MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bị cắt margin

Báo cáo tài chính soát xét bán niên được công bố cùng con số lỗ hoặc cùng ý kiến kiểm toán không chấp thuận... được các doanh nghiệp công bố cũng đồng nghĩa với việc hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bị cắt margin (không được phép giao dịch ký quỹ) theo quy định hiện hành.

Những ngày này, nhà đầu tư dường như đang rất hứng khởi. Thị trường chứng khoán náo nhiệt hơn bao giờ hết khi dòng tiền mạnh đổ vào thị trường kèm đà tăng của hàng loạt cổ phiếu. Kiếm được tiền từ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư đang quên đi nhiều điều. Và, một điều chúng tôi nghĩ cần phải nhắc nhở nhà đầu tư là: bởi tác động của Covid-19 mà nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2020. Theo quy định hiện hành, khi báo cáo tài chính soát xét được công bố với con số lỗ thì cổ phiếu của các doanh nghiệp sẽ rơi vào diện không được phép giao dịch ký quỹ. Tức, các công ty chứng khoán sẽ không được cho nhà đầu tư vay mua cổ phiếu. Nói nôm na để nhà đầu tư dễ hiểu theo câu từ thông dụng là: cổ phiếu sẽ bị cắt margin.

Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bị cắt margin

Theo công bố từ Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) vào đầu giờ giao dịch hôm nay, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt bị bổ sung vào danh sách chứng khoán không được giao dịch ký quỹ. Nguyên nhân BVH vào "danh sách đen" là bởi vì báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020 của BVH được soát xét có ý kiến không phải là ý kiến chấp thuận toàn phần của tổ chức kiểm toán. 

Mở báo cáo tài chính soát xét bán niên của Tập đoàn Bảo Việt, chúng tôi thấy Bảo Việt vẫn đạt lợi nhuận gần 627,5 tỷ đồng cho kỳ 6 tháng đầu năm 2020. So với con số 645,11 tỷ đồng lợi nhuận đạt được cùng kỳ năm 2019 thì lợi nhuận của Bảo Việt sụt giảm nhẹ. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của Bảo Việt lại bị đơn vị kiểm toán EY đưa ra kết luận ngoại trừ liên quan đến khoản đầu tư vào công ty liên doanh/liên kết và đây chính là nguồn cơn khiến cổ phiếu BVH bị đưa vào diện không được phép giao dịch ký quỹ.

Theo quy định hiện hành, một trong những điều kiện để được giao dịch ký quỹ là "Chứng khoán của tổ chức phát hành có báo cáo tài chính năm được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên được soát xét hoặc được kiểm toán có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán". Và, vì không được chấp nhận toàn phần, cổ phiếu BVH bị loại ra khỏi danh sách.

Cổ phiếu BVH chốt ngày giảm 2% xuống mức 48.300 đồng/cổ phiếu!

Cùng với thông báo về trường hợp BVH, cổ phiếu TS4 của CTCP Thủy sản Số 4 cũng bị loại khỏi danh sách được giao dịch ký quỹ vì "Công ty chậm công bố thông tin báo cáo tài chính 6 tháng năm 2020 đã soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết thời gian gia hạn công bố thông tin".

Không chỉ BVH, TS4, gần đây, rất nhiều cổ phiếu cũng chịu cảnh tương tự và đa phần là bởi vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng năm 2020 là số âm. Hàng loạt cái tên vừa mới được công bố mới đây bên cạnh những cái tên cũ như: VSH của Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh, LGL của CTCP Đầu tư phát triển đô thị Long Giang, TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức, HVN của Tổng công ty hàng không Việt Nam...

Danh sách chứng khoán không được giao dịch ký quỹ của riêng sàn HoSE đến nay đã lên đến 90 cổ phiếu.

Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bị cắt margin - Ảnh 1.

Theo thông báo của HoSE, hàng loạt cổ phiếu vừa bị thêm vào danh sách các cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ. Hiện, danh sách đã "ghi tên" 90 mã.

Nhà đầu tư nên thận trọng để tránh rủi ro

Theo điều 3, chương 2 về hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán, chứng khoán đủ điều kiện giao dịch ký quỹ khi không thuộc 6 trường hợp như chưa đủ 6 tháng kể từ ngày giao dịch đầu tiên đến thời điểm xem xét, không thuộc tình trạng bị cảnh báo, bị kiểm soát..., kết quả kinh doanh soát xét gần nhất không thua lỗ...Cụ thể:

Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bị cắt margin - Ảnh 2.

Quy định kể trên có hiệu lực từ tháng 1/2017 nên không có gì xa lạ với cộng đồng nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện tại thì điều này lại đang khiến nhiều người bất ngờ.

Thực tế, với diễn biến dịch bệnh Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp lâu nay làm ăn khá tốt vẫn bị rơi vào cảnh thua lỗ. Không ít nhà đầu tư cho rằng việc thua lỗ đó chỉ mang tính chất giai đoạn ngắn nên vẫn chấp nhận rót tiền đầu tư mua cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn. Thế nhưng, có điều có thể họ đang quên đó là: Dù nhà đầu tư chấp nhận việc doanh nghiệp thua lỗ và rót tiền mua cổ phiếu thì những quy định hiện hành vẫn khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp này rơi vào diện bị cắt margin và có thể dẫn tới trạng thái nhiều nhà đầu tư phải bán ra để đáp ứng. Lực bán vì áp lực cắt margin là điều không thể tránh khỏi.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên