Thông tin hàng hóa nổi bật ngày 29/01: Cước taxi giảm giá
Từ ngày 30/1 các hãng taxi đồng loạt giảm giá; Thuế nhập khẩu xăng E5 có thể tăng từ 5% lên 35%; Bánh kẹo, mứt Tết, rượu bia dù lượng mua ít nhưng giá vẫn tăng; Gần về cuối năm các mặt hàng quần áo thời trang đua nhau xả hàng với giá rẻ…
- 27-01-2015[Hàng hóa ngày 27/01]: Tồn kho 339 ngàn tấn đường
- 26-01-2015[Hàng hóa ngày 26/01]: Gần Tết, nhiều mặt hàng tăng giá
- 23-01-2015Thông tin hàng hóa nổi bật ngày 23/01: Giá thuốc giảm
Tóm tắt:
- Từ ngày 30/1 các hãng taxi đồng loạt giảm giá với mức giảm từ 5 00- 1000 đồng/km tùy thuộc vào từng loại xe và thị trường tại mỗi địa phương
- Bộ Tài chính khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất xăng E5, mức thuế nhập khẩu có thể tăng từ 5% lên 35%
- Các mặt hàng quần áo thời trang gần về cuối năm đua nhau xả hàng, giảm giá
Taxi TPHCM đồng loạt giảm giá cước từ 30/1
Tin từ Tập đoàn Mai Linh cho biết, kể từ 30/1, giá cước taxi toàn hệ thống của hãng trên cả nước sẽ đồng loạt giảm.
Cụ thể, khu vực miền Bắc có mức giảm từ 600 đồng đến 1.000 đồng/km, tùy từng loại xe và tùy theo thị trường tại mỗi địa phương. Khu vực miền Trung giảm từ 300 đến 500 đồng/km, tùy từng loại xe và tùy theo thị trường tại các địa phương. Thời gian giảm, dự kiến là đầu tháng 2/2015. Khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ mức giảm là 500 đồng/km, áp dụng chung cho tất cả các dòng xe. Thời gian dự kiến giảm từ ngày 30/1.
Đại diện của hãng taxi Vinasun cũng cho biết, từ ngày 2/2 hãng sẽ giảm giá cước 500 đồng/km. Ngoài hai doanh nghiệp taxi lớn tại TPHCM là Vinasun và Mai Linh cam kết giảm giá cước, các doanh nghiệp còn lại đang tính toán mức giảm.
Được biết, ngày 26/1, Sở GTVT TP HCM đã từ chối các hãng taxi Mai Linh , Vinasun… làm thủ tục kê khai, giảm giá cước taxi vì lý do giảm quá ít so với mức giảm giá xăng dầu. Sở GTVT cho rằng giá xăng dầu gần đây có đợt giảm sâu (gần 2.000 đồng/lít) nên việc giảm giá cước taxi như vậy là không tương xứng… Đại diện Mai Linh cho biết đang tính toán lại mức giảm giá.
Dồn dập xả hàng
Hàng tồn, hàng bị lỗi cuối năm ào ạt tràn ra thị trường dưới danh nghĩa “tổng xả hàng”. Ghi nhận tại TP.HCM, nhiều mặt hàng quần áo thời trang... đã được đem ra bán đại hạ giá.
Ðường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) vốn không phải là con đường chuyên bán hàng thời trang tại TP.HCM, nhưng chỉ hơn một tháng qua tại đây xuất hiện hàng loạt cửa hàng, sạp bán hàng thời trang “dã chiến” với rất nhiều lời mời chào hấp dẫn người đi đường.
Theo anh Phan Văn Tính - một người bán tại đường này, hàng phần lớn lấy từ nguồn giá rẻ ở các cơ sở sản xuất hoặc nhập về từ các chợ sỉ, hay mua nguyên kho hàng tồn của các đơn vị bán hàng, sau đó đem về phân loại rồi xả ra thị trường bán giá rẻ.
Ðể “kích” sức mua cho mùa bán tết cũng như “đấu” với hàng thời trang nhập khẩu có nguồn gốc lẫn không nguồn gốc, nhiều thương hiệu thời trang trong nước cũng chọn phương án giảm giá, hàng mới bán kèm hàng cũ với mức giá ưu đãi. Một số thương hiệu dành riêng quầy kệ bán hàng đồng giá cho các sản phẩm vừa qua mùa nhằm giảm bớt áp lực hàng tồn đọng trong dịp Giáng sinh và Tết dương lịch vừa qua.
Nhiều mặt hàng Tết: Người mua ít, giá vẫn tăng
Còn hơn 20 ngày nữa đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, các đại lý bánh kẹo, rượu bia đưa ra đủ chương trình khuyến mại nhưng sức mua giảm so với mọi năm. Giá bánh kẹo, mứt Tết, bia rượu...dù “ế” vẫn tăng từng ngày.
Khác với các năm trước, năm nay dịp cận Tết, nhiều đại lý không tích trữ lớn do sức mua giảm. Theo khảo sát của PV Tiền Phong, nhiều loại bia tăng giá (có thể do doanh nghiệp hoặc đại lý tự nâng giá). Chị Nguyễn Ngọc Anh, đại lý bia trên đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ: “Hiện, giá bia được một số công ty điều chỉnh tăng giá. Cửa hàng không dám nhập nhiều bởi người dân không còn uống bia nhiều vào các ngày lễ Tết như mọi năm nữa. Chưa kể hàng loạt chính sách kiểm soát an toàn giao thông khiến người uống bia dè dặt hơn trước”.
Theo ông Nguyễn Tuấn Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Cty Bia rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), các mặt hàng của công ty bán ra thị trường đều giữ giá bình ổn. Việc giá bia bán lẻ tăng dịp gần Tết là do các đại lý bán lẻ tự nâng. “Việc bán giá nào là quyền của đại lý, công ty không can thiệp được”, ông Phong nói.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, dự đoán thị trường bia Tết năm nay sẽ giảm 3 - 4% so với mọi năm. Lí do là thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi và kinh tế khó khăn. “Xu hướng của người tiêu dùng hiện nay chủ yếu là đi du lịch, tìm đến các khu vui chơi; chứ không tập trung vào ăn uống nhiều như trước”, ông Việt nói.
Thuế nhập khẩu xăng E5 sẽ tăng 7 lần?
Bộ Tài chính vừa có văn bản dự thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với xăng sinh học E5. Trước đó, ngày 11/12/2014, Bộ Tài chính nhận được công văn số 6833/BSR-TCKT của Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (gọi tắt là Công ty Bình Sơn) kiến nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng E5.
Theo đó, triển khai thực hiện lộ trình phân phối xăng sinh học E5 của Chính phủ, tính tới tháng 11/2014, Công ty Bình Sơn đã sản xuất và tiêu thụ hơn 22.800m3 xăng sinh học E5. Hiện tại, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng E5 là 5%, xăng RON92 là 35%.
Các công ty đầu mối khi mua 95% xăng RON92, phối trộn 5% ethanol biến tính để thành xăng sinh học E5 sẽ có giá vốn cao hơn so với nhập khẩu xăng sinh học E5. Chính sách thuế này khuyến khích nhập khẩu xăng sinh học E5, không khuyến khích sản xuất xăng sinh học E5 trong nước.
Do đó, Công ty Bình Sơn rất khó tiêu thụ được sản phẩm xăng sinh học E5 trong thời gian tới. Lộ trình của Chính phủ về việc sử dụng xăng sinh học E5 trong cả nước sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, Công ty Bình Sơn kiến nghị Bộ Tài chính xem xét tăng thuế nhập khẩu xăng sinh học E5 để hỗ trợ và khuyến khích sản xuất, tiêu thụ xăng sinh học E5 sản xuất trong nước.
>>>> [Hàng hóa nổi bật ngày 28/01] Việt Nam phản đối thuế chống bán phá giá cá tra
Hà Thắm