MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường gạo nội địa bị bỏ quên!

18-03-2015 - 08:19 AM | Thị trường

Ngay tại vựa lúa ĐBSCL, nhiều người dân chuyển hướng mua gạo lúa mùa của Campuchia hoặc gạo Thái Lan để ăn. Đây là hệ quả tất yếu từ việc quá chú trọng XK, bỏ quên thị trường nội địa!

Ở khu dân cư Hồng Phát thuộc phường An Bình (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), mấy tháng nay xuất hiện điểm bán gạo Campuchia của chị Phan Thị Cẩm Tú. Chị Tú quê ở thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) lên quận Ninh Kiều lấy chồng, sinh sống bằng công việc khác, khi thấy nhiều người vất vả tìm gạo “sạch” mới mở điểm bán gạo thơm lài của Campuchia.

Chị giới thiệu gạo thơm lài do cha mẹ chị mua lúa từ Campuchia về sấy và xay, đóng gói bán, “giống gạo lúa mùa, không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”.

Gạo thơm lài có mấy loại: gạo trắng giá 18.000 đồng/kg, gạo lứt 23.000 đồng/kg, tấm 13.000 đồng/kg, và cám 50.000 đồng/kg. Theo chị Tú, gạo lứt là loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu, chưa được xát bỏ lớp cám gạo, giàu dinh dưỡng, nhiều sinh tố và nguyên tố vi lượng. Còn cám gạo thơm lài nguyên chất đã qua sàng lọc nên rất mềm, mịn.

Đặc điểm cám gạo thơm lài có màu vàng tươi, mùi thơm, vị ngọt. Đây là cám gạo, khác với tinh bột cám gạo: cám gạo nguyên chất bao gồm lớp diệp lục, lớp protein – lipid và phôi của hạt; còn tinh bột cám gạo là một loại bột màu trắng thu được khi hạt gạo được mài dũa tại nhà máy đánh bóng.

Theo chị Tú, cám nguyên chất ăn có tác dụng làm sáng da, mờ vết thâm, tẩy da chết, hạn chế tối đa mụn đầu đen. Chị Tú bán gạo chỉ là việc phụ và mới mở ra nhưng một tháng cũng đã bán được 1- 2 tấn.

Cha của chị Tú là ông Phan Huy Phong ở thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) đã kinh doanh lúa gạo trên 30 năm, có nhà máy xay xát. Ông kể, lúa thơm lài Campuchia ông mua ở các tỉnh giáp với Thái Lan như Pursat, Kampong Speu, nhập về Việt Nam qua cửa khẩu Xuân Tô, Khánh Bình (An Giang), Xà Xía (Kiên Giang). Lúa thơm lài là lúa mùa, mỗi năm trồng một vụ, ông mua lúa tươi về sấy khô, xay xát.

Ông Phong nói: “Nông dân Campuchia vùng đó làm lúa vào mùa mưa, không bón phân và không phun thuốc trừ sâu, năng suất chỉ chừng 4 tấn/ha, khác với những tỉnh Campuchia giáp với Việt Nam làm lúa cao sản cũng đã bón nhiều phân và phun thuốc sâu”.

Lúa mùa Campuchia được thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 11 âm lịch, ông cũng chỉ có thể mua dịp đó, để có hàng bán quanh năm ông sấy khô dự trữ. Theo ông Phong, trước đây mua ít nhưng gần đây nhu cầu tăng nên mua nhiều, một năm khoảng 2.000 tấn lúa.

Ông Phạm Hoàng Lâm, Giám đốc Cty CP Hưng Lâm ở An Giang, băn khoăn: “Chi phí để xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu rất cao, từ đó mà giá bán gạo đóng túi chênh lệch nhiều với gạo bán đổ xá ở chợ. Nhưng gạo đóng túi bán ở thị trường nội địa phải đóng thuế VAT 5%, còn xuất khẩu thì 0%”.

Tỉnh An Giang là một trong những địa phương có sản lượng lúa hàng đầu cả nước, cũng đang có nhiều người dân chọn mua gạo Campuchia hoặc gạo Thái Lan để ăn.

Gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở xã Vĩnh Xương (TX Tân Châu) có 7 người, trồng 1 ha lúa IR50404 nhưng thu hoạch xong bán hết cho thương lái, ăn hằng tháng bà mua gạo Campuchia hoặc gạo Thái Lan. Thời điểm này, nông dân trong tỉnh thu hoạch rộ lúa đông xuân. Tại xã Vĩnh Xương, lúa IR50404 có giá 4.400 đồng/kg, gạo mới bán 9.500 đồng/kg; còn gạo Campuchia giá 15.000-17.000 đồng/kg.

Ở TP Long Xuyên của tỉnh An Giang, ông Trần Văn Thời kinh doanh gạo hơn 20 năm tại chợ Mỹ Long, cho biết khoảng 10 năm nay, nhà ông chỉ ăn gạo Campuchia và gạo Thái Lan.

“Gia đình tôi ăn gạo Campuchia và Thái Lan vì ngon, an toàn cho sức khỏe. Những loại gạo đó ít bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật. Còn gạo của tỉnh nhà An Giang trồng chạy theo năng suất, không ngon”, ông Thời nói.

Nhiều nơi ở ĐBSCL đang có hiện tượng treo bảng bán gạo Campuchia, Thái Lan nhưng lại trộn với gạo thường của ĐBSCL, trộn tinh vi khi xay xát. Nên khi giao gạo cho khách, chị Phan Thị Cẩm Tú cứ “cam kết đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không pha trộn”. Phóng viên hỏi: “Căn cứ vào đâu để khẳng định không pha trộn?”. Chị trả lời: “Nhìn hột gạo là biết ngay thôi ạ”.

Lát sau, chị thẳng thắn, người trong nghề nhìn gạo biết trộn hay không, còn người tiêu dùng khó biết được, “tới đây, từng lô hàng chúng tôi sẽ phải kèm theo giấy kiểm nghiệm chất lượng”.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đã nhận ra thực trạng đáng lo ngại, một thời gian quá chú trọng xuất khẩu, chạy theo sản lượng nên bỏ quên thị trường nội địa. Nguy cơ “thua cuộc trên sân nhà” đã hiện hữu, nhất là sắp tới nước ta sẽ ký nhiều hiệp định thương mại tự do.

Một số doanh nghiệp đang nỗ lực quay trở lại thị trường nội địa bằng cách tổ chức chuỗi sản phẩm lúa gạo: xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất gạo đóng túi. Tuy nhiên, kết quả còn rất hạn chế. Vụ đông xuân 2014-2015, theo Cục Trồng trọt, diện tích cánh đồng lớn ở ĐBSCL mới đạt 130.332 ha, bằng 8,3% tổng diện tích gieo sạ, và chưa đến một nửa trong đó được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu.

Theo một số doanh nghiệp, chính sách nhà nước cũng chưa khuyến khích phát triển thị trường nội địa. Nhất là việc xây dựng thương hiệu lúa gạo chất lượng cao đòi hỏi kỳ công, đầu tư tốn kém.

Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua ở tỉnh Sóc Trăng cho rằng: “Muốn có gạo thương hiệu chất lượng cao, phải đầu tư đồng bộ từ giống, quy trình sản xuất đến chế biến, bảo quản. Khả năng đầu tư đến đâu mở rộng diện tích đến đó chứ đừng chạy theo thành tích, khó thành công”.

>>> Lập đoàn kiểm tra mua tạm trữ lúa gạo

Theo Ngọc Duyên

PV

Nông nghiệp Việt nam

Trở lên trên