MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng không, đường sắt... kiệt sức vì COVID-19

Hàng không, đường sắt... kiệt sức vì COVID-19

Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành đường sắt, hàng không... Các lĩnh vực kinh doanh vận tải đều đang đứng trước nguy cơ phải cứu trợ khẩn cấp.

Mới đây, ngành đường sắt đã đề xuất được vay ưu đãi 800 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn duy trì hoạt động trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Vietnam Airlines cũng vừa được một số ngân hàng thương mại cho vay 4.000 tỷ đồng những vẫn chưa thấm vào đâu so với số lỗ đang tăng lên mỗi ngày.

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, trong 2 năm 2020 - 2021, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến lỗ hơn 2.200 tỷ đồng, bằng khoảng 70% vốn chủ sở hữu. Đây được đánh giá là khó khăn chưa từng có trong lịch sử sản xuất kinh doanh của ngành này. Vì vậy, đề xuất được vay 800 tỷ đồng là giải pháp cấp bách để đảm bảo dòng tiền lúc này.

Hàng không, đường sắt... kiệt sức vì COVID-19 - Ảnh 1.

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, trong 2 năm 2020 - 2021, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến lỗ hơn 2.200 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: VGP)

"Chúng tôi đề xuất đây là gói vay chứ không phải cấp vốn và kỳ vọng có thể tiếp cận được gói vay không lãi suất. Vì nếu tiếp cận vốn vay của ngân hàng thì với tài chính hiện tại cũng sẽ rất khó khăn. Với các kịch bản của thị trường, khi thị trường hồi phục, trong 1 năm hoặc tối đa 2 năm có thể trả được khoản vay đó", Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho hay.

Cũng không ngoại lệ, dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp vận tải đường bộ sụt giảm khoảng 60% doanh thu trong năm 2020. Sang năm nay dự báo, các doanh nghiệp vận tải đường bộ sẽ còn khó khăn hơn khi vốn tích lũy đều đã mang ra để duy trì hoạt động.

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp vận tải lo lắng nhất là áp lực phải trả nợ sau 2 năm liên tiếp điêu đứng vì dịch bệnh.

Hàng không, đường sắt... kiệt sức vì COVID-19 - Ảnh 2.

Dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp vận tải đường bộ sụt giảm khoảng 60% doanh thu trong năm 2020. (Ảnh minh họa: NLĐ)

"Nhiều doanh nghiệp đang ở trong tình trạng báo động do họ phải vay vốn ngân hàng để mua sắm phương tiện cũng như trả lương cho đội ngũ nhân viên, lái xe. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để có giải pháp trong việc hỗ trợ đối với phí bảo trì đường bộ, cũng như các cơ chế chính sách có liên quan", Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền cho biết.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh thời điểm này đã khiến hầu hết các đường bay từ TP Hồ Chí Minh đến các địa phương trên cả nước đã phải tạm dừng hoặc khai thác hạn chế 1 - 2 chuyến/ngày. Ngành đường sắt cũng chỉ còn duy trì 1 đôi tàu Thống nhất mỗi ngày. Các doanh nghiệp vận tải khách đường bộ cũng đã dừng hoạt động nhiều tuyến.

Những giải pháp "cứu nguy" cho các đơn vị kinh doanh vận tải như giảm thuế, phí hay lãi suất vốn vay đang ngày càng cấp bách.

Theo Trần Hiền, Đức Chung

VTV.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên