MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãng mạnh nhất chỉ bán 2.000 xe/tháng, xe Toyota lần đầu ‘mất tích’ trên BXH bán chạy – chuyện gì xảy ra với thị trường ô tô Việt Nam?

13-03-2024 - 09:31 AM | Thị trường

Tháng Tết là thời điểm doanh số toàn thị trường ô tô xuống thấp, nhưng thấp đến mức này thì không nhiều người nghĩ đến.

Hãng mạnh nhất chỉ bán 2.000 xe/tháng, xe Toyota lần đầu ‘mất tích’ trên BXH bán chạy – chuyện gì xảy ra với thị trường ô tô Việt Nam?- Ảnh 1.

Nhìn vào thống kê doanh số của các hãng sản xuất ô tô tại thị trường Việt Nam, nhiều người vẫn chưa tin vào mắt mình. Hyundai Thành Công ghi nhận doanh số 2.033 xe, Accent bán chạy nhất với 365 xe, Kia bán 1.286 xe, Toyota thậm chí còn thảm hơn: 1.248 xe, mẫu bán chạy nhất là Raize với 181 xe.

Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số của các doanh nghiệp thành viên chỉ đạt 11.633 xe trong tháng 2, giảm 40% so với tháng 1 và 50% so với cùng kỳ 2023. Nếu tính thêm cả Hyundai Thành Công (2.033 xe), tổng doanh số chỉ đạt 13.666 xe.

Con số này chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với doanh số của 1 thương hiệu là Toyota hoặc Hyundai trong 1 tháng cao điểm nào đó giai đoạn năm 2023 hoặc 2022 (tháng 12/2023, Hyundai Thành Công từng đạt doanh số 10.844 xe).

Hãng mạnh nhất chỉ bán 2.000 xe/tháng, xe Toyota lần đầu ‘mất tích’ trên BXH bán chạy – chuyện gì xảy ra với thị trường ô tô Việt Nam?- Ảnh 2.

Nguồn: VAMA, HTC.

Nhìn rộng ra, hầu hết hãng xe đều ghi nhận doanh số giảm 40-60% so với tháng trước. Lấy Toyota làm ví dụ, những chủ lực doanh số của hãng như Vios, Corolla Cross, Veloz Cross chỉ đạt sức bán lần lượt 170, 106 và 146 xe – mức cực kỳ thấp so với doanh số các tháng bình thường trong khi Hyundai Accent, Creta hay Santa Fe cũng chỉ ghi nhận doanh số lần lượt 365, 238 và 132 xe.

Top 10 xe bán chạy nhất thị trường trong tháng vừa qua cũng không ghi nhận mẫu xe nào vượt nổi 1.000 xe, trong đó cao nhất là Ford Ranger đạt 880 xe, kết đến là Xpander với 641 xe. Ở nhóm cuối, Hyundai Grand i10 chỉ bán 263 xe vẫn có một “suất” trong top 10. Đặc biệt, không một mẫu xe Toyota nào có mặt trong top xe bán chạy của tháng – điều chưa từng xảy ra kể từ khi các bảng xếp hạng hàng tháng được lập ra.

Một lý do được hàng loạt hãng sản xuất đưa ra là việc tháng 2 trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, làm gián đoạn hoạt động mua bán của người dùng. Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc đến là trong các tháng trùng với Tết Nguyên đán các năm trước, doanh số thị trường ô tô vẫn không thảm đến mức này.

Hãng mạnh nhất chỉ bán 2.000 xe/tháng, xe Toyota lần đầu ‘mất tích’ trên BXH bán chạy – chuyện gì xảy ra với thị trường ô tô Việt Nam?- Ảnh 3.

Top 10 xe bán chạy nhất Việt Nam tháng 2/2024. Nguồn: VAMA, HTC.

Theo một số người theo dõi sát thị trường ô tô Việt Nam, tháng 2 được xem là thời điểm “trũng” nhất của thị trường trong nhiều năm qua với hàng loạt yếu tố bất lợi cho hoạt động mua-bán xe. Tháng 1, 2 năm 2024 chứng kiến việc thị trường vừa bước qua giai đoạn hỗ trợ 50% phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước – hầu hết người có ý định mua đều đã cố gom để xuống tiền trong giai đoạn tháng 12/2023. Bước sang tháng 1, một số ít còn lại sẽ cố mua xe chơi Tết sau khi lĩnh thưởng Tết khiến tháng 2 trở thành thấp điểm một cách đáng kinh ngạc.

Đó là chưa kể nền kinh tế nói chung vẫn trong giai đoạn khó khăn, chưa có dấu hiệu rõ rệt của việc khởi sắc khiến nhiều người có tâm lý e ngại khi bỏ ra một số tiền lớn mua xe. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến doanh số ô tô tại Việt Nam giảm khoảng 30% trong năm 2023 và càng tỏ ra ảm đạm hơn trong 2 tháng đầu năm 2024.

Các hãng sản xuất kỳ vọng doanh số ô tô sẽ tăng trưởng trong các tháng tiếp theo nhưng đều dè dặt khi nói về con số cụ thể. Thậm chí, nhiều người tin rằng phải đến nửa cuối 2024 doanh số ô tô mới có thể khởi sắc trở lại.

Thời điểm này, nhiều hãng xe đang ồ ạt triển khai các chương trình khuyến mại nhằm lôi kéo khách hàng, phổ biến là các mức giảm 50%, 100% phí trước bạ để đẩy hàng tồn, các mẫu xe mang số VIN 2023. Thậm chí, một số đã dời lại kế hoạch ra mắt xe mới để tập trung dọn kho các mẫu xe cũ.

Đức Nam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên