Hàng loạt cổ phiếu tăng gấp đôi gấp ba thậm chí tăng gấp 10 lần trong thời gian ngắn
Nhiều cổ phiếu đã tăng sốc từ đầu năm đến nay dù phần lớn mã chứng khoán trên thị trường giảm điểm.
Từ sự kiện cổ phiếu HAP của Tập đoàn Hapaco tăng trần 12 phiên liên tiếp, cùng nhìn lại những cổ phiếu tăng mạnh giai đoạn vừa qua.
Trên thực tế, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 khiến kết quả kinh doanh giảm sút, giá cổ phiếu cũng ảnh hưởng. Tuy vậy, ngược dòng thị trường, vẫn có rất nhiều cổ phiếu tăng mạnh, thậm chí tăng nhiều lần kể từ đầu năm.
Hapaco – điểm nhấn mới nhất
Cổ phiếu HAP của Tập đoàn Hapaco đã tăng trần 12 phiên liên tiếp dù lãnh đạo công ty đã lên tiếng khẳng định là do cung cầu thị trường, ngoài tầm kiểm soát, Công ty không có sự tác động đến giá giao dịch trên thị trường. Hapaco đã tăng từ vùng giá 3.000 đồng/cổ phiếu lên gần mức 7.000 đồng/cổ phiếu dù trước đó một thời gian rất dài duy trì quanh mức 3.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu HAP trong 6 tháng gần đây.
Hapaco là 1 trong 3 mã chứng khoán lên sàn đầu tiên từ năm 2000 cùng với REE và SAM. Kết quả kinh doanh, tình hình hoạt động của công ty không có đột biến nào. Tuy nhiên, gần đây, tại buổi họp ngày 22/7/2020 vừa qua nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày công ty tham gia thị trường chứng khoán, lãnh đạo Hapaco đã tiết lộ một số chủ trương đầu tư sắp tới.
Theo đó Hapaco dự kiến thực hiện các dự án đầu tư phát triển như sản xuất giấy tissue, bệnh viện đa khoa quốc tế Việt – Hàn và các dự án bất động sản khác. Chi tiết cụ thể, tổng vốn đầu tư 5 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 2.800 tỷ đồng - đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu HAP bất ngờ tăng mạnh, thanh khoản cũng tăng đáng kể với hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
DAT xác lập kỷ lục về chuỗi tăng trần 39 phiên liên tiếp
Nhắc đến những cổ phiếu tăng đột biến trong giai đoạn dịch bệnh, nhà đầu tư cũng không thể quên cổ phiếu DAT của CTCP Đầu tư du lịch và phát triển thủy sản (Trisedco). Từ lúc đang giao dịch quanh ngưỡng giá 7.000 đồng/cổ phiếu, DAT đã có 39 phiên tăng trần liên tiếp từ 19/6/2020 đến 12/8/2020. Giá cổ phiếu DAT xác lập mức cao nhất ở mức 92.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng khoảng 13 lần chỉ sau gần 2 tháng. Đây cũng được xem là chuỗi tăng trần dài nhất, xác lập kỷ lục mới của Thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trên thực tế, dù tăng trần chuỗi rất dài, nhưng thanh khoản cổ phiếu DAT vẫn rất thấp. Trước chuỗi tăng trưởng này, cổ phiếu DAT duy trì giao dịch dưới 20.000 đồng/cổ phiếu. Và thậm chí giai đoạn nửa đầu năm 2020 đã từng bước giảm mạnh từ xấp xỉ 20.000 đồng/cổ phiếu xuống đến dưới 7.000 đồng/cổ phiếu (thời điểm cuối tháng 5/2020).
Đáng chú ý, sau chuỗi 39 phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu DAT đã lại giảm sốc với 6 phiên giảm sàn trong tổng số 7 phiên giao dịch tiếp sau đó. Hiện DAT giảm về xấp xỉ 60.000 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, giá này vẫn còn gấp gần 9 lần so với thời điểm bắt đầu tăng giá.
Trisedco là công ty con của CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (mã chứng khoán IDI) – do IDI sở hữu 79,25% vốn điều lệ. Ngoài ra, công ty mẹ của IDI là Tập đoàn Sao Mai cũng sở hữu 3,94% vốn. Đồng thời một số lãnh đạo các công ty này cũng nắm giữ cổ phiếu DAT.
Trisedco là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến hải sản với sản phẩm chính là bột cá và mỡ cá. Trong chiến lược phát triển, Trisedco cho biết sẽ liên kết với các đơn vị thành viên khác trong tập đoàn Sao Mai để tạo lợi thế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ.
Kết quả kinh doanh, năm 2019, Trisedco đạt doanh thu 2.493 tỷ đồng, tăng 57% và lợi nhuận sau thuế 62,3 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước. Dù vậy, năm 2020, công ty đặt kế hoạch khá thấp với doanh thu chỉ còn 2.000 tỷ đồng, giảm 20% và lợi nhuận sau thuế 40 tỷ đồng, giảm 36%. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trisedco chỉ đạt 18,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước.
Cổ phiếu một doanh nghiệp khử trùng tăng mạnh
Dịch Covid-19 lan rộng và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong số đó, một số doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng liên quan đến vật tư y tế, khử trùng khử khuẩn... lại đang có một số lợi thế nhất định. Dù chưa phản ánh được vào kết quả kinh doanh, tuy nhiên nhờ tâm lý của nhà đầu tư, mà giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành này lại có xu hướng tăng, ngược lại với xu hướng chung của thị trường.
Đối với CTCP Thuốc sát trùng Việt Nam (Vipesco – mã chứng khoán VPS) là một ví dụ. Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt hơn 212 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận trước thuế giảm 30% xuống còn 7 tỷ đồng.
Dù kết quả kinh doanh không thuận lợi, nhưng trên thị trường cổ phiếu VPS lại vừa trải qua giai đoạn tăng mạnh. Đã có lúc xuống dưới ngưỡng 8.000 đồng/cổ phiếu, VPS bất ngờ có 14 phiên tăng trần trong tổng số 15 phiên giao dịch kể từ ngày 27/7/2020, giúp giá cổ phiếu VPS xác lập đỉnh mới ở mức 21.550 đồng/cổ phiếu, gấp gần 3 lần trước khi tăng.
Tuy nhiên, ngay sau đó VPS đã giảm sàn 5 phiên liên tiếp về vùng giá 15.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu QNC cũng có chuỗi 12 phiên tăng trần liên tiếp
Một cổ phiếu có chuỗi tăng trần liên tiếp dài nữa là QNC của CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh. QNC có 12 phiên tăng trần liên tiếp từ đầu tháng 8 đến ngày 18/8/2020. Giá cổ phiếu QNC giai đoạn đó cũng tăng từ 3.300 đồng/cổ phiếu lên 9.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng gần gấp 3 lần chỉ trong vòng nửa tháng.
Tuy nhiên ngay sau đó QNC giảm sàn 2 phiên và ổn định trở lại, hiện giao dịch quanh mức 8.000 đồng/cổ phiếu.
Giá cổ phiếu QNC tăng có thể một phần đến từ kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020 của công ty. Doanh thu thuần 6 tháng đạt 712 tỷ đồng tăng 22,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gấp 5 lần nửa đầu năm ngoái, lên trên 61 tỷ đồng chủ yếu nhờ chi phí giá vốn giảm. Kết quả này cũng giúp công ty vượt xa kế hoạch về lợi nhuận đặt ra cho cả năm.
Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu từ sản xuất kinh doanh xi măng vẫn đóng góp khoảng 60%, đạt 430 tỷ đồng. Còn lại là doanh thu sản xuất than, than giao thầu, sản xuất đá và thương mại. Phía công ty cho biết, lợi nhuận quý 2 và 6 tháng đầu năm tăng mạnh do công ty tiết giảm và sử dụng hiệu quả điện năng, giảm chi phí đồng bộ trong các khâu sản xuất, đầu tư mới, thay thế và nâng cấp máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất...
Thêm loạt cổ phiếu tăng mạnh thời gian qua
Nếu điểm danh các cổ phiếu tăng mạnh thời gian qua, cũng không thể bỏ qua cổ phiếu HCI của CTCP Đầu tư Xây dựng Hà Nội (Hanic). "Hành trình" tăng giá của HCI, từ lúc duy trì giao dịch ở mức 10.800 đồng/cổ phiếu trong thời gian dài, HCI bắt đầu tăng đột biến từ 24/6/2020 với 9 phiên tăng trần trong tổng số 11 phiên giao dịch. Chuỗi này giúp HCI xác lập đỉnh mới ở mức 37.400 đồng/cổ phiếu (đóng của phiên giao dịch ngày 8/7/2020), tương ứng mức tăng gần gấp 3,5 lần. Từ đó đến nay HCI vẫn duy trì mức giá này.
Diễn biến giá cổ phiếu HCI trong 6 tháng gần đây.
Nhà đầu tư không chú ý tới cổ phiếu HCI vì thanh khoản rất thấp, thậm chí có những chuỗi ngày dài không có cổ phiếu khớp lệnh.
Hancic là doanh nghiệp thành lập năm 2006, hiện có vốn điều lệ 52,32 tỷ đồng. Công ty đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, môi giới bất động sản, lập và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, tư vấn và tổ chức thực hiện các dự án xây dựng, triển khai các hoạt động thi công xây lắp hệ thống điện, các công trình thi công - xây lắp công nghiệp và dân dụng, kinh doanh vật liệu xây dựng,...
Kết quả kinh doanh của Hancic cũng không có gì nổi bật, thậm chí còn đang thua lỗ. Năm 2019 doanh thu công ty đạt 20,5 tỷ đồng, tăng gần 37% so với năm trước đó. Tuy vậy, trừ đi các loại chi phí phát sinh, Hanic vẫn lỗ hơn 1,2 tỷ đồng trong năm – lớn hơn cả số lỗ gần 800 triệu đồng ghi nhận trong năm 2018. Tính đến hết năm 2019 Hancic còn khoản lỗ lũy kế hơn 12 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 209 tỷ đồng, còn nợ phải trả 141 tỷ đồng.
Cổ phiếu PTL của Petroland vừa tạo nên ấn tượng với các nhà đầu tư khi có 4 phiên tăng trần liên tiếp gần đây nhất. Hiện PTL đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/8/2020 ở mức 6.360 đồng/cổ phiếu. Nguyên nhân PTL tăng trần cũng có thể đến từ việc Tổng Công ty Dầu Việt Nam OIL) quyết đinh thoái toàn bộ 9% vốn tại Petroland.
Petroland hiện đang tồn tại khá nhiều vấn đề nội bộ. Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của công ty diễn ra ngày 15/5/2020 đã không thông qua nhiều vấn đề, trong đó có báo cáo của HĐQT về thực hiện nhiệm vụ 2019 và kế hoạch năm 2020, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2019 và kế hoạch 2020, phương án bổ sung ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo về việc đề xuất chuyển chế độ làm việc đối với thành viên HĐQT.
Bên cạnh đó, "cặp đôi" cổ phiếu ngành khu công nghiệp là SZL và SZC cũng có mức tăng ấn tượng từ đầu năm. Một điểm đáng chú ý, là thanh khoản thị trường của cặp đôi này rất lớn với hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Một cổ phiếu ngành vật tư y tế cũng có mức tăng giá mạnh nửa là cổ phiếu DNM của Vật tư Y tế Danameco. DNM đã tăng từ dưới 10.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên đỉnh mới được xác lập vào ngày 3/8/2020 là 73.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng khoảng 7 lần. Trong đó có chuỗi 6 phiên tăng trần liên tiếp. Hiện DNM đã giảm giá về mức 57.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu DNM trong 1 năm gần đây.
Không tăng đột biến bằng các chuỗi tăng trần, nhưng những cổ phiếu có mức tăng mạnh so với thời điểm đầu năm 2020 còn rất nhiều, trong đó có thể kể đến như CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long (Thăng Long Deco – mã chứng khoán TLD) với mức tăng khoảng gấp 3 lần từ đầu năm. DGW của Thế giới số, DBC của Tập đoàn Dabaco, SWC của Sowaco, DTN của CTCP Diêm Thống Nhất, DBT của Dược phẩm Bến Tre, AFX của Nông sản thực phẩm An Giang, PYU của Môi trường và Đô thị Phúc Yên, DTC của Viglacera Đông Triều, DAC của Viglacera Đông Anh với chuỗi 8 phiên tăng trần liên tiếp.
Những cổ phiếu tăng sốc - giảm sâu
Một trong những cổ phiếu có "đồ thị" biến đổi liên tục phải kể đến cổ phiếu EMC của Cơ điện Thủ Đức. Bắt đầu biến động từ 1/6/2020, đang duy trì giao dịch quanh mức 10.800 đồng/cổ phiếu, EMC tăng vọt lên mức giá 19.000 đồng/cổ phiếu chỉ mấy tuần sau đó (đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/6/2020).
Tuy nhiên đà tăng không giữ được lâu, EMC nhanh chóng giảm mạnh về luôn dưới mệnh giá cũng chỉ trong vòng hơn 1 tháng (đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/7/2020). Những tưởng EMC khó có thể phục hồi ngay lại, thì cổ phiếu này tiếp tục tạo bất ngờ khi không lâu sau đó lại chuỗi tăng giá với 8 phiên tăng trần trong tổng số 9 phiên giao dịch gần đây nhất. Hiện EMC đã đạt mức giá 16.550 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy thanh khoản thị trường vẫn rất thấp.
Diễn biến giá cổ phiếu EMC trong 6 tháng gần đây.
Nếu tính chuỗi tăng trần, cổ phiếu SVT của Sài Gòn Viễn Đông cũng có giai đoạn tăng trần 9 phiên liên tiếp từ 29/5/2020, từ vùng giá 8.000 đồng/cổ phiếu lên xấp xỉ 20.000 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy SVT đã không giữ được lâu, sau đó giảm mạnh và hiện giao dịch quanh mức 15.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu SVT trong 1 năm gần đây.
Cổ phiếu VTL của Vang Thăng Long cũng là một cổ phiếu thuộc nhóm này.
Diễn biến giá cổ phiếu VTL trong 6 tháng gần đây.
Những cổ phiếu ở chiều ngược lại, giảm mạnh
Đã điểm qua những cổ phiếu "tăng sốc", cũng cần xem qua những cổ phiếu giảm mạnh thời gian vừa qua. Những cổ phiếu thuộc nhóm này có thể kể đến như MBG của Tập đoàn MBG. Cổ phiếu này đã giảm từ vùng giá xấp xỉ 20.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2020 xuống quanh vùng giá 5.300 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Diễn biến giá cổ phiếu MBG trong 6 tháng gần đây.
Cổ phiếu TNI của Tập đoàn Thành Nam bắt đầu giảm sàn từ 1/6/2020 với 17 phiên giảm sàn trong tổng số 22 phiên giao dịch trong tháng 6, đưa giá cổ phiếu TNI từ mức 12.200 đồng/cổ phiếu xuống dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Còn hiện tại TNI đã giảm sâu thêm, về vùng giá 3.000 đồng/cổ phiếu. "Điểm cộng" là thanh khoản cổ phiếu TNI rất lớn.
Diễn biến giá cổ phiếu TNI trong 6 tháng gần đây.
API của CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương, cổ phiếu HCS của CTCP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội, LM7 của CTCP Lilama 7.
Thay cho lời kết
Việc cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tăng - giảm giá phần lớn được phản ảnh từ kết quả kinh doanh và những biến động của doanh nghiệp. Tuy vậy vẫn có những trường hợp cổ phiếu biến động do tâm lý và những phân tích, nhận định của nhà đầu tư.
Do vậy, việc xem xét, thống kê những mã cổ phiếu tăng - giảm mạnh là một trong những điểm nhấn giúp nhà đầu tư có thêm một góc nhìn vào thị trường chứng khoán.
Nhịp sống kinh tế