Hẫng hụt xuất khẩu rau quả
Xuất khẩu (XK) rau quả của Việt Nam từng băng băng thẳng tiến trong 2 năm liên tiếp là 2017 và 2018, thậm chí "vượt mặt" dầu thô. Tuy nhiên, trong năm 2019, mặt hàng tỷ USD này liên tục ghi nhận sụt giảm giá trị XK. Mục tiêu XK trên 4 tỷ USD năm 2019 còn khá xa xôi.
- 12-10-2019Trung Quốc mở cửa thị trường cho 3 loại thủy sản của Việt Nam
- 12-10-2019Top 10 ô tô bán chậm nhất trong tháng 9/2019: Toyota góp mặt 3 mẫu xe, nhiều nhân tố mới xuất hiện
- 12-10-2019Rau dại bờ bụi ở Việt Nam, nước ngoài thành thần dược siêu đắt
Giá trị xuất khẩu "lao dốc"
2 năm gần đây, trong khi nhiều mặt hàng nông sản XK chủ lực như tiêu, điều, cao su, cà phê... thường xuyên rơi vào tình trạng khó khăn, kim ngạch trồi sụt thất thường, giá cả kém cạnh tranh thì riêng mặt hàng rau quả lại "tỏa sáng". Năm 2017 XK rau quả đem về 3,45 tỷ USD, tăng tới 40,5% so với năm 2016. Trung Quốc là thị trường NK hàng đầu hàng rau quả Việt Nam với thị phần hơn 75%. XK rau quả sang Trung Quốc năm 2017 đã tăng tới hơn 50% so với năm 2016.
Bước sang năm 2018, dù không duy trì được mức tăng trưởng "khủng" như năm 2017, song con số 3,8 tỷ USD, "vượt mặt" dầu thô, tăng trưởng 8,9% so với năm 2017 cũng đủ làm toàn ngành phấn khởi. Lúc này, Trung Quốc vẫn vững vàng là thị trường XK rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 70% tổng kim ngạch.
Khác với sự tăng trưởng XK mạnh mẽ của 2 năm gần đây, bước sang năm 2019, tình hình XK rau quả khá ảm đạm. Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy: Tổng giá trị XK rau quả 9 tháng đầu năm ước đạt 2,84 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện nay, Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường NK rau quả của Việt Nam với 73,6% thị phần. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là, XK rau quả sang thị trường tỷ dân này trong 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2018.
"Xuất khẩu hàng rau quả giảm mạnh do giá trị XK một số mặt hàng rau quả chính giảm mạnh như: Nhãn (giảm 43%), sầu riêng (giảm 20,2%), dừa (giảm 30,8%), dưa hấu (giảm 26,3%), chôm chôm (giảm 7,3%), mộc nhĩ (giảm 49,4%), nấm hương (giảm 46,6%), ớt (giảm 44,8%), khoai lang (giảm 39,5%)", Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lý giải.
Trầy trật con số 4 tỷ USD
Đánh giá về câu chuyện sụt giảm XK rau quả trong năm nay, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng: Mấu chốt là do thị trường Trung Quốc đã siết chặt NK. Những thị trường khác tuy có tăng trưởng nhưng do kim ngạch còn thấp nên không thể bù nổi sự sụt giảm từ thị trường chính này.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Quý Dương- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phân tích rõ hơn: Tháng 5/2018, phía Trung Quốc bắt đầu phát đi thông tin về việc siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam XK vào Trung Quốc qua cả kênh chính thức lẫn các kênh khác như thông qua chủ hàng. Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói. Đây là hai yêu cầu XK chính ngạch trái cây sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, từ cuối năm 2018 đến nay, Trung Quốc cũng siết chặt NK hàng tiểu ngạch. Bởi vậy, một số loại trái cây vốn có lượng XK khá lớn sang Trung Quốc, song chưa được cấp phép XK chính ngạch nên không thể XK sang Trung Quốc, tình hình khá khó khăn. Ví dụ điển hình như mặt hàng sầu riêng, dừa,... Hiện, toàn quốc có tới 47.000 ha sầu riêng và 2 năm trở lại đây, đây được xem là loại cây tiền tỷ. "Sầu riêng của Việt Nam hầu như chỉ XK sang Trung Quốc. Người Trung Quốc rất thích sầu riêng, thậm chí coi đây như vua của các loại quả, ăn sầu riêng có thể đem lại may mắn. Năm nay, sầu riêng chưa được vào diện XK chính ngạch nên rất khó khăn", ông Dương nói.
Năm 2019, XK rau quả của Việt Nam đặt mục tiêu 4-4,2 tỷ USD. Hết 3/4 chặng đường, con số đạt được mới là 2,84 tỷ USD. Như vậy, muốn đạt mục tiêu tối thiểu là 4 tỷ USD, quý cuối cùng của năm, XK rau quả phải thu về tới 1,16 tỷ USD. Đây là còn số không hề đơn giản. Bởi vậy, rất có khả năng, mục tiêu đặt ra năm nay khó đạt được.
Từ nay tới cuối năm và tương lai xa hơn, Bộ NN&PTNT xác định sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trao đổi với phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn cho XK rau quả nói chung cũng như các mặt hàng nông sản khác nói riêng. Đáng chú ý, ông Dương chia sẻ: "Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch cụ thể để mở cửa thị trường, thúc đẩy XK chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện nay, mặt hàng đang được thúc đẩy khá tích cực là sầu riêng. Bắt đầu nộp hồ sơ từ đầu năm 2019, hy vọng đến năm 2020, sầu rêng sẽ được XK chính ngạch sang Trung Quốc. Sau sầu riêng, các loại trái cây tiềm năng khác sẽ được thúc đẩy mở cửa thị trường tại Trung Quốc là: Dừa, bưởi, chanh leo, na, bơ…".
Giá trị NK mặt hàng rau quả 9 tháng đầu năm ước đạt 1,39 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 434 triệu USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ 2018 và mặt hàng quả đạt 899 triệu USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Thái Lan và Trung Quốc là hai thị trường NK rau quả lớn nhất trong 8 tháng đầu năm nay, chiếm thị phần lần lượt là 35,5% (giảm 3,2%) và 25,7% (tăng 19,8%) so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp theo là Hoa Kỳ, Australia, New Zealand tăng lần lượt là 72,7%; 5% và 44,4% sới cùng kỳ năm 2018.
Hải quan