Thị trường lên cơn “sốt”
Tính đến ngày 5-2 (tức 27 tháng chạp), phần lớn người dân đã được nghỉ làm, khiến lượng khách đến các chợ, siêu thị tăng đột biến, giá cả biến động thất thường
- 01-02-2016Hàng hóa tăng giá vì rét
- 11-01-2016Hàng chục nghìn tỉ đồng bảo đảm hàng hóa dịp Tết
- 03-01-2016Cung cầu hàng hóa Tết Bính Thân: Nguồn cung dồi dào, giá cả ít biến động
Đến trưa cùng ngày, lượng hàng hóa Tết tập trung về 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền của TP HCM đạt gần 16.000 tấn, tăng hơn 25% so với đêm 4-2 và gần gấp đôi ngày thường nên giá cả các mặt hàng tương đối ổn định. Một số mặt hàng trái cây chưng Tết như xoài cát Hòa Lộc, bưởi, dưa hấu, thanh long, mãng cầu, quýt… tăng giá nhẹ từ 2.000-10.000 đồng/kg; vài loại rau củ cũng nhích giá nhẹ. Lượng thịt heo về chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền hơn 1.000 tấn, giá ổn định, chỉ tăng giảm 2.000-5.000 đồng/kg, tùy loại.
Tại các chợ lẻ, mãi lực đã tăng mạnh, lượng khách đến chợ tăng gấp đôi ngày thường. Sức mua tăng mạnh chủ yếu ở các mặt hàng quần áo, lương thực, thực phẩm. Giá bán các mặt hàng như ba rọi, cốt lết, chân giò heo, thịt gà vịt, cá thu, mực ống… tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg tùy chợ và tùy thời điểm. Thịt gà ta, trái cây, hoa chưng cúng cũng đang đẩy giá mạnh. Tình trạng nói thách, đẩy giá có xảy ra ở một số nơi, tùy sức mua nhưng khách hàng có thể trả giá và mua được hàng với giá hợp lý.
Trong khi đó, giá thực phẩm tại các chợ Hà Nội lại tăng chóng mặt. Tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), chợ Thành Công (quận Ba Đình)…, giá cà chua tăng lên từng ngày, từ 27.000 đồng/kg tăng dần lên 29.000 đồng/kg và nay là 35.000 đồng/kg - tăng gần 3 lần so với trước đây 1 tuần. Ngoài ra, su hào tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/củ, cải ngọt tăng 5.000 đồng/kg lên mức giá 30.000 đồng/kg. Các loại rau xanh khác cũng khá đắt, thường từ 6.000-10.000 đồng/bó, thậm chí có loại lên đến 13.000 đồng/bó. Rau gia vị phục vụ các món ăn Tết như rau mùi, hành, ngò, húng… cũng tăng giá chóng mặt, gấp từ 2-3 lần ngày thường. “Mọi năm cũng tăng giá dịp này nhưng hầu như không tăng quá nhiều như năm nay. Do thời tiết rét rồi mưa nhiều nên rau bị táp lá, héo, hỏng khiến giá đắt chứ không phải tăng giá do Tết” - một tiểu thương tại chợ Thành Công giải thích.
Các mặt hàng thực phẩm cũng tăng giá đáng kể. Thịt lợn thăn tăng 100.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg, thịt vai từ 80.000 đồng lên 110.000 đồng/kg, sườn sụn tăng giá từ 90.000 đồng lên 110.000 đồng/kg. Thịt bò cũng tăng giá tương tự. Giá gà ta bán buôn là 110.000 đồng/kg, bán lẻ dao động từ 120.000 đồng/kg trở lên. Các mặt hàng đồ khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương cũng tăng giá từ 5.000-15.000 đồng/kg mỗi loại.
Với các mặt hàng trái cây để chưng mâm ngũ quả ngày Tết, giá tăng mạnh ở thời điểm cách đây khoảng 5-7 ngày nhưng bắt đầu giảm dần vào các ngày cận Tết. Ví dụ, phật thủ vốn cách đây ít ngày có giá từ 200.000-450.000 đồng/quả thì nay, nhiều nơi chỉ bán giá khoảng 150.000-270.000 với quả hình thức đẹp và giá thấp hơn với những quả nhỏ, ít múi. Bưởi da xanh có khung giá dao động khá mạnh, từ 200.000-300.000 đồng/trái tùy loại. Dưa hấu, xoài, dứa, táo các loại… có nguồn hàng phong phú và giá ổn định.
Trái ngược với chợ, các siêu thị dù động nghịt người mua sắm vẫn cam kết cung ứng đủ hàng hóa cũng như bảo đảm ổn định về giá cả. Thậm chí, một số hệ thống lớn như Big C, Co.opmart còn giảm giá mạnh nhiều mặt hàng, nhất là các loại thực phẩm, mứt, trái cây. Đặc biệt, giá các mặt hàng bia, rượu khá ổn định, không có tình trạng sốt giá như các năm.
Người lao động