Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa giao UBND thành phố chỉ đạo các sở chuyên ngành nghiên cứu lập quy hoạch quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè từng tuyến phố, từng khu vực. Ông Dũng yêu cầu các quận mạnh dạn thí điểm quy hoạch khu vực cho thuê vỉa hè, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân đang bám vỉa hè kiếm sống. "Lòng đường, vỉa hè thực tế gắn với sinh kế của người dân và cũng phần nào là kinh tế đô thị", ông nói.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các quận nội thành vừa tổng hợp rà soát báo cáo những tuyến phố có đủ điều kiện đặc thù (chiều rộng và hiện trạng vỉa hè) được phép sử dụng tạm thời hè phố vào việc kinh doanh buôn bán hàng hoá.
Chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m, bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông; Bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình, chủ công trình trên tuyến phố; Không cho phép tổ chức kinh doanh buôn bán trước mặt tiền của các công trình văn hoá, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở...
Theo đó, có 3 quận nội thành để xuất sử dụng vỉa hè để kinh doanh gồm: Quận Hai Bà Trưng, đề xuất cho các tuyến phố Đại Cồ Việt -Trần Khát Chân, Lò Đúc, Ngô Thì Nhậm, Trần Xuân Soạn; Quận Đống Đa đề xuất sử dụng hè phố Hoàng Cầu, Nguyễn Lương Bằng; Quận Tây Hồ đưa ra phương án sử dụng hè phố Trịnh Công Sơn và Vũ Tuấn Chiêu.
Ghi nhận của PV, trên những tuyến phố thuộc quận Hai Bà Trưng được đề xuất sử dụng vỉa hè để kinh doanh, có vỉa hè rộng chừng 4 m, vạch kẻ giới hạn rõ ràng, rất thông thoáng cho người đi bộ cũng như kinh doanh buôn bán hàng hoá.
Tuyến phố Lò Đúc có vỉa hè rộng từ 3 - 4 m, có đoạn rộng khoảng 6 m. Khu vực này có nhiều quán ăn thu hút thực khách vào buổi tối.
Mật độ dân cư trên phố Lò Đúc rất đông, nhu cầu sử dụng vỉa hè của các hộ kinh doanh ở đây là rất lớn. Chị Lê Thị Hạnh (chủ quán bún trên phố Lò Đúc) cho biết, chị và nhiều hộ kinh doanh ở đây rất vui trước thông tin tuyến phố Lò Đúc đủ điều kiện sử dụng vỉa hè cho việc kinh doanh. Tuy nhiên, theo chị Hạnh, nếu chính quyền tạo điều kiện cho thuê 2 m vỉa hè với giá phù hợp thì chị sẵn sàng thuê, nộp tiền hàng tháng. Tất nhiên, việc bày bán không thể bành trướng, phải có quy định, giới hạn.
“Trên phố Lò Đúc, mặt bằng kinh doanh rất nhỏ mà lượng khách thì quá lớn nên thiếu không gian phục vụ khách đến ăn uống. Chúng tôi thường phải kê thêm bàn ghế ra trước cửa quán để phục vụ cho khách được tốt hơn, nhiều khách hàng cũng thoải mái khi được ngồi ngoài vỉa hè vì thoáng mát. Tôi cũng mong việc đề xuất sử dụng vỉa hè để kinh doanh sớm đi vào thực hiện để chúng tôi thoải mái hơn trong việc phục vụ khách mà không sợ bị đuổi”, chị Hạnh nói.
Tại quận Đống Đa, UBND quận đã tổng hợp được 10 tuyến phố phù hợp về hạ tầng, điều kiện kinh tế để kinh doanh trên vỉa hè. Trong đó có phố Hoàng Cầu.
Hiện UBND quận Đống Đa đang xây dựng đề án cụ thể để thực hiện thí điểm trước một đến hai tuyến phố
Tại quận Tây Hồ, mới đây UBND phường Nhật Tân đã có đề xuất UBND quận Tây Hồ cho phép thí điểm thuê vỉa hè để kinh doanh trên 2 tuyến phố Trịnh Công Sơn và Vũ Tuấn Chiêu. Với phố Trịnh Công Sơn, một nửa bên công viên sẽ là nơi đi dạo của người dân (do không có nhà dân), nửa đối diện là nơi buôn bán kinh doanh.
Chị Nguyễn Hoài An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, chính quyền địa phương đưa ra phương án đề xuất sử dụng vỉa hè cho hoạt động kinh doanh là rất cần thiết vì các hộ kinh doanh ở đây đa số sống nhờ vỉa hè. “Việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh phải có phương án rõ ràng và cụ thể, không thể để mạnh ai người ấy bán vì như thế việc kiểm soát rất khó, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị”, chị An chia sẻ.
2 tuyến phố Trịnh Công Sơn và Vũ Tuấn Chiêu thuộc không gian văn hoá nghệ thuật - ẩm thực. Trước đó, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã 2 lần phải dừng hoạt động vì vắng khách.