MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt doanh nghiệp 'ăn ké' game bài của đường dây cờ bạc nghìn tỷ

16-11-2018 - 09:24 AM | Xã hội

Các đối tượng cầm đầu trong vụ án cùng một loạt doanh nghiệp đã bỏ túi gần 10.000 tỷ đồng từ việc tổ chức đánh bạc hoặc cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Trong khi đó, những bị cáo là con bạc khẳng định đã trắng tay, thậm chí gia đình tan nát khi dính vào trò đỏ đen trên mạng.

Ham bạc khiến vợ bỏ đi đâu không biết

Ngày 15/11, TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong đường dây đỏ đen nghìn tỷ trên mạng. Tổng cộng, có 44 bị cáo hầu tòa về tội danh “Đánh bạc”; 39 người bị truy tố về tội “Tổ chức đánh bạc”. Theo cáo trạng, hệ thống các cổng game bài được Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam thành lập dưới sự giúp đỡ của các bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa. Hệ thống này thu hút gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc, thu lời bất chính hơn 9.853 tỷ đồng. Người chơi phải chịu thiệt khi mua bán Rik để đánh bạc; bị mất hoàn toàn số Rik đặt cửa nếu thua và dù thắng, phải trích lại 2% cho hệ thống.

Những ngày qua, đa số các bị cáo là người chơi đều khẳng định trước HĐXX mình “trắng tay” khi lao vào trò đỏ đen trên mạng. Bị cáo Phạm Quang Minh (SN 1974, ở Thái Bình) được xác định từng chi hơn 162 triệu đồng vào các cổng game. Trước HĐXX, ông Minh thừa nhận mình ham mê cờ bạc dẫn tới nợ nần nên hiện tại vợ ông đã bỏ đi đâu không biết. Một bị cáo khác khai tham gia đánh bạc từ khi là sinh viên mới ra trường và vừa đầu tư kinh doanh quán cà phê. Tuy vậy, nguồn doanh thu từ quán cà phê được nướng vào sới bạc và cuối cùng thua hết. “Lúc bị cáo bị bắt thì vợ đang mang bầu nên phải thanh lý quán cà phê” - bị cáo này nói.

Liêu Văn Hoàng (SN 1995, ở Cao Bằng) dù gia cảnh khó khăn cũng đổ nhiều tiền vào các cổng game do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam sáng lập. Lần cao nhất, Hoàng đặt cửa khoảng 150 triệu Rik tương đương hơn 100 triệu đồng; phiên trúng thưởng cao nhất thu về 184 triệu đồng. Chủ tọa đặt câu hỏi, bị cáo ở Hòa An (Cao Bằng) là nơi rất khó khăn, người dân nghèo khổ, nhiều trẻ em không có điều kiện đến trường, bị cáo nghĩ gì khi đặt cửa một lần 100 triệu đồng? Hoàng đáp: “ Ban đầu do bị cáo thắng bạc nên bị cáo có nhiều tiền, tiền của bị cáo thì ít mà tiền thắng cược từ hệ thống thì nhiều... Mục đích chơi ban đầu là giải trí nhưng do bị thua nên ham gỡ”.

Hàng loạt doanh nghiệp ăn ké game bài của đường dây cờ bạc nghìn tỷ - Ảnh 1.

Tòa án bố trí khu vực thu án phí và nộp tiền khắc phục hậu quả

“Ăn ké” game bài

Trong vụ án, cơ quan truy tố xác định nhiều doanh nghiệp đã hưởng lợi từ việc cung cấp các dịch vụ liên quan cho các cổng game của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam. Trong đó, 3 nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone nhận hơn 1.232 tỷ đồng; Cty Homediret hưởng hơn 8,9 tỷ đồng. Các nhà phát hành thẻ game như VNG, Gate, VTC intercom… hưởng lợi hơn 14,6 tỷ đồng. Ngoài ra, 33 ngân hàng thu về gần 1 tỷ đồng từ việc phát hành thẻ ATM cho hoạt động đánh bạc; một số Cty khác hưởng lợi hơn 12 tỷ đồng từ việc cho thuê máy chủ, tên miền…

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Hoàng Linh - GĐ Cty Homediret cho biết đã nhận lời làm cổng thanh toán cho hệ thống đánh bạc vì Cty CNC của Nguyễn Văn Dương có uy tín trên thị trường, trụ sở tại số 10 Hồ Giám - thuộc quản lý của Tổng cục Cảnh sát. Linh khai, do ban đầu CNC chưa có dịch vụ gạch thẻ (chuyển từ thẻ điện thoại, thẻ game sang tiền ảo) nên đồng ý cung cấp. Tuy nhiên, Homedirect lại ký hợp đồng với Cty Giải pháp Việt là Cty con do Nguyễn Văn Dương thành lập. “Bị cáo ký với Giải pháp Việt vì hiểu đằng sau đó là CNC… Tháng 9/2015, sau khi có email của VNG, bị cáo biết đang kết nối với game bài RikVip” - Linh nói.

Theo cáo trạng, năm 2015, Cty VNG phát hiện thẻ Zing đang bị sử dụng trái phép vào game bài lậu nên yêu cầu Homediret rà soát. Dù biết đang giúp sức hoạt động đánh bạc, bị cáo Linh và Trương Đức Đô - nhân viên Homediret vẫn trả lời VNG là không có việc kết nối với game trái phép. Trả lời HĐXX, Đô khai từng cho nhân viên kỹ thuật kiểm tra và biết đang gạch thẻ cho các game bài. Tuy vậy, Đô cho rằng: “Bị cáo không biết đó là game đánh bạc, thời điểm đó nhận thức của bị cáo nghĩ là game giải trí”.

Theo lãnh đạo TAND tỉnh Phú Thọ, đến nay các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã nộp lại khoảng 2.000 tỷ đồng thu lời bất chính và công tác thu hồi tiền vẫn đang tiếp diễn. Cạnh khu vực xét xử, tòa án cũng bố trí một bàn làm việc phục vụ thu án phí và nộp tiền khắc phục hậu quả.

Theo Xuân Ân - Tùng Duy

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên