MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt doanh nghiệp FDI dùng chiêu chuyển giá, trốn thuế

Thống kê của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, mỗi năm có khoảng 40 - 50% doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam kê khai lỗ. Trong đó, rất nhiều DN lỗ liên tục trong nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, thậm chí mở rộng quy mô.

Một trong những DN đầu tiên dính nghi án chuyển giá là Coca-Cola. Theo đại diện Cục Thuế TPHCM, Cty Coca-Cola Việt Nam bị xếp vào vị trí  hàng đầu trong danh sách DN nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá. Coca-Cola đến đầu tư tại Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước và trong suốt gần 20 năm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola nhiều năm khai báo lỗ.

DN tiếp theo trong nghi án chuyển giá là Metro Việt Nam. DN này kinh doanh ở Việt Nam từ đầu năm 2002 với số vốn ban đầu là 120 triệu USD. Sau khoảng 12 năm hoạt động, 2002-2013, Metro Việt Nam đã 6 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, nâng tổng vốn đầu tư tại Metro Việt Nam lên hơn 301 triệu USD vào tháng 5/2013. Tuy nhiên, giai đoạn này, Metro Việt Nam liên tục kê khai lỗ với số lỗ lũy kế lên đến 1.657 tỷ USD và chỉ duy nhất năm 2010 là có lãi 173 tỷ đồng. 

Mặc dù lỗ nhưng Metro Việt Nam vẫn tiếp tục mở thêm 19 điểm bán lẻ trên toàn quốc. Từ dấu hiệu trên, thanh tra thuế đã vào cuộc và xác định có hành vi chuyển giá, qua đó yêu cầu Metro Việt Nam điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế với số tiền lên đến hơn 500 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số DN dính nghi án chuyển giá như Keangnam Vina… Keangnam Vina là công ty bất động sản 100% vốn của Hàn Quốc vào Việt Nam tháng 7/2007, lại ký hợp đồng giao cho công ty con của tập đoàn là Keangnam Enterprise làm tổng thầu. Keangnam Enterprise không chỉ khảo sát, thiết kế, cung cấp thiết bị máy móc, thi công xây dựng dự án mà còn cung cấp cả dịch vụ tư vấn tài chính, dàn xếp vốn vay cho Keangnam Vina. Các chi phí này rất lớn nên sau đó, Keangnam Vina liên tục báo lỗ và không phải nộp thuế thu nhập DN. Việc thanh tra thuế sau đó khiến DN thừa nhận hành vi chuyển giá và điều chỉnh lại lợi nhuận, thuế sau đó.

Công ty Hualon Corporation Việt Nam chuyên sản xuất sợi và dệt vải với 100% vốn đầu tư nước ngoài. Gần 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Hualon liên tục báo lỗ. Tính đến hết năm 2010, số lỗ lũy kế của công ty tới hơn 1.000 tỷ đồng. Mặc dù bị lỗ nhưng công ty vẫn liên tục mở rộng sản xuất. 

Chỉ đến khi, cơ quan thanh tra thuế vào cuộc, những bất minh trong con số lỗ khủng trên mới được đưa ra ánh sáng. Cách chuyển giá được công ty này thực hiện thông qua việc hô biến trên sổ sách dây chuyền máy móc phế thải thành hàng chất lượng cao, nâng khống giá nhập. Tổng giá vốn đã được Hualon nâng khống lên tới 1.156 tỷ đồng.

Sau thanh tra, cơ quan thuế xác định được hành vi chuyển giá và truy thu thuế, tuy nhiên một số công ty việc xác định chuyển giá rất khó. Như trường hợp Cty Adidas vào Việt Nam từ năm 1993 và báo lỗ liên tục. Việc phát sinh quá nhiều chi phí trung gian đầu vào đã khiến cho giá thành nhập khẩu các sản phẩm Adidas tại thị trường Việt Nam tăng cao và DN rơi vào tình trạng thua lỗ, không phải nộp thuế thu nhập. 

Trường hợp của Cty TNHH sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia (Đồng Nai) báo lỗ lũy kế trong 3 năm hơn 430 tỷ đồng, Fujitsu VN với số lỗ lũy kế 2 năm là hơn 292 tỷ đồng, Kureha VN với mức lỗ lũy kế 3 năm là 264 tỷ đồng, Olympus VN với mức lỗ lũy kế 2 năm là 256 tỷ đồng.

Hàng loạt công ty chè ở Lâm Đồng đã liên tục báo lỗ trong khi DN chè Việt Nam đều có lãi và nộp ngân sách nhà nước. Cụ thể là Ty Chế biến trà Ô Long Jun Chow của Đài Loan đầu tư vào Việt Nam với số vốn chỉ 6.344 tỷ đồng. Sau 4 năm hoạt động, tổng số lỗ lũy kế của công ty lên đến 23.903 tỷ đồng, tức gấp 3,7 lần vốn đầu tư.

Tương tự là Công ty Jun Chow, Công ty Trà Đài Loan có số vốn đầu tư đăng ký là 10,427 tỷ đồng nhưng số lỗ lũy kế đã lên đến 17,7 tỷ đồng. Để bù vốn do bị thua lỗ, các doanh nghiệp này đã được các công ty mẹ ở nước ngoài cho vay hỗ trợ với lãi suất rất cao do vậy tránh được các khoản thuế thu nhập.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, quyền giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, rất khó xác định quan hệ liên kết để từ đó áp dụng các quy trình, thủ tục kiểm tra đánh giá về mức phù hợp của giá giao dịch. Tình trạng thanh toán dùng tiền mặt còn phổ biến ở nước ta là mảnh đất màu mỡ, thuận lợi để các tổ chức trốn thuế, không khai báo đầy đủ các giao dịch mà các cơ quan chức năng khó lòng kiểm soát được.

“Thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng trong công cuộc chống chuyển giá, tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng. Trình độ của các kiểm toán viên nhà nước còn hạn chế về ngoại ngữ, tin học, về các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế và hiểu biết chung về khung pháp lý liên quan các lĩnh vực kinh doanh và luật pháp quốc tế”, PGS.TS  Nguyễn Đình Hòa nói.

Tình trạng thanh toán dùng tiền mặt còn phổ biến ở nước ta là mảnh đất màu mỡ, thuận lợi để các tổ chức trốn thuế, không khai báo đầy đủ các giao dịch mà các cơ quan chức năng khó lòng kiểm soát được.


The Ngọc Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên