MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt ngân hàng muốn tăng vốn cấp 2

13-12-2022 - 10:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Hàng loạt ngân hàng muốn tăng vốn cấp 2

Nhiều ngân hàng như Agribank, VietinBank, HDBank... mới đây đã thông báo về kế hoạch phát hành trái phiếu ra công chúng nhằm bổ sung nguồn vốn dài hạn.

Trong đó, Agribank đang chào bán 100 triệu trái phiếu với mệnh giá 100 nghìn đồng, kỳ hạn 8 năm. Tổng giá trị phát hành là 10.000 tỷ đồng. Loại trái phiếu này được trả lãi định kỳ 1 năm 1 lần.

Lãi suất trái phiếu Agribank là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ được niêm yết của 4 ngân hàng BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank tại ngày xác định lãi suất) cộng biên độ 1,6%/năm vào 5 năm đầu và 3,1%/năm vào 3 năm cuối.

Nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có thể đăng ký mua trái phiếu Agribank từ ngày 10/12/2022 đến ngày 29/12/2022.

Agribank cho biết, mục đích chào bán trái phiếu là sử dụng để tăng vốn cấp 2, tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tương tự, LienVietPostBank cũng đang chào bán lượng lớn trái phiếu nhằm tăng vốn cấp 2. Cụ thể, ngân hàng muốn phát hành 40 triệu trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng, tương đương tổng giá trị là 4.000 tỷ. LienVietPostBank sẽ phát hành theo 3 đợt.

Đợt 1 thực hiện trong quý 4/2022-quý 1/2023 gồm 1.700 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 250 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Trong đó, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 7 năm bằng lãi suất tham chiếu + biên độ 2,8%/năm, lãi suất kỳ hạn 10 năm bằng lãi suất tham chiếu + biên độ 3,1%/năm. Thời gian nhận đăng ký mua từ 10/12 đến hết 30/12/2022.

Đợt 2 dự kiến thực hiện trong quý 1/2023 gồm 1.300 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

Đợt 3 trong quý 1, quý 2/2023 gồm 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 50 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

Số trái phiếu trên là trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm, không kèm chứng quyền và là nợ thứ cấp, thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2.

Trước đó, hồi cuối tháng 11, VietinBank cũng đã thông qua việc sửa đổi phương án phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2022. Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành tối đa 9.000 tỷ đồng trái phiếu thay vì 8.000 tỷ đồng như kế hoạch cũ.

Trong đó bao gồm 3.500 tỷ trái phiếu kỳ hạn 8 năm và 5.500 tỷ trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Số trái phiếu này sẽ được phát hành làm 2 đợt: Đợt 1 là 5.000 tỷ và đợt 2 là 4.000 tỷ. Đợt 1 dự kiến được thực hiện trong quý 4/2022 – quý 1/2023, còn đợt 2 là từ quý 2/2023 đến quý 3/2023.

VietinBank sẽ dùng 9.000 tỷ đồng thu được từ phát hành trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN, đồng thời thực hiện cho vay nền kinh tế (bao gồm các khoản cho vay được giải ngân trước và sau thời điểm phát hành trái phiếu) với các ngành nghề, lĩnh vực: Công nghệ chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt;…

Trong khi đó, HDBank đang có kế hoạch phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư quốc tế thay vì phát hành trong nước. Ngân hàng đang lấy ý kiến cổ đông để phát hành thêm 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi. Số trái phiếu này sẽ bổ sung vốn tự có cấp 2 và có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của nhà băng này. Vốn từ đợt phát hành sẽ giúp HDBank bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, phục vụ các kế hoạch tăng trưởng theo chiến lược đề ra. Đồng thời, Ngân hàng sẽ nâng cao hơn nữa các chỉ số chất lượng tài sản, tỉ lệ an toàn vốn, sẵn sàng áp dụng sớm chuẩn mực Basel III.

Trước đó HDBank đã phát hành thành công 325 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế cho các định chế tài chính uy tín hàng đầu thế giới.

Theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Vốn tự có của ngân hàng là cơ sở để tính toán tỷ lệ an toàn vốn (CAR), bao gồm tổng Vốn cấp 1 và Vốn cấp 2 trừ đi các khoản giảm trừ quy định.

Vốn cấp 2 có nhiều cấu phần, trong đó gồm nợ thứ cấp do ngân hàng phát hành. Phát hành trái phiếu kỳ hạn dài (cùng một số điều kiện khác) là một cách phổ biến để ngân hàng tăng vốn cấp 2, từ đó cải thiện tỷ lệ an toàn vốn, đáp ứng chuẩn mực về quản trị rủi ro theo Basel II.

Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài cũng giúp ngân hàng cân đối tốt hơn cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn, nhất là trong bối cảnh quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa vừa được điều chỉnh từ 37% xuống 34% từ ngày 1/10/2022.

Minh Vy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên