MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãng mỹ phẩm Revlon đình đám đệ đơn phá sản

18-06-2022 - 14:41 PM | Tài chính quốc tế

Hãng mỹ phẩm Revlon đình đám đệ đơn phá sản

Revlon cho biết họ là "nạn nhân" tiếp theo của sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngày 15/6 vừa qua, hãng sản xuất mỹ phẩm nổi tiếng Revlon đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản lên toàn án New York. Theo hồ sơ, Revlon cho biết họ là "nạn nhân" tiếp theo của sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu – điều khiến chi phí nguyên vật liệu sản xuất tăng cao. Việc các nhà cung cấp (vốn hay yêu cầu thời gian thanh toán trong vòng 75 ngày) bắt đầu yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt đã khiến công ty gặp ngày càng nhiều khó khăn.

Robert Caruso, người được thuê làm giám đốc tái cấu trúc Revlon, viết trong đơn gửi tòa án: "Ví dụ, một thỏi son Revlon cần từ 35 đến 40 nguyên liệu thô và một số bộ phận cấu thành. Mỗi thành phần đều đóng vai trò quan trọng để đưa sản phẩm ra thị trường. Với sự thiếu hụt các thành phần cần thiết, sự cạnh tranh để mua các nguyên liệu sẵn có là rất lớn".

 Hãng mỹ phẩm Revlon đình đám đệ đơn phá sản  - Ảnh 1.

Ảnh: Internet.

Tình trạng thiếu hụt lao động và lạm phát cao cũng làm hãng mỹ phẩm 90 năm tuổi lao đao. Bên cạnh đó, Revlon dường như không còn cạnh tranh được với các thương hiệu tập trung vào Internet mới nổi trong những năm gần đây như Fenty Beauty của Rihanna hay Kylie Cosmetics của Kylie Jenner. Một yếu tố khác là đại dịch Covid-19 kéo dài. Điều này khiến thời gian giao hàng từ năm 2020 bị kéo dài, đẩy chi phí vận chuyển lên cao.

Theo hồ sơ, Revlon liệt kê tài sản và nợ phải trả từ 1 đến 10 tỷ USD. Sau thông tin Revlon đệ đơn phá sản, cổ phiếu của hãng đã giảm tới 44% ngày 16/6. Trên thực tế, cổ phiếu công ty đã giảm một nửa giá trị từ ngày 9/6 và chỉ ngày hôm sau, một báo cáo về vụ phá sản tiềm năng của Revlon đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Theo Reuters, Revlon thành lập năm 1932 bởi anh em Charles và Joseph Revson cùng Charles Lachman với tư cách là một công ty bán sơn móng tay. Năm 1985, Revlon được bán lại cho MacAndrews & Forbes và niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ 11 năm sau.

Năm 2016, Revlon mua lại hãng mỹ phẩm và nước hoa Elizabeth Arden – nhà quản lý các thương hiệu bao gồm nước hoa Britney Spears và nước hoa Christina Aguilera – với giá  870 triệu USD để ngăn chặn sự cạnh tranh từ người nổi tiếng.

Trong lịch sử 90 năm, Revlon vẫn là thương hiệu được phái đẹp trên toàn thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, công ty dần đánh mất thị phần và không thể cạnh tranh được với các đối thủ là công ty được hậu thuẫn bởi Kylie Jenner hay Rihanna.

 Hãng mỹ phẩm Revlon đình đám đệ đơn phá sản  - Ảnh 2.

Ảnh: Internet.

Năm ngoái, doanh số của Revlon giảm 22% so với năm 2017. Việc không thể nhanh chóng chuyển sang sản xuất các sản phẩm chăm sóc da đã dẫn đến việc nhiều cửa hàng tại Mỹ của Revlon mất chỗ trên kệ hàng vào tay các đối thủ.

Ví dụ, hãng mỹ phẩm Coty đã giành được thị phần bằng cách tăng cường đầu tư để cải thiện nguồn cung và đáp ứng nhu cầu phục hồi sau đại dịch với sản phẩm mascara và son môi.

Không những đau đầu với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, Revlon còn vật lộn với các khoản nợ khổng lồ. Tất cả những nguyên nhân trên đã dẫn tới cái kết đệ đơn phá sản của hãng mỹ phẩm đình đám một thời.

Cách đây 2 năm, Revlon cũng từng gây chú ý với sự việc Citibank thay mặt họ chuyển nhầm số tiền 900 triệu USD cho một nhóm các chủ nợ của Revlon.

Ngân hàng vốn dĩ định trả một khoản lãi nhỏ thay cho Revlon nhưng lại chuyển nhầm cả tiền gốc. Sau đó, một số bên cho vay đã từ trả lại khoản 500 triệu USD. Cuối cùng, tòa án phán quyết rằng những bên đã nhận tiền không phải hoàn trả số tiền bị nhầm.

Nguồn: Reuters

https://cafebiz.vn/hang-my-pham-revlon-dinh-dam-de-don-pha-san-20220617172415459.chn

Theo Mộc Tiên

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên