Hàng không, đường sắt lại liêu xiêu
Chưa kịp “vớt vát” chút gì sau thiệt hại của đợt bùng phát dịch COVID-19 hồi tháng 3-4 vừa qua, các doanh nghiệp vận tải hành khách, đặc biệt là hàng không và đường sắt lại đối mặt khó khăn chồng chất của đợt dịch tái bùng phát lần này. Sau nửa đầu năm, số lỗ của các doanh nghiệp này đã lên tới chục nghìn tỷ đồng.
- 05-08-2020Cục Hàng không ra chỉ thị nóng về an toàn bay
- 30-07-2020Dự báo hàng không toàn cầu phục hồi sớm nhất vào năm 2024
- 24-07-2020Lý gì Samsung Việt Nam không mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam?
Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 2, nhà nhà hủy kế hoạch đi lại, nghỉ ngơi, các doanh nghiệp vận tải lại phải cắt giảm hoạt động. Cao điểm hè kết thúc bất ngờ, nhanh hơn dự kiến, thay vì kéo dài tới tháng 9.
Với đường sắt, chiều 5/8, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR) Trần Thiện Cảnh cho biết, trong 1 tuần vừa qua, lượng khách trả vé tương đương số tiền hoàn khoảng 25 tỷ đồng. Sau khi Đà Nẵng phát hiện các ca nhiễm COVID-19, từ ngày 28/7 tới 11/8, đường sắt tạm dừng chạy tàu khách đi/đến giữa Hà Nội/TPHCM - Đà Nẵng, không dừng đón, trả khách tại ga Đà Nẵng.
Do lo ngại dịch, nhiều khách hủy vé, nên đường sắt phải dừng khai thác trong tháng 8 với hơn 10 mác tàu vừa chạy thường lệ lại sau đợt tạm dừng hồi tháng 3, 4. Theo đó, từ ngày 1/8, đường sắt tạm dừng khai thác một số đôi tàu, như: SE11/SE12 (Hà Nội - Sài Gòn); NA1/NA2 (Hà Nội - Vinh), SP3/SP4 (Hà Nội - Lào Cai); SE21/SE22 (Sài Gòn - Quảng Nam); SQN1/SQN2 (Sài Gòn - Quy Nhơn)... Một số tàu khu đoạn như Hà Nội - Yên Bái, Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Phan Thiết... cũng giảm tần suất khai thác từ hằng ngày xuống chỉ chạy cuối tuần.
Với hàng không, trước khi dịch tái bùng phát, mạng bay nội địa tăng so với cùng kỳ năm trước hơn 10%, nhưng chỉ được ít ngày. Đợt dịch bùng phát lần này, hàng không tiếp tục chịu tác động mạnh nhất. Toàn bộ đường bay đi/đến Đà Nẵng tạm dừng hoạt động từ ngày 28/7 tới hết ngày 11/8.
Trước khi dừng, riêng sân bay này, các hãng trong nước khai thác 11 đường bay, với xấp xỉ 100 chuyến đến/ngày; bình quân mỗi ngày có khoảng 40.000 khách đi/đến Đà Nẵng. Cùng với đó, các chặng bay chở nhiều khách du lịch đi/đến Phú Quốc, Nha Trang, Huế, Quy Nhơn... cũng phải giảm tần suất do khách hủy chuyến. Từ câu chuyện khan hiếm vé nay trên mạng và trang của các hãng, vé rẻ vẫn “ế” ít người mua. Các hãng tính toán, hiện lượng khách đã giảm khoảng 30% so với thời điểm trước khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng.
Tê liệt vì lỗ nặng
Cty CP Hàng không Vietjet vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2020 và 6 tháng đầu năm. Theo đó, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ nhất được khống chế, hãng đã mở 52 đường bay nội địa, với 14.000 chuyến bay, chuyên chở hơn 2 triệu lượt khách. Dù vậy, trong quý vừa qua, doanh thu vận tải hàng không của Vietjet chỉ đạt 1.970 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ, và lỗ 1.122 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, hãng lỗ trong hoạt động vận tải hàng không 2.111 tỷ đồng.
Với Vietnam Airlines, lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2020, hãng đạt doanh thu gần 25.000 tỷ đồng, lỗ hơn 6.500 tỷ đồng. Trước đó, khi chưa có đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 2, Vietnam Airlines tính toán sản lượng khai thác cả năm nay giảm khoảng 48% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng; lỗ gần 20.000 tỷ đồng (sau cắt giảm chi phí còn lỗ khoảng 15.000-16.000 tỷ đồng). Nay dịch tái bùng phát lần thứ 2, con số ước tính này có thể sẽ thay đổi lớn hơn vào cuối năm.
Tới nay, Bamboo Airways vẫn chưa công bố số liệu kinh doanh của nửa đầu năm nay, còn theo một con số được lãnh đạo hãng này công bố thì riêng trong quý I/2020, hãng lỗ hơn 1.500 tỷ đồng. Tương tự, với Pacific Airlines (tiền thân là Jetstar Pacific Airlines) dự kiến sản lượng và doanh thu cả năm 2020 cũng giảm tương ứng 64% so với cùng kỳ năm trước, lỗ 1.200 tỷ đồng.
Với đường sắt, lãnh đạo VNR cho biết, trong nửa đầu năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách đi tàu chỉ đạt hơn 2 triệu lượt, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước. VNR dự kiến, doanh thu hợp nhất 7 tháng đầu năm đạt hơn 3.600 tỷ đồng, lỗ hơn 725 tỷ đồng.
Cho đến thời điểm này, các hãng hàng không và đường sắt tiếp tục áp dụng chính sách miễn phí đổi ngày, đổi chặng, bảo lưu vé, hoặc hoàn vé cho những chuyến bay, chuyến tàu đã tạm dừng khai thác. Cùng với đó, các doanh nghiệp tăng cường áp dụng biện pháp phòng chống dịch bệnh trên máy bay, khoang tàu...
Tiền phong