MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Hàng lạ" mới lên sàn tuần qua vẫn nóng

Làn sóng “lên sàn tăng trần” có vẻ đã yếu đi sau cơn sốt cuối năm 2016. Trong tuần qua, thêm nhiều gương mặt mới lên sàn nhưng chỉ có những "hàng lạ" mới làm nóng dòng tiền.

Trong 2 tuần đầu tiên của năm mới 2017, nhiều “khủng long” lên sàn nhưng đã không thể hâm nóng được dòng tiền và nhanh chóng suy yếu, ví dụ như Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, VGT), Tổng công ty thủy sản Việt Nam (Seaprodex, SEA).

Cũng trong tuần qua, sàn chứng khoán đón thêm nhiều gương mặt mới và sự phân hóa đã diễn ra rõ ràng khi có những cổ phiếu được chào đón nhiệt liệt và tăng trần, ngược lại có những cổ phiếu giảm sàn. Nhìn chung, “hàng lạ” vẫn nóng.

CTCP Đầu tư Phát triển Sài Gòn Co.op (SID)

Lên sàn ngay đầu tuần, vào ngày 09/01 với giá tham chiếu 20.900 đồng, SID đã tăng trần 5 phiên lên tục lên 50.800 đồng. Tại mức giá này, SID có vốn hóa hơn 5.800 tỷ đồng và P/E gần 60 lần.

SCID gắn liền với tên tuổi của một đại gia bán lẻ Việt Nam. Công ty này là thành viên của Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) – nhà bán lẻ có tiếng với chuỗi siêu thị Co.opMart, được thành lập tháng 4/2007 do Saigon Co.op sở hữu 85% cổ phần chi phối ban đầu. Bên cạnh chức năng chính là phát triển độc quyền hệ thống siêu thị Co-opMart, SCID còn tập trung vào lĩnh vực đầu tư, xây dựng và quản lý khu phức hợp, trung tâm thương mại. Tính đến cuối năm 2015, Saigon Co.op đã nâng tỷ lệ sở hữu tại SCID lên 93,57%.

Doanh thu của SCID năm 2015 đạt 244,55 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với năm 2014. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thu về chỉ 97,5 tỷ đồng giảm mạnh so với hơn 121,4 tỷ đồng đạt được năm 2014. Tính đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu công ty đạt 2.069 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 2.289 tỷ đồng tương ứng giá trị sổ sách hơn 21.000 đồng/cp.

FPT Telecom (FOX)

Lên sàn UPCoM vào ngày 13/01/2017 với giá tham chiếu 54.000 đồng/cp, mã chứng khoán FOX của FPT Telecom đã tăng trần với biên độ 40% lên 75.600 đồng.

FPT Telecom là 1 trong 3 nhà cung cấp dịch vụ internet lớn nhất tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Cục Viễn thông, năm 2015 FPT Telecom chiếm 25,4% thị phần thuê bao internet cáp quang trên toàn quốc.

Hiện tại, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm 50,16% vốn điều lệ của FPT Telecom, còn 45,65% được nắm bởi CTCP FPT (mã FPT). Động thái đưa FPT Telecom lên sàn chứng khoán được cho là bước khởi đầu cho việc thoái vốn của SCIC theo kế hoạch.

Mặc dù có nhiều lĩnh vực mới nổi lên nhưng FPT Telecom vẫn luôn là đơn vị thành viên đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của toàn tập đoàn FPT.

Theo bản công bố thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2016, công ty mẹ của FPT Telecom đạt 3.950 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 509 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Báo cáo hợp nhất ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 662 tỷ đồng và giá trị sổ sách đạt 23.924 đồng. Công ty này cũng thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ trên 20%, chưa kể cổ tức bằng cổ phiếu.

CTCP Đạt Phương (DPG)

Đạt Phương lên sàn vào ngày 12/01 và đã có 1 phiên chào sàn tăng trần lên giá 43.400 đồng. Là một công ty xây dựng nhỏ với vốn điều lệ gần 66 tỷ đồng, Đạt Phương gây chú ý bởi kết quả kinh doanh đáng ngạc nhiên. Tổng doanh thu năm 2015 của công ty gần 2.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là doanh thu từ hợp đồng xây dựng, chiếm tỷ trọng trên 94%, lợi nhuận gộp từ mảng này cũng đạt trên 233 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cả năm thu về gần 153 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ trên 139 tỷ đồng. EPS đạt 19.571 đồng.

Tính đến thời điểm cuối năm 2015, tổng cộng tài sản công ty Đạt Phương đạt trên 2.011 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu gần 500 tỷ đồng trong đó vốn góp chủ sở hữu 65,87 tỷ đồng.

Hiện tại, số lượng các doanh nghiệp xây dựng trên sàn chứng khoán chưa nhiều, nổi bật chỉ có CTD, HBC, PHC. Trong khi đó, các cổ phiếu nhóm này vẫn đang được ưa chuộng. HBC, PHC tăng liên tục trong thời gian gần đây. Và Đạt Phương là một sự mới mẻ cho những nhà đầu tư ưa thích nhóm này.

Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor, VIF)

Chào sàn ngày 12/01 và tăng trần 2 phiên liên tục, VIF đang có giá 16.300 đồng/cp. Tại mức giá này, VIF có giá trị vốn hóa hơn 5.700 tỷ đồng và P/E gần 20 lần.

Trong số 350 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch của Vinafor có gần 141 triệu cổ phiếu đang bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định. Số cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng bao gồm 140 triệu cp của cổ đông chiến lược CTCP tập đoàn T&T bị hạn chế chuyển nhượng 5 năm từ 1/9/2016 đến 31/8/2021, còn lại là của Công đoàn và nhân viên của Tổng công ty.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên