MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt chính sách mới quan trọng có hiệu lực từ tháng 12/2020

30-11-2020 - 20:30 PM | Xã hội

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngân hàng sẽ phải cung cấp tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế; khai sai số tiền mang khi xuất cảnh bị phạt đến 50 triệu, giảng viên đại học công lập hưởng lương đến 11,92 triệu đồng/tháng... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12-2020.

Khai sai số tiền mang khi xuất cảnh bị phạt đến 50 triệu

Nghị định 128 của Chính phủ có hiệu lực từ 10-12, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định các mức phạt đối với người xuất cảnh không khai, khai sai số tiền, vàng mang ra nước ngoài vượt quá mức quy định.

Cụ thể, người xuất cảnh bị phạt 1-3 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị 5-10 triệu đồng; Phạt 5-15 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 30 đến dưới 70 triệu đồng; Phạt 15-25 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 70 đến dưới 100 triệu đồng; Phạt 30-50 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Làm mất hóa đơn bị phạt đến 10 triệu đồng

Nghị định 125/2020 xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12, trong đó có quy định mức phạt đối với hành vi làm mất hóa đơn.

Cụ thể, phạt cảnh cáo nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng có tình tiết giảm nhẹ; làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế.

Trường hợp làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và có tình tiết giảm nhẹ sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng.

Phạt từ 4 - 8 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập; Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Phạt từ 5 - 10 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn không thuộc các trường hợp trên…

Giảng viên đại học công lập hưởng lương đến 11,92 triệu đồng/tháng

Căn cứ Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT ngày 26-10-2020, chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy tại các trường đại học công lập bao gồm: Giảng viên cao cấp, Giảng viên chính, Giảng viên, Trợ giảng.

Theo đó, giảng viên cao cấp áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00. Lương cơ sở năm 2021 là 1,49 triệu/tháng nên mức lương cụ thể từ 9,238 triệu đồng/tháng - 11,92 triệu đồng/tháng. Quy định này có hiệu lực từ ngày 12-12.

Viên chức công nghệ thông tin có hệ số lương đến 8,0

Cách xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin trong các đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Thông tư 29/2020/TT-BTTTT.

Trong đó, chức danh an toàn thông tin hạng I, quản trị viên hệ thống hạng I, kiểm định viên công nghệ thông tin hạng I, phát triển phần mềm hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) có 6 bậc, từ 6,20 đến 8,00…

Những chính sách trên đều có hiệu lực từ 12.12.2020.

Tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 quý đầu không được thấp hơn 75%

Cũng theo Nghị định 126 nêu trên, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.

Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Như vậy, hết ngày 31-10 hàng năm, số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm; nếu nộp thấp hơn doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền chậm nộp.

Xử lý người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực

Nghị định 130 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã đề cập đến việc xử phạt hành vi kê khai không trung thực, có hiệu lực từ 20-12.

Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Cụ thể, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ sẽ không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

Ngoài ra, người kê khai không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Hồng Vân - Hoài Linh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên