MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt cổ phiếu tăng hơn 1.000%, TTCK lớn nhất Đông Nam Á loay hoay đi tìm lời giải

16-06-2023 - 14:39 PM | Tài chính quốc tế

Hàng loạt cổ phiếu tăng hơn 1.000%, TTCK lớn nhất Đông Nam Á loay hoay đi tìm lời giải

Đà tăng đột biến khó hiểu của nhiều cổ phiếu đang khiến nhà đầu tư nước này hoang mang. Một số tăng/giảm hàng chục nghìn phần trăm chỉ trong thời gian ngắn.

Trong 3 năm qua, ít nhất 83 công ty Indonesia chứng kiến cổ phiếu tăng/giảm từ 1.000% trở lên, theo số liệu của Bloomberg. Con số này tương đương khoảng 10% tổng số lượng cổ phiếu đang được niêm yết và cao hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực.

Nhờ cổ phiếu biến động mạnh, một số “ ông trùm” ở Indonesia đã “kiếm bộn”. Low Tuck Kwong, tỷ phú đang điều hành PT Bayan Resources, đã trở thành 1 trong những người giàu nhất chấu Á sau khi cổ phiếu tăng hơn 220% vào 6 tuần cuối cùng của năm 2020. Trong khi đó, cổ phiếu DCI Indonesia tăng gần 14.000% trong 5 tháng sau khi lên sàn vào năm 2015, giúp những cổ đông nắm phần lớn cổ phần là Otto Toto Sugiri và Marina Budiman thành tỷ phú.

Một số nhà đầu tư đã đặt biệt danh cho các cổ phiếu có mức tăng đột biến khi được ồ ạt mua vào nhưng sau đó nhanh chóng lao dốc. Ví dụ, nhà đầu tư Trung Quốc gọi đây là những “cổ phiếu xào”, tức là hoạt động đầu cơ giúp nhóm này luôn tăng nóng.

Còn nhà đầu tư Indonesia thì vay mượn khái niệm này, gọi là “cổ phiếu chiên ngập dầu”, miêu tả nhóm này như loại đồ ăn có chất lượng không tốt nhưng được chiên để có vị ngon hơn. Nhóm này thường được sở hữu tập trung, có khối lượng giao dịch thấp, định giá cao so với các công ty cùng ngành và ít khi được khuyến nghị bởi giới phân tích.

Hàng loạt cổ phiếu tăng hơn 1.000%, TTCK lớn nhất Đông Nam Á loay hoay đi tìm lời giải - Ảnh 1.

P/E của DCI Indonesia.

Theo Bloomberg, thuật ngữ này miêu tả đúng sự sụp đổ của công ty bảo hiểm thuộc sở hữu nhà nước PT Asuransi Jiwasraya vào năm 2020. Công ty này cần sự cứu trợ từ chính phủ sau khi đầu tư vào hàng loạt cổ phiếu rủi ro, 1 hành vi vi phạm nguyên tắc quản lý dẫn đến khoản lỗ 2 tỷ USD.

Một trong những khoản đầu tư của Jiwasraya là PT Hanson International, công ty này chứng kiến cổ phiếu tăng hơn 1.700% từ mức thấp trong cuộc khủng hoảng tài chính đến năm 2016, sau đó lao dốc nhanh chóng. Cuối năm 2020, một tòa án đã tuyên án chung thân với Chủ tịch Benny Tjokrosaputro của công ty này vì bị cáo buộc tham nhũng và rửa tiền.

Quay về câu chuyện của các “ông trùm” giàu lên từ những “cổ phiếu chiên”. Khi cổ phiếu của công ty khai thác Bayan Resources tăng kỷ lục vào cuối tháng 12, Low Tuck Kwong đã mua thêm. Trước đà tăng đột biến, tài sản của Kwong là 5 tỷ USD còn hiện có giá trị gấp 5 lần. Bayan hiện đang giao dịch ở mức 16 lần lợi nhuận dự phóng, cao hơn các công ty cùng ngành trong khu vực. Tỷ lệ free float là 2,5%, thấp hơn mức trung bình 7,5% của sàn chứng khoán Indonesia.

PT Petrindo Jaya Kreasi, công ty khai thác than và vàng, chứng kiến cổ phiếu tăng gần 370% trong 7 tuần đầu tiên sau khi niêm yết vào đầu tháng 3. Đây là “vận may trời cho” với cổ đông lớn nhất là “ông trùm” Prajogo Pangestu. 1 tuần sau khi lên sàn, sàn chứng khoán Indonesia đã xác định diễn biến bất thường với cổ phiếu này. Cổ phiếu Petrindo Jaya Kreasi có tỷ số P/B là 6,6 lần, cao hơn 3 lần so với chỉ số JCI.

Hàng loạt cổ phiếu tăng hơn 1.000%, TTCK lớn nhất Đông Nam Á loay hoay đi tìm lời giải - Ảnh 2.

Cổ phiếu Bayan Resources tăng phi mã, giúp ông trùm Low Tuck Kwong giàu gấp 5 lần.

Dù việc cổ phiếu biến động dữ dội không phải là điều gì mới ở các thị trường mới nổi, nhưng diễn biến này lại là điều khó hiểu ở Indonesia. Theo đó, các nhà quản lý nước này đã phải công bố một danh sách theo dõi để nhanh chóng phát hiện các công ty đang gặp khó khăn, nhằm bảo vệ nhà đầu tư.

Danh sách này bao gồm các doanh nghiệp không tăng trưởng doanh thu, giá cổ phiếu thấp, thanh khoản yếu và đang trong quá trình tái cơ cấu nợ và nhiều yếu tố khác. Hiện tại, một số nhà đầu tư kêu gọi giới chức siết chặt quy định hơn nữa, trong khi Tổng thống Joko Widodo yêu cầu các cơ quan quản lý tăng cường giám sát về khả năng thao túng thị trường.

Mối rủi ro ở đây là niềm tin của nhà đầu tư sẽ chịu ảnh hưởng, khi một TTCK trị giá gần 640 tỷ USD có thanh khoản yếu đến mức một số doanh nghiệp phải sử dụng các khoản vay chi phí cao để huy động vốn. Theo IMF, TTCK của Indonesia là thách thức với tăng trưởng, khi vốn hoá/GDP của nước này thấp nhất ở Đông Nam Á.

Sở giao dịch chứng khoán Indonesia hiện đã áp đặt mức trần giao dịch trong ngày và hệ thống tự động từ chối một số mức giá chào bán nhất định nếu vượt mức yêu cầu. Trong khi đó, cơ quan dịch vụ tài chính nước này sử dụng các công cụ giám sát như tạm dừng hoặc đình chỉ giao dịch, nếu có diễn biến bất thường.

Ở Mỹ, những biến động mạnh cũng thu hút thị trường vào năm ngoái khi 1 số cổ phiếu vốn hóa siêu nhỏ ghi nhận mức tăng chóng mặt. Những công ty này bao gồm: nhà sản xuất đồ may mặc của Trung Quốc Addentax Group Corp, tăng 1.300% sau khi lên sàn vào năm ngoái; tập đoàn tài chính của Hong Kong AMTD Digital tăng khoảng 32.000%.

Tuy nhiên, diễn biến này lại mang đến nhiều rủi ro hơn cho Indonesia, một thị trường vẫn có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc và Mỹ. Thị trường này cũng đang nỗ lực thu hút nhiều nhà đầu tư hơn để thúc đẩy nền kinh tế.

Jerry Goh, giám đốc đầu tư lĩnh vực chứng khoán châu Á tại abrdn Asia, cho hay: “Tính thanh khoản thấp có thể vừa có lợi vừa có hại. Nhà đầu tư cũng không muốn bị phát hiện đang nắm giữ cổ phiếu thanh khoản và chất lượng thấp.”

Tham khảo Bloomberg

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên