền Trung. Có sự bổ sung của những lượng đường nói trên, chắc chắn sẽ càng đảm bảo được cho nhu cầu tiêu thụ đường trong nước.

Chính vì thế, giá đường do các nhà máy bán ra cũng như giá đường trên thị trường hiện vẫn đang khá ổn định suốt từ trước Tết đến giờ. Đầu tháng 3, ở Hà Nội, giá bán buôn đường kính trắng từ 13.850 -14.300 đ/kg, đường vàng 13.700 - 14.000 đ/kg, đường tinh luyện 15.000 - 16.500 đ/kg; ở miền Trung, đường kính trắng 13.800 - 14.000 đ/kg; ở TP.HCM, đường kính trắng 14.200 - 14.600 đ/kg, đường vàng 14.200 đ/kg, đường tinh luyện 16.000 - 16.700 đ/kg. Đường bán buôn tại các nhà máy thấp hơn giá trên thị trường khoảng 400 - 500 đ/kg.

Theo Sơn Trang

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên