Hàng loạt dấu hiệu báo động cơ thể bạn đang thiếu sắt: Quá quen thuộc đến mức không thể nhận ra!
Sắt là một khoáng chất vi lượng quan trọng giúp cơ thể “vận hành” bình thường. Sắt chịu trách nhiệm sản xuất huyết sắc tố - một loại protein trong các tế bào hồng cầu cho phép chúng mang oxy đi khắp cơ thể. Việc không có huyết sắc tố làm cho cơ và các mô của bạn hoạt động kém hiệu quả, sau đó dẫn đến thiếu máu.
- 11-05-2019Ám ảnh chết chóc bao trùm lên "Thị trấn ung thư" trong suốt 50 năm và những câu chuyện đau đớn đến nhói lòng
- 10-05-2019Sát thủ thầm lặng đang hủy hoại chúng ta 40 tiếng/tuần mang tên "kiệt sức": Đừng biến mình thành cái xe hỏng, ngoài trông ổn nhưng bên trong thì rệu rã!
- 07-09-2018Tưởng đau đầu do thiếu sắt, 3 tháng sau cô gái qua đời vì bị ung thư não nguy hiểm: Đừng bỏ qua những triệu chứng dễ nhầm lẫn này
Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc cơ thể thiếu sắt. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần phải biết cách phòng ngừa và điều trị tình trạng này.
Mặc dù chẳng ai mất mạng vì thiếu chất sắt, nhưng cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được bổ sung kịp thời. Các triệu chứng thiếu sắt thường khó phát hiện. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy một số trong 10 dấu hiệu sau đây thì đã đến lúc bạn phải làm xét nghiệm máu để biết liệu bạn có nên bổ sung sắt hay không.
1. Mệt mỏi bất thường
Mệt mỏi là một triệu chứng rất phổ biến của thiếu sắt. Nguyên nhân là do cơ thể đang thiếu chất sắt để tạo ra huyết sắc tố. Đây là một loại protein trong các tế bào hồng cầu chịu trách nhiệm mang oxy từ phổi đến các cơ quan khác trong cơ thể. Khi cơ thể chúng ta thiếu huyết sắc tố, nó sẽ cung cấp ít oxy hơn cho các cơ và mô. Điều này khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi.
Mệt mỏi là điều rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày, vì vậy đôi khi chúng ta khó có thể phân biệt mệt mỏi bình thường với triệu chứng thiếu sắt. Tuy nhiên, những người bị thiếu sắt cũng sẽ gặp phải những triệu chứng như cơ thể yếu ớt, thiếu năng lượng, khó tập trung và năng suất làm việc kém.
2. Làn da nhợt nhạt
Huyết sắc tố trong các tế bào hồng cầu là yếu tố giúp làn da của chúng ta hồng hào, khỏe mạnh. Do thiếu chất sắt, cơ thể không thể sản xuất đủ lượng huyết sắc tố cho các tế bào hồng cầu để cung cấp cho toàn cơ thể. Điều này khiến cho làn da trở nên nhợt nhạt. Ở những người thiếu chất sắt, mặt sẽ xanh xao, nướu, bên trong môi hoặc mí mắt dưới sẽ mất màu.
3. Khó thở/đau tức ngực
Khó thở hoặc đau tức ngực, đặc biệt khi vận động, là một triệu chứng khác của thiếu sắt. Do huyết sắc tố trong các tế bào hồng cầu bị sụt giảm, lượng oxy để cung cấp khắp cơ quan trong cơ thể bị hạn chế. Vì thế, cơ thể phải cố gắng bù và tạo ra nhiều oxy hơn để các cơ quan hoạt động bình thường. Điều này dẫn đến tình trạng khó thở.
4. Chóng mặt và đau đầu
Thiếu chất sắt cũng có thể gây đau đầu hoặc đau nửa đầu. Nguyên nhân là do lượng oxy đến não không đủ khiến các mạch máu bị sưng lên, gây ra áp lực dẫn đến đau đầu hoặc đau nửa đầu.
Ngoài ra, những người bị thiếu sắt có thể bị chóng mặt, thậm chí mê sảng. Khi mức huyết sắc tố sụt giảm hoặc duy trì ở mức thấp, cơ thể thiếu oxy trầm trọng và dẫn đến những triệu chứng này. Chóng mặt còn có thể bắt nguồn từ tình trạng huyết áp thấp do quá trình oxy hóa kém của tim và mạch máu.
5. Đánh trống ngực
Nhịp tim không đều hay đánh trống ngực cũng có thể là một triệu chứng khác của thiếu chất sắt. Nguyên nhân là do nồng độ huyết sắc tố thấp khiến tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp oxy đến khắp cơ quan trong cơ thể. Điều này gây ra triệu chứng nhịp tim bất thường, hoặc cảm giác tim bạn đập nhanh một cách bất thường. Trong trường hợp xấu, nó có thể dẫn đến suy tim. Tuy nhiên, triệu chứng này thường xuất hiện muộn hơn những triệu chứng khác và khi đó người bệnh đã trong tình trạng thiếu sắt nặng.
6. Tổn thương tóc và da
Tóc và da được coi là chức năng phụ. Lý do là bởi vì cơ thể luôn ưu tiên cung cấp lượng oxy hạn chế đến các chức năng quan trọng nhất như các cơ quan và mô. Khi da và tóc thiếu chất sắt, chúng trở nên khô và dễ gãy hơn. Thiếu hụt ferritin là nguyên nhân gây ra tình trạng này, đây là một loại protein cần thiết cho quá trình lưu trữ và giải phóng sắt cho tất cả các bộ phận của cơ thể. Những người ăn chay và phụ nữ trước thời kỳ mãn kinh có nhiều khả năng bị rụng tóc quá nhiều do lượng sắt thấp.
7. Phồng rộp/đau lưỡi và miệng
Nhìn vào bên trong miệng có thể cho chúng ta biết rất nhiều manh mối về sức khỏe của mình. Thiếu sắt là một trong số đó. Cụ thể, nếu lưỡi xuất hiện sưng, viêm hoặc đổi màu thì đây là dấu hiệu thiếu sắt. Trong cơ thể, chúng ta có một loại protein có tên là myoglobin, nó liên kết với sắt và oxy và được tìm thấy trong mô cơ của lưỡi. Nồng độ myoglobin sụt giảm có thể khiến lưỡi bị đau, trơn và sưng. Thiếu sắt cũng có thể dẫn đến khô miệng và xuất hiện các vết nứt đỏ, đau ở khóe miệng.
8. Móng tay dễ gãy
Móng tay giòn, dễ gãy là một triệu chứng ít phổ biến hơn của tình trạng thiếu sắt và xuất hiện trong giai đoạn sau của thiếu máu. Móng tay được tạo thành từ một chất gọi là keratin, bao gồm các lớp protein bảo vệ các mô mềm của móng tay. Móng đòi hỏi oxy để duy trì sức khỏe và việc vận chuyển oxy bị cản trở khi cơ thể không sản xuất đủ lượng huyết sắc tố do thiếu sắt.
9. Hội chứng chân không yên
Những người bị thiếu sắt nặng thường mắc hội chứng chân không yên (hay còn gọi là hội chứng chân bồn chồn, Restless legs syndrome – RLS) – một rối loạn của hệ thống thần kinh gây ra sự thôi thúc quá mức để di chuyển chân của bạn. Tình trạng này thường đi kèm với đau và ngứa. Hội chứng này cũng gây ra chuột rút làm giảm chất lượng giấc ngủ của bạn.
10. Đau bụng kèm máu trong nước tiểu
Tan máu nội mạch - một tình trạng được gây ra do thiếu sắt, được hiểu là các tế bào hồng cầu bị phá vỡ trong dòng máu và chúng giải phóng sắt bị mất thông qua nước tiểu. Điều này đôi khi xảy ra ở những người tập thể dục cường độ cao, đặc biệt là chạy bộ.
Bright Side