MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng không - du lịch tìm cách "bắt tay" để phát triển

Việc thiếu hụt máy bay trên toàn cầu cùng với biến động mạnh của tỉ giá, chi phí nhiên liệu khiến các hãng hàng không bị giảm năng lực cung ứng và phải điều chỉnh tăng giá vé máy bay, tác động bất lợi đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Trong ngắn hạn, việc hoàn thành mục tiêu năm 2024 của ngành du lịch (17-18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 ngàn tỉ đồng) trở nên đầy thách thức trong bối cảnh nước ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với những yếu tố bất lợi trong bức tranh khó khăn chung của du lịch toàn cầu. Trong khi đó, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm tỉ lệ rất cao so với các phương thức khác, lên đến gần 80%.

Trong bối cảnh đó, chiều 12-6, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân tổ chức hội thảo với chủ đề "Hàng không - Du lịch bắt tay liên kết phát triển bền vững" nhằm phân tích thực trạng phát triển của ngành hàng không, du lịch hiện nay cùng thảo luận để thiết lập các sáng kiến hợp tác một cách thực chất, hiệu quả và kiến nghị Chính phủ những giải pháp mới. Từ đó góp phần đưa ngành hàng không, du lịch vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, đại diện các cơ quan xúc tiến du lịch nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp và lãnh đạo các doanh nghiệp hàng không, du lịch, lữ hành,…

Hội thảo gồm hai nội dung chính: Phiên tham luận: Nghịch lý giá vé máy bay tăng, hãng hàng không và công ty du lịch vẫn khó khăn. Phiên thảo luận: Sáng kiến hợp tác thực chất, hiệu quả giữa địa phương, doanh nghiệp hàng không, du lịch; Phát triển hài hòa các phương tiện vận tải trong hoạt động du lịch và kiến nghị Chính phủ những giải pháp hỗ trợ.

Trên thực tế, giữa các doanh nghiệp trong ngành hàng không và du lịch luôn có sự cạnh tranh gay gắt, nhiều liên kết phát triển hàng không-du lịch đã bị phá vỡ bởi sự xung đột quyền lợi trong nội bộ một bên, hoặc sự xuất hiện của bên thứ ba. Các chuyên gia kinh tế nhận định, trước khi tìm giải pháp để tăng cường liên kết, hợp tác giữa hai ngành này, phải tìm được cơ chế kiểm soát trong chính nội bộ ngành. Điều này rất cần vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành là Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cùng các tổ chức xã hội-nghề nghiệp liên quan.

Hàng không - du lịch tìm cách

Khách du lịch quốc tế tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Phan Công

Hãng hàng không và các địa phương tăng cường liên kết

Để hướng tới hành động thực chất chứ không chỉ dừng lại ở thảo luận, trong khuôn khổ hội thảo, hãng hàng không và các địa phương đã xây dựng những giải pháp tăng cường liên kết, thu hút du khách và kích cầu du lịch nội địa. Tiêu biểu là hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ cung ứng gần 1 triệu chỗ bay đêm, khởi hành sau 21 giờ và trước 6 giờ hằng ngày trên nhiều đường bay nội địa, với mức giá khuyến mại rất hấp dẫn.

Vietnam Airlines đã xây dựng cơ chế hợp tác với ngành du lịch địa phương nhằm tạo ra sản phẩm hướng tới khách du lịch nội địa ngay trong cao điểm hè này. Theo đó, hãng đã đề xuất tới các tỉnh, thành phố kêu gọi, giới thiệu tới các công ty lữ hành-du lịch, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, điểm tham quan,… trên địa bàn mình cùng tham gia vào chiến dịch kích cầu các chuyến bay đêm. Đồng thời, công bố danh sách cơ sở cung ứng dịch vụ trên các phương tiện truyền thông để khách hàng nhận biết và chủ động đặt dịch vụ.

TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa là 2 địa phương đầu tiên đồng hành trong chiến dịch này của Vietnam Airlines. Theo thỏa thuận, từ nay đến cuối năm, Vietnam Airlines và các địa phương hợp tác phát động chương trình kích cầu du lịch, hãng hàng không triển khai thêm sản phẩm bay giờ sáng sớm và tối muộn với mức giảm lên đến 30% giá vé so với mức giá các chuyến bay vào giờ thông thường.

Theo Dương Ngọc

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên