MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng không chậm, hủy chuyến: Chuyện không của riêng ai

12-08-2019 - 10:42 AM | Doanh nghiệp

Một thống kê của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cho thấy, tỷ lệ đúng giờ của các chuyến bay tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong nửa đầu năm 2019 chỉ đạt quanh mức 60-65%, tức là nếu có 10 chuyến bay thì sẽ có 3-4 chuyến bị trễ giờ.

Những thông báo về việc chậm, trễ chuyến đã trở thành chuyện mỗi ngày tại các sân bay ở các thành phố lớn Việt Nam, đặc biệt là Tân Sơn Nhất. Công suất thiết kế ban đầu của Tân Sơn Nhất đón 15-17 triệu hành khách/năm, sau này qua rất nhiều lần nâng cấp ở nhà ga T1 và T2, công suất thiết kế được nâng lên 28 triệu hành khách/năm.

Tuy nhiên, sản lượng hành khách vận chuyển tại Tân Sơn Nhất năm 2018 lên đến 38,3 triệu hành khách và 6 tháng đầu năm 2019 là hơn 20,47 triệu hành khách, theo số liệu của Cảng vụ Hàng không miền Nam. Tân Sơn Nhất đang bị quá tải cả ở dưới mặt đất và trên không.

Hàng không chậm, hủy chuyến: Chuyện không của riêng ai - Ảnh 1.

Thực tế khai thác của các hãng hàng không nội

Thị trường hàng không nội địa hiện có 5 hãng hàng không chính thức khai thác là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco và Bamboo Airways. Theo số liệu mới nhất do Cục Hàng không công bố, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện 29.939 chuyến bay, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018. Số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 26.006, chiếm tỷ lệ 86,9%, tăng 5,8 điểm so với cùng kỳ năm 2018.

Vietnam Airlines là hãng có số lượng chuyến bay khai thác tăng 3,3% so với cùng kỳ, tuy nhiên tỷ lệ đúng giờ (OTP) của hãng này là 86,4%, giảm 4,2 điểm % so với tháng trước và có số lượng chuyến bay hủy cao nhất với 17 chuyến chủ yếu do nguyên nhân thời tiết và khai thác. Jetstar Pacific có OTP thấp nhất trong các hãng với 82,7%, tăng 4,3 điểm so với tháng trước với 602 chuyến chậm, tương đương 17,3%, và không có chuyến hủy.

Vietjet có OTP 87,1%, tăng 8,4 điểm so với tháng 6, và 7 chuyến hủy, chiếm tỷ lệ 0,1%. Hãng hàng không mới gia nhập thị trường đầu năm nay là Bamboo có OTP 93,8%, với 103 chuyến bay chậm, tuy nhiên số lượng chuyến bay khai thác của Bamboo chỉ bằng 10% của Vietnam Airlines nên tỉ lệ đúng giờ dễ đạt cao hơn.

Hàng không chậm, hủy chuyến: Chuyện không của riêng ai - Ảnh 2.

Số liệu OTP (ontime performance - chỉ số bay đúng giờ) của các hãng hàng không nội địa 6 tháng đầu năm 2019

Số liệu của Cục hàng không cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bamboo và Vasco mỗi ngày khai thác 36-37 chuyến bay, có tỷ lệ delay ít nhất (dưới 7%). Trong khi đó, Vietnam Airlines mỗi ngày khai thác 294 chuyến bay, có tỷ lệ chậm chuyến khoảng 10,9% và Vietjet mỗi ngày khai thác 380 chuyến bay, có tỷ lệ chậm chuyến 18,5%. Riêng Jetstar "đội sổ" với tỷ lệ chậm chuyến là 21,9%. Trong số các lí do chậm chuyến, gần 60% là do tàu bay đến muộn, 23,8% là do các hãng hàng không, 11,8% đến từ trang thiết bị và dịch vụ tại Cảng, trong khi lý do thời tiết lại ít bị tác động nhất, chỉ chiếm 1,8%. Bóc tách lý do chậm chuyến của Vietjet, gần 18% đến từ trang thiết bị và dịch vụ tại Cảng, trong khi tỷ lệ này tại Vietnam Airlines chỉ tác động 6,36% và Jetstar, Bamboo chỉ 2,37%.

Những chuyến bay chậm, hủy chắc chắn có ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động của các hãng hàng không, gây ra thiệt hại cho hãng với rất nhiều chi phí phát sinh. Các hãng hàng không Việt Nam đều đang nỗ lực để cải thiện tình hình này.

Nỗi khổ hạ tầng

Quay trở lại câu chuyện của Tân Sơn Nhất, đó không chỉ là câu chuyện của riêng sân bay này, có những thời điểm máy bay phải bay vòng vòng "dạo chơi" trên trời để xếp hàng đáp xuống mặt đất.

Một thống kê của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cho thấy, tỷ lệ đúng giờ của các chuyến bay tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong nửa đầu năm 2019 chỉ đạt quanh mức 60-65%, tức là nếu có 10 chuyến bay thì sẽ có 3-4 chuyến bị trễ giờ. Con số này tại sân bay Đà Nẵng cải thiện hơn một chút, khoảng 64,6-86,7% số chuyến bay đúng giờ và tại sân bay Cam Ranh chỉ đạt 50%, tức là có 2 chuyến bay thì sẽ có 1 chuyến trễ giờ.

Hàng không chậm, hủy chuyến: Chuyện không của riêng ai - Ảnh 3.

Tỷ lệ đúng giờ tại các sân bay quá tải công suất (báo cáo của SAGS)

Theo báo cáo của SAGS, lý do các chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất trễ chuyến chủ yếu do kiểm soát không lưu (ATC), thời gian lăn taxi trung bình từ 20-45 phút. Các chuyến bay vào sáng sớm, tàu bay trong các khu vực đậu qua đêm không kéo ra được do các chuyến bay trước đó chưa taxi nên không còn bãi trống để kéo ra, hoặc trong khi kéo phải dừng chờ do kẹt kiểm soát không lưu…các lý do này dẫn đến việc trễ chuyến, kể cả các chuyến đến sớm từ Đà Nẵng, Hà Nội do kẹt ATC kéo theo các chuyến bay trễ trong ngày tạo thành hiệu ứng dây chuyền.

Tại sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh, nhà ga luôn bị quá tải trong các khung giờ cao điểm, thiếu quầy làm thủ tục, các bộ phận khác trong dây chuyền phục vụ mặt đất không bố trí đủ nhân sự để giải tỏa khách kịp thời dẫn đến khách không đến cửa khởi hành đúng giờ.

Nhìn ra thế giới

Có rất nhiều việc phải làm để cải thiện tình trạng chậm chuyến tại các sân bay. Tuy nhiên ở một góc độ khác, nếu nhìn ra thế giới sẽ thấy tỷ lệ đúng giờ của các hãng hàng không tên tuổi ở mức rất khiêm tốn. AirAsia tỷ lệ đúng giờ chỉ đạt 79,4%, Air France tỷ lệ đúng giờ 74,9%, British Airway chỉ đạt 71%, United Airlines 69%, Air Canada 69,2%...mà hạ tầng của các hãng hàng không này đều ở các nước phát triển.

Hàng không chậm, hủy chuyến: Chuyện không của riêng ai - Ảnh 4.

Số liệu của OAG

Nhìn nhận thực tế khi so sánh hạ tầng hàng không của Việt Nam để thấy các hãng hàng không đang rất nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ. Về hạ tầng cảng hàng không, Chính phủ cần mở rộng việc xã hội hóa cho tư nhân tham gia xây dựng mở rộng cảng hàng không, thúc đẩy nhanh tiến độ cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, công tác dự báo khi xây dựng cảng hàng không cũng cần được cải thiện, tránh tình trạng vừa xây xong đã quá tải công suất. Các hãng hàng không cũng phải hiện đại hóa quy trình, đào tạo cán bộ nhân viên và phối hợp với các công ty phục vụ mặt đất để nâng cao chất lượng phục vụ tốt hơn.

Với tốc độ mở cửa của nền kinh tế Việt Nam và việc mở rộng giao thương thông qua các Hiệp định thương mại tự do, ngành hàng không của Việt Nam không chỉ được hưởng lợi từ ngành du lịch mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các khu kinh tế trọng điểm. Do đó dư địa tăng trưởng của các hãng hàng không Việt Nam là rất lớn. Sắp tới đây ngành hàng không Việt Nam sẽ đón nhận nhiều gương mặt mới, sự canh tranh sẽ gay gắt hơn nhưng nhờ đó người tiêu dùng sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.

Châu Cao

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên