MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt cổ phiếu dệt may lập đỉnh mới bất chấp thị trường chứng khoán ảm đạm

Trong phiên 13/11, khi Vn-Index giảm 1,4%, các cổ phiếu dệt may như TNG, GMC, TDT đều leo lên mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết tới nay.

Sau khi tạo đỉnh 1.200 điểm vào đầu tháng 4, TTCK Việt Nam đã trải qua nhịp điều chỉnh kéo dài và chỉ số Vn-Index hiện dao động quanh ngưỡng 900 điểm, tương ứng mức điều chỉnh 25%. Mặc dù thị trường chung đang trải qua giai đoạn khó khăn nhưng vẫn xuất hiện những nhóm cổ phiếu ngược dòng tăng điểm, tiêu biểu là nhóm dệt may.

Các cổ phiếu ngành dệt may không chỉ có diễn biến tích cực hơn mặt bằng chung thị trường mà thậm chí nhiều cổ phiếu còn lập đỉnh mới. Riêng trong phiên 13/11, khi Vn-Index giảm 1,4%, các cổ phiếu dệt may như TNG, GMC, TDT đều leo lên mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết tới nay. Vậy điều gì đã khiến cổ phiếu ngành dệt may có diễn biến khả quan như vậy?

Hàng loạt cổ phiếu dệt may lập đỉnh mới bất chấp thị trường chứng khoán ảm đạm - Ảnh 1.

Các cổ phiếu dệt may đồng loạt lập đỉnh mới, bất chấp thị trường chung điều chỉnh

Hưởng lợi từ các hiệp định thương mại

Ngành dệt may được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, đặc biệt trong giai đoạn 2019-2020 nhờ vào các yếu tố hỗ trợ (1) lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công và ưu đãi đầu tư của Chính phủ đối với ngành (2) Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA), trong đó dệt may được đánh giá là một trong số những ngành được hưởng lợi lớn nhất.

Trong những năm trước, hàng loạt doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đã đẩy mạnh mở rộng công suất, đầu tư nhà máy đáp ứng quy tắc xuất sứ "từ sợi trở đi" nhằm đón đầu các hiệp định thương mại. Khi CPTPP, EVFTA được thông qua sẽ là cú huých lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt ngành hàng dệt may khi đã có sự chuẩn bị đầy đủ.

Bên cạnh đó, yếu tố hỗ trợ nổi bật nữa là câu chuyện chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam với 12,2 tỷ USD (tương đương gần 50% tổng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ra thế giới). Hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ hiện đang chịu mức thuế từ 8-10% nhưng được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại nhờ hai khía cạnh.

Thứ nhất, là đồng NDT mất giá mạnh so với USD, qua đó NDT cũng mất giá so với VND giúp các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn.

Thứ hai, là các ngành này của Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn khi Trung Quốc bị áp thuế.

Xuất khẩu dệt may kỷ lục, các doanh nghiệp đồng loạt báo lãi lớn

Năm 2018 có thể coi là năm đại thắng với ngành dệt may. Số liệu tổng cục hải quan cho biết, trong 10 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu sản phẩm dệt may, xơ sợi Việt Nam đạt 28,5 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm thậm chí vượt qua cả năm 2015, năm 2016 và bằng xấp xỉ năm 2017 cho thấy bức tranh tươi sáng của ngành dệt may.

Hàng loạt cổ phiếu dệt may lập đỉnh mới bất chấp thị trường chứng khoán ảm đạm - Ảnh 2.

Giá trị xuất khẩu dệt may tăng mạnh trong năm 2018

Báo cáo KQKD 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết cũng cho thấy những con số hết sức khả quan. Các doanh nghiệp như May Thành Công (TCM), TNG, May Sài Gòn (GMC), Gilimex (GIL),…hầu hết đều hoàn thành vượt kế hoạch năm 2018 chỉ sau 3 quý.

Không chỉ các "cựu binh" trên sàn ghi dấu ấn mà ngay cả "tân binh" mới niêm yết là TDT cũng ghi nhận 17 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng hoàn thành 85% chỉ tiêu năm 2018. Trong năm 2018, TDT đã phát triển thêm được nhiều khách hàng mới như Evolution, Premier…, chiếm khoảng 15% đơn hàng cả năm. Năm 2019, công ty dự kiến đơn hàng từ các khách hàng mới sẽ tăng lên 25% tổng doanh thu.

Trong thời gian tới, công ty sẽ có nhiều dự án mở rộng công suất để đáp ứng đơn hàng. Cụ thể, trong tháng 12/2018, dự án mở rộng xưởng may Điềm Thụy với quy mô 12 chuyền may chất lượng cao sẽ hoàn thành. Trong năm 2019 – 2020, TDT sẽ xay dựng xí nghiệp May Đại Từ với quy mô 24 chuyền may (2.000 lao động) và dự án Trung tâm phát triển thời trang Thịnh Đức. Theo đánh giá của CTCK BSC, biên lợi nhuận gộp của TDT hiện duy trì trên 20%, tương đối cao so với các doanh nghiệp trong ngành và vẫn còn khả năng cải thiện khi nhà máy mới được đưa vào hoạt động.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên