Hàng không 'bung' thêm vé và giảm giá trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Chỉ còn 1 tuần tới kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày liên tục, nhiều đường bay đã bán hết vé trên các chuyến thường lệ, các hãng bất ngờ tung vé bay tăng cường với giá chỉ bằng phân nửa trước đó.
- 21-04-2023Đây là lý do vì sao người Trung Quốc chỉ yêu thích xe điện nội địa, các ông lớn nước ngoài cũng phải chào thua
- 19-04-2023Các thương hiệu xe điện đổ xô vào thị trường Trung Quốc: “Nếu chinh phục được khách hàng Trung Quốc, chúng tôi sẽ chinh phục được cả thế giới"
- 18-04-2023Từng được coi là vũ khí để “dằn mặt” châu Âu của Nga, mặt hàng này từ khan hiếm giờ nên trở dư thừa trên thế giới, nhu cầu giảm mạnh
Cục Hàng không (Bộ GTVT) cũng vừa chỉ thị các sân bay tăng cường giải pháp chống ùn tắc dịp nghỉ lễ sắp tới.
Đằng sau giá vé giảm
Ngày 21/4, khảo sát trang bán vé trực tuyến của các hãng hàng không nội địa cho thấy, nhiều đường bay dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đã không còn tình trạng “cháy vé”, giá vé đang bán cũng chỉ bằng 1 nửa so với mức giá 3 - 5 triệu đồng/chiều như thời điểm đầu tuần này.
Cụ thể, ngày bay 29/4, chặng Hà Nội đi Phú Quốc hiện có vé giá từ 2,7 triệu đồng/chiều (đã gồm thuế, phí); chặng Hà Nội đi Đà Lạt giá vé từ 1,5 triệu đồng/chiều; chặng TPHCM đi Phú Quốc/Quy Nhơn giá chỉ từ 1,9 triệu đồng/chiều, chặng TPHCM đi Đà Nẵng/Nha Trang chỉ từ 1,5 triệu đồng/chiều, TPHCM đi Đà Lạt từ 1,7 triệu đồng/chiều…
Một số đường bay ít ngày trước còn hết vé, nay đã được bổ sung số lượng mới, với giá không quá cao. Cụ thể, ngày bay 29/4, chiều TPHCM đi Phú Yên có giá từ 1,9 triệu đồng/chiều; chiều Hà Nội đi Huế cũng từng hết vé, nay khách có nhiều lựa chọn với giá xấp xỉ 2 triệu đồng/chiều; chặng Hà Nội đi Vinh ngày 28/4 và ngược lại 3/5 từng hết, nay khách đã có vé để mua với giá từ 1,6 triệu đồng/chiều…
Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng, diễn biến giá vé máy bay dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay khá đặc biệt. Theo đó, vé các chuyến bay tăng cường chỉ được hãng mở bán khi chuyến bay thường lệ đã gần như kín chỗ, chỉ trước dịp nghỉ đúng 1 tuần.
Trong khi các năm trước, lịch và vé chuyến bay tăng cường được các hãng mở bán trước lịch nghỉ cả tháng. Điều này lý giải cho việc có đường bay tuần trước hết vé, hoặc chỉ còn vé giá cao, nay lại mở bán, hoặc thêm nhiều vé giá thấp, do một chuyến bay luôn có vé giá từ thấp tới cao.
“Về bản chất, không phải giá vé máy bay giảm, hay các hãng khuyến mại sát ngày nghỉ, mà vé giá thấp tới từ các chuyến bay bổ sung. Với khách không đủ khả năng chi trả khi cho loại quá cao, hoặc cố chờ, đôi khi sát ngày nghỉ lại mua được vé giá phải chăng hơn từ các chuyến bay tăng cường”, vị chuyên gia trên nói.
Cũng theo vị chuyên gia trên, diễn biến giá vé máy bay dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay cho thấy các hãng hàng không đã giảm ưu tiên khai thác khách trong nước, để dành nguồn lực cho khai thác quốc tế khi thị trường hàng không toàn cầu đã mở cửa sau dịch COVID-19. Trong bối cảnh chi phí khai thác hàng không tăng cao bởi giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất biến động mạnh, bay nội địa chặng ngắn, giá vé lại bị khống chế trần, nên không hiệu quả bằng bay quốc tế.
Do đặc thù bay tăng cường, các sân bay trọng điểm như Tân Sơn Nhất (TPHCM), Nội Bài (Hà Nội) chỉ còn trống giờ cất/hạ cánh (slot) vào đêm hoặc rạng sáng, nên các vé giá thấp, vé bổ sung mới được các hãng tung ra thị trường hầu hết cho các chuyến bay khung giờ này.
Một nguồn tin của Tiền Phong cho hay, cuối tháng 3 vừa qua, khi nhận thấy nhu cầu khách đi lại tăng cao, vé máy bay được săn đón, Cục Hàng không đã họp với các hãng để lên lịch bay tăng cường. Thời điểm đó, đã có hãng hàng không kiến nghị hạn chế khai thác các chuyến bay tăng cường, vì các chuyến bay này thường phải bay “lệch đầu”. Điển hình với các chặng bay cao điểm kể trên, nếu khách đi từ các tỉnh về Hà Nội hay TPHCM, vé máy bay còn rất nhiều, giá dưới 1 triệu đồng/chiều.
Lo ùn tắc sân bay lớn
Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân dịp nghỉ lễ, Cục Hàng không vừa có Chỉ thị yêu cầu các đơn vị đang quản lý, khai thác sân bay cả nước xây dựng, triển khai phương án phục vụ khách và chống ùn tắc khu vực sân bay.
Cụ thể, các đơn vị phải bố trí nhân sự tăng cường, máy móc, thiết bị nhằm duy trì chất lượng dịch vụ và an ninh trật tự tại cảng hàng không, phục vụ tốt, an toàn các chuyến bay, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Trong đó, các đơn vị cần tập trung cho khu vực làm thủ tục lên máy bay (check-in), soi chiếu an ninh, trả hành lý… tránh ùn tắc và gây bức xúc cho hành khách, đặc biệt với sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Các đơn vị khai thác sân bay cũng được yêu cầu bố trí vị trí đỗ thuận lợi nhất cho các tuyến xe buýt để hành khách dễ nhận biết và sử dụng dịch vụ xe buýt, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất; phối hợp với các lực lượng địa phương để chống ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ sân bay; phòng chống dịch COVID-19…
Cục Hàng không cũng quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 tại các cảng hàng không, sân bay trọng điểm trong dịp nghỉ lễ sắp tới. Biện pháp này được áp dụng tại các sân bay: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Cam Ranh. Thời gian áp dụng từ ngày 29/4 tới hết 3/5. Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường phù hợp theo quy định.
Cục Hàng không cũng yêu cầu các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu người dân và điều kiện hạ tầng; hạn chế tối đa chậm chuyến, hủy chuyến; nghiêm túc thực hiện niêm yết, công bố công khai giá vé theo quy định.
Tiền phong