Thực phẩm độc, có chất cấm chặn đường xuất khẩu nông sản Việt
"Nhiều mặt hàng xuất khẩu được giảm thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực nhưng điều quan trọng là chúng ta có xuất được không khi hàng rào kỹ thuật VSATTP là nguyên tắc chung của thế giới"
- 29-03-2016Thực phẩm nhiễm kháng sinh: Khó trị!
- 28-03-2016Ai sẽ quản thực phẩm chức năng?
- 27-03-2016Ngành thực phẩm và đồ uống đón làn sóng “ngoại”
Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho biết, khi gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) và TPP, nông sản Việt Nam phải đối mặt với 2 vấn đề: Thứ nhất là làm thế nào để tận dụng được cơ hội khi TPP mở cửa cho Việt Nam và thứ hai là làm thế nào để hàng nông sản Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng hóa của các nước.
Nếu không kiểm soát được chất lượng ATTP thì không những không thể xuất khẩu mà người Việt cũng sẽ bỏ hàng Việt.
“Trước đây chúng ta không dám mua thịt gà, bò Mỹ, Úc vì đắt nhưng nay sản phẩm của họ không những rẻ mà còn an toàn. Còn người tiêu dùng nhận thức ngày càng cao chính vì thế, nếu chúng ta không đảm bảo được chất lượng an toàn thực phẩm thì người tiêu dùng sẽ quay lưng với sản phẩm trong nước”, ông Tuyển khuyến cáo.
Ông Tuyển cho biết, nhiều mặt hàng xuất khẩu được giảm thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực nhưng điều quan trọng là chúng ta có xuất được không khi hàng rào kỹ thuật VSATTP là nguyên tắc chung của thế giới.
Ông lo ngại với kiểu sản xuất như thế này liệu Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội hay không.
Ông Tuyển lấy dẫn chứng: “Chúng ta mỗi năm xuất khẩu 6-7 tấn gạo, người dân Nam bộ xuất khẩu lớn nhất cả nước nhưng lại mua gạo Campuchia để ăn. Tức là yêu cầu về chất lượng ngày càng cao nhưng chất lượng gạo của chúng ta chỉ mới bán được cho Trung Quốc, Indonesia, Philippin....Nay mai đời sống của một số nước sẽ khác thì thị trường gạo của chúng ta ở đâu?”
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng giảm thuế không có nghĩa là hàng Việt có thể tràn ra nước ngoài.
Đặc biệt là hàng nông sản liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Để vào được các nước, hàng hóa phải vượt qua được hàng rào kiểm dịch, an toàn thực phẩm, và điều này không dễ dàng.
Cụ thể, sau bao nhiêu năm, mới đây quả xoài của Việt Nam mới được Hàn Quốc làm thủ tục để công nhận. Hay quả thanh long cũng mới được xuất sang Mỹ vì liên quan đến thủ tục kiểm dịch.
Theo ông Trương Đình Tuyển, cần phải tổ chức lại sản xuất trong nước để đảm bảo đảm cạnh tranh về giá và chất lượng. Doanh nghiệp phải giữ vai trò chủ đạo trong chuỗi liên kết, kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống, gieo trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến. Tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa tham gia được vì hai lý do: chưa có vùng đất lớn và bảo hiểm nông nghiệp.
“Cơ hội lớn nhưng không biết tận dụng thì sẽ trở thành thách thức. Nếu không thay đổi thì chúng ta sẽ thua thôi”, ông Tuyển nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển NNNT cũng cho rằng cơ hội để Việt Nam xuất khẩu nông sản sang các nước TPP là rất lớn.
Tuy nhiên, trong thời gian tới phải có doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết với nông dân. Doanh nghiệp cần chủ động tấn công thị trường mới, nối kết với những công ty đa quốc gia; xây dựng hệ thống phân phối riêng của Việt Nam tại các thị trường lớn trên thế giới.
“Có như thế thì thương hiệu hàng Việt Nam mới lộ ra được. Chứ cứ mỗi lần nói đảm bảo chất lượng ở nhà mình thôi thì không ăn thua”, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng cần có một mạng lưới kết nối doanh nghiệp Việt kiều ở các nước, có những đầu mối để tấn công thị trường mới mở.
Infonet