MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt cây xăng rút khỏi thị trường, nguồn cung có thiếu hụt?

Thời gian qua, nhiều cây xăng trên cả nước phải đóng cửa khi các doanh nghiệp phân phối trả giấy phép, rút khỏi thị trường.

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, đến hết tháng 3, cả nước còn 15.935 cây xăng, từ ngưỡng 17.000 cây vào cuối năm ngoái, nghĩa là 1.065 cây xăng đã đóng cửa.

Trên thực tế, gần đây, Bộ Công Thương cũng thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của hàng loạt doanh nghiệp. Quyết định được thực hiện theo nguyện vọng xin hoàn lại giấy phép của doanh nghiệp.

Trước thực trạng này, nhiều người lo ngại nguồn hàng xăng dầu sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), điều này sẽ không xảy ra. Vì số lượng cây xăng đóng cửa chỉ chiếm khoảng hơn 6%, không quá nhiều.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhà nước như: Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec); Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil); Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigonpetro)…đã phủ sóng gần 80% thị trường nên vẫn đảm bảo được an ninh năng lượng trong nước.

" Chính phủ, Bộ Công Thương đã nhiều lền yêu cầu doanh nghiệp chủ động dự trữ để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, không để thiếu hụt xăng dầu trên thị trường ”, ông Dũng nói.

Hàng loạt cây xăng rút khỏi thị trường, nguồn cung có thiếu hụt?- Ảnh 1.

Thời gian qua, nhiều cây xăng đóng cửa vì kinh doanh thua lỗ. (Ảnh minh họa: Minh Đức).

Đồng quan điểm, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, cũng đồng tình cho rằng, việc hàng loạt cây xăng vừa rút khỏi thị trường không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung ứng xăng dầu.

Tuy nhiên, ông Bảo nêu ý kiến, đã đến lúc chúng ta nên để cho việc kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Vì đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và cũng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nên để xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước và không nên để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ ”, ông Bảo nói.

Vì sao hàng loạt doanh nghiệp ngừng kinh doanh?

Nói về thực trạng nhiều doanh nghiệp xăng dầu xin trả lại giấy phép khiến các cây xăng dừng hoạt động, ông Bùi Ngọc Bảo lý giải, khi giá dầu thế giới tăng, hàng tồn kho của mình nhiều thì doanh nghiệp xăng dầu có lãi. Nhưng khi giá dầu thế giới xuống, lượng hàng tồn kho nhiều thì càng khiến các doanh nghiệp trong nước thua lỗ.

Việc này không chỉ bây giờ mới diễn ra mà đã cả vài năm nay bởi thị trường lên xuống thất thường, gây bất ổn cho doanh nghiệp, khiến hoạt động kinh doanh lãi không tương xứng, lỗ thì lại nặng nề, cộng với những quy định ngày một chặt chẽ hơn như hóa đơn điện tử cũng đều phải có chi phí để đầu tư.

" Lợi nhuận kinh doanh xăng dầu thời gian qua của nhiều doanh nghiệp gần như bằng 0. Ngoài ra, ngân hàng đánh giá rủi ro trong kinh doanh xăng dầu nghiêm ngặt hơn nên các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn vay ", ông Bảo nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Trung Dũng khẳng định, chưa bao giờ doanh nghiệp xăng dầu khó khăn như hiện nay. Ông Dũng dẫn chứng một cây xăng mỗi ngày bán được 1.000 lít, do chiết khấu quá thấp nên mới lãi được 400.000 đồng, trong khi cây xăng phải đầu tư tiền tỷ.

“Khi chiết khấu thấp, kinh doanh không hiệu quả thì đóng cửa là chuyện bình thường, đó là quy luật thị trường. Ở thời điểm hiện tại, mức chiết khấu không còn thấp nữa, nhưng mức chiết khấu thấp kéo dài từ năm 2022 - 2023 cũng đã ngấm sâu, đủ tác động mạnh đến các doanh nghiệp ”, ông Dũng nói.

Còn ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) cũng cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, công ty của ông và nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác thường xuyên thua lỗ do chiết khấu của doanh nghiệp đầu mối, phân phối cho doanh nghiệp bán lẻ rất thấp, thậm chí âm nếu tính các chi phí vận chuyển, nhân công...

“Do vậy, nhiều cửa hàng xăng dầu đã phải đóng cửa vì càng bán càng lỗ”, ông Thắng nói.

Theo Phạm Duy

VTC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên