Xuất khẩu gạo vẫn đối mặt nhiều khó khăn
Xuất khẩu gạo năm 2016 vẫn được dự báo có nhiều khó khăn. Những khó khăn này đã kéo dài từ năm này sang năm khác như sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường, bị chi phối bởi thị trường Trung Quốc, các nước NK gạo dần tự túc về lương thực…
- 27-02-2016Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường
- 26-02-2016Xuất khẩu gạo tăng gấp đôi và thủy sản lấy được đà tăng trưởng
- 26-02-2016Xuất khẩu gạo tăng mạnh về lượng nhưng giá giảm
Cần vốn ưu đãi
Theo nhận định của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo trong năm 2016 tiếp tục chịu tác động trong bối cảnh diễn biến khó lường của các thị trường gạo thế giới, trong đó đặc biệt là sự cạnh tranh từ các nước xuất khẩu gạo lớn như: Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan…, không chỉ về giá mà còn là chất lượng, thương hiệu. Hiện lợi thế cạnh tranh về giá của gạo Việt Nam không còn như các năm trước khi “vựa lúa gạo” Thái Lan chấp nhận bán ra với giá thấp để giải quyết vấn đề tồn kho.
Đáng chú ý thị trường Trung Quốc tiếp tục là yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo Việt Nam trong khi lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc bị chi phối bởi tình hình quan hệ chính trị- ngoại giao. Theo một số nguồn tin, việc nhập khẩu gạo của thương nhân Trung Quốc chịu sự chỉ đạo của Chính phủ về nguồn gốc gạo nhập khẩu, phụ thuộc vào quan hệ giữa Trung Quốc và các nước xuất khẩu.
Sự thay đổi về thể chế, biến động về chính trị; chính sách nhập khẩu của nước nhập khẩu truyền thống theo hướng tiếp tục tăng cường sản xuất trong nước, tiến tới đáp ứng nhu cầu phần lớn hoặc tự túc lương thực… cũng là yếu tố tác động tới hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp cận nguồn vốn vay, vốn vay ưu đãi (nhất là nguồn vốn trung, dài hạn đầu tư xây dựng kho chứa, lò sấy tại vùng nguyên liệu, nguồn vốn phục vụ đầu tư ứng trước đầu vào cho nông dân và thu mua lúa từ vùng nguyên liệu).
Phía Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao và chỉ đạo thương vụ Việt Nam tại tác quốc gia, vùng lãnh thổ tăng cường hoạt động vận động, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, rào cản, thúc đẩy công tác phát triển thị trường xuất khẩu gạo, nhất là các thị trường trọng điểm, có quan hệ chính trị nhạy cảm đối với Việt Nam.
Bộ cũng sẽ phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân đầu mối tiếp tục tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời có giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến từng thị trường, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.
Thực hiện xúc tiến thương mại gạo tại các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng để củng cố thị trường và mở đường cho xuất khẩu gạo cũng là biện pháp Bộ Công Thương đề xuất.
"Sống" nhờ hợp đồng tập trung
Trong năm 2015, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo năm 2015 đạt 6,586 triệu tấn, trị giá 2,803 tỷ USD, tăng 4% về lượng và giảm 4,5% về trị giá so với năm 2014.
Trong nửa đầu năm 2015, thị trường gạo thế giới và khu vực tiếp tục cạnh tranh gay gắt, có nhiều diễn biến bất lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã giao dịch, ký kết 790.000 tấn gạo theo hợp đồng tập trung với Philippines, Malaysia nhưng dưới áp lực dư cung, tồn kho lớn, áp lực giải phóng tồn kho của Thái Lan, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và nhiều nước đều nằm trong xu hướng sụt giảm mạnh
Chỉ đến cuối tháng 9 và tháng 10, Tổng công ty lương thực miền Nam ký thành công 1,45 triệu tấn gạo theo hợp đồng tập trung với Philippines và Indonesia với giá khá cao so với mặt bằng giá thị trường trong nước thời điểm đó mới giúp ổn định giá lúa gạo nội địa, giúp doanh nghiệp có đầu ra với giá tốt.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các thị trường có hợp đồng tập trung như Philipines, Indonesia… đóng vai trò quan trọng, kịp thời tiêu thụ gạo hàng hóa xuất khẩu, định hướng và giữ được giá lúa gạo ổn định.
Về công tác điều hành, mặc dù các chính sách đã có sự linh hoạt song Bộ Công Thương vẫn thừa nhận, vẫn còn những khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã có nhưng chưa có nhiều thương nhân được hưởng do việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện còn vướng mắc.
Việc đầu tư một hệ thống sản xuất chế biến khép kín từ lúa ra gạo thành phẩm xuất khẩu cũng như đầu như xây dựng vùng nguyên liệu và thu mua đảm bảo chân hàng cần một lượng vốn lớn nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo gần như chưa tiếp cận được.
Trong công tác đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, bên cạnh việc thiếu hụt về nguồn lực nội tại, các thương nhân xuất khẩu gạo còn gặp một số khó khăn như điều kiện đất đai, hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ, chưa chủ động được khâu tưới tiêu, vận chuyển; chất lượng lúa gạo chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Báo hải quan