Trung Quốc sắp mất vị trí nước nhập khẩu bông lớn nhất thế giới về tay Việt Nam
Trung Quốc vừa để mất vị trí nước sản xuất bông lớn nhất thế giới về tay Ấn Độ, và cũng sắp mất nốt vị trí nước nhập khẩu bông hàng đầu thế giới. Đó là nhận định của Uỷ ban Tư vấn Bông Quốc tế (ICAC), với lý do polyester gia tăng cạnh tranh với bông.
ICAC dự báo nhập khẩu bông vào Trung Quốc trong niên vụ 2015/16 sẽ giảm 40%, nhiều hơn mức giảm 34% dự báo trước đây, từ 1,2 triệu tấn xuống 1,08 triệu tấn (5 triệu kiện).
Con số này thấp hơn dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) – là 5,5 triệu kiện, mức thấp nhất trong vòng 13 năm.
Trên cơ sở đó, ICAC cho biết Trung Quốc sẽ rơi xuống vị trí thứ 2 về nhập khẩu bông, ngang bằng với Bangladesh, nhường lại vị trí hàng đầu cho Việt Nam – dự báo sẽ mua 1,1 triệu tấn bông trong niên vụ này.
“Nhập khẩu bông vào Việt Nam trong 4 tháng đầu niên vụ 2015-16 (bắt đầu vào tháng 8) đạt 327.000 tấn, trong khi Trung Quốc chỉ đạt 247.000 tấn”, ICAC cho biết.
Ngành xe sợi bông tại Việt Nam đã tăng trưởng gấp 3 lần chỉ trong vòng 4 năm qua. Theo USDA, Việt Nam đang chiếm một nửa trong tổng mức tăng trưởng nhu cầu bông toàn cầu, bởi xuất khẩu sợi bông tăng nhanh.
Số liệu của USDA cho thấy xuất khẩu ròng sợi bông Việt Nam đã tăng trung bình 40%/năm trong giai đoạn 2011-12 đến 2015-16, trong đó Trung Quốc là thị trường số 1 kể cả trước năm 2011-12 và tiếp tục gia tăng trong những năm sau đó, hiện chiếm 80-90% tổng xuất khẩu sợi bông của Việt Nam. Sự tăng trưởng này song hành với việc Trung Quốc tăng đầu tư vào lĩnh vực xe sợi ở Việt Nam, và thị trường bán buôn trọng tâm của một số công ty.
Lý do chính của việc này xuất phát từ chính sách hỗ trợ giá bông của chính phủ Trung Quốc, khiến cho giá bông tại nước này duy trì lâu ở mức cao hơn so với giá quốc tế khiến cho nhiều nhà máy xe sợi trong nước không thể có lợi nhuận. Ngoài ra, tiêu thụ sợi bông ngay tại thị trường Việt Nam cũng tăng trưởng ấn tượng – gấp đôi kể từ năm 2011-12 đến nay. Do vậy, ngay cả khi tiếp tục tăng xuất khẩu sợi sang Trung Quốc thì vị thế của ngành sợi bông trong chuỗi giá trị dệt may tại Việt Nam cũng vẫn tăng trưởng mạnh.
ICAC khẳng định vai trò ngày càng tăng của Việt Nam với tư cách là nhà nhập khẩu bông, bởi khối lượng nhập dự báo sẽ tăng 17% trong niên vụ này, được kích thích bởi chi phí lao động thấp.
“Tiêu thụ bông ở Việt Nam và Bangladesh đang tăng nhanh, do chi phí sản xuất rẻ, trong khi cả hai quốc gia này đều sản xuất rất ít bông nên phải phụ thuộc nhiều vào bông nhập khẩu”, ICAC cho biết.
Tuy nhiên, cũng phải kể tới sự cạnh tranh ngày càng mạnh của polyester, sản phẩm mà Trung Quốc sản xuất 72% sản lượng toàn cầu. Polyester cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ với bông tại các nhà máy dệt may ở Trung Quốc.
Giá polyester ngày càng rẻ hơn nhiều so với bông. Theo ICAC, giá sợi nhân tạo trong nửa đầu niên vụ 2015/16 trung bình là 48 US cent/lb, trong khi giá bông – được tính bằng chỉ số Cotlook A – trung bình là 70 US cent/lb.
Theo ICAC: “Việc giá polyester liên tục giảm khiến cho thị phần của bông trên thị trường nguyên liệu dệt ngày càng bị co hẹp lại, nhất là ở Trung Quốc, nơi polyester đã được ưa chuộng hơn bông trong suốt mấy vụ gần đây”. Và tổ chức này đã hạ 200.000 tấn dự báo về tiêu thụ bông Trung Quốc niên vụ 2015-16 xuống 7,1 triệu tấn.
Dự báo về niên vụ mới
Điểm đáng chú ý trong dự báo của ICAC là sản lượng bông của hai nước sản xuất lớn – Trung Quốc và Mỹ – sẽ giảm lần lượt 19% và 18% trong năm 2015-16 do diện tích trồng giảm bởi nhu cầu yếu và tồn trữ cao trên toàn cầu.
Trong năm 2015-16, sản lượng bông Trung Quốc dự báo sẽ ở mức khoảng 5,3 tiệu tấn, giảm 19% so với năm 2014-15 và thấp hơn 35% so với mức cao kỷ lục 8,1 triệu tấn của vụ 2007-08. Tương tự, diện tích thu hoạch ở Mỹ giảm 13% cộng với năng suất thấp do mưa quá nhiều trong mùa thu sẽ khiến sản lượng giảm 18% xuống 2,9 triệu tấn. Tuy nhiên, tồn trữ bông tại hai nước này vẫn gia tăng.
Trong khi đó, tiêu thụ bông của Bangladesh năm nay sẽ tăng 10% lên trên 1 triệu tấn, bởi nhu cầu gia tăng từ các hãng sản xuất hàng may mặc và những chính sách ưu đãi cho ngành dệt của chính phủ nước này.
Đặc biệt, tiêu thụ bông của Việt Nam – một trong những đối thủ cạnh tranh lớn của Bangladesh trên thị trường may mặc toàn cầu – dự báo sẽ tăng mạnh 20% lên 1,1 triệu tấn trong năm 2015-16.
ICAC dự báo tồn trữ bông thế giới niên vụ này sẽ ở mức 20,5 triệu tấn, giảm khoảng 1,6 triệu tấn so với năm trước do sản lượng dù tăng lên 23,1 triệu tấn nhưng vẫn thấp hơn so với tiêu thụ 24,1 triệu tấn. Tồn trữ sẽ còn tiếp tục giảm thêm khoảng 1 triệu tấn trong năm 2016-17, xuống dưới mức 20 triệu tấn lần đầu tiên trong vòng 4 năm. Tuy nhiên, đó sẽ vẫn là mức cao so với những năm trước đây và tương đương 80,7% tiêu thụ hàng năm.
Cung – cầu bông thế giới (triệu tấn)
| 2013/14 | 2014/15 | 2015/16 |
Sản lượng | 26,28 | 26,23 | 22,89 |
Tiêu thụ | 23,88 | 24,22 | 24,33 |
Nhập khẩu | 8,67 | 7,60 | 7,31 |
Xuất khẩu | 8,99 | 7,70 | 7,31 |
Tồn trữ | 20,11 | 22,03 | 20,59 |
Nguồn: ICAC