Hàng ngàn trụ tiêu ở Quảng Nam chết khô, nhiều nhà vườn lâm cảnh nợ nần
Trong một thời gian ngắn, hàng ngàn trụ tiêu ở tỉnh Quảng Nam bị bệnh chết khô khiến người nông dân lâm nợ. Ngành chức năng nhận định nguyên nhân do bệnh chết nhanh gây ra. Thời gian qua, mưa nhiều thời tiết ẩm khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Phần nữa là do người dân đưa giống tiêu từ nơi về trồng làm lây lan bệnh...
- 17-02-2017Gấp rút cải thiện chất lượng để cứu ngành hồ tiêu
- 10-01-2017Trồng tiêu bằng mọi giá - Nông dân nhận trái đắng
- 11-01-2016Cảnh báo phá quy hoạch trồng tiêu
Về thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú (Duy Xuyên) gặp ông Trần Duy Ba, chủ hộ “khai sinh” cây tiêu trên vùng đất này hỏi về trồng tiêu, ông không thiết tha nhắc tới. Bởi vườn tiêu của gia đình đã chết khô gần hết, còn sót lại mấy trụ lá đang ngả sang màu vàng.
Không muốn bắt chuyện, lão nông Ba để vợ mình, là bà Nguyễn Thị Mười tiếp chúng tôi. Giải thích về lý do đó, bà Mười phân trần, ông ấy tiếc của quá, giờ nói đến tiêu, ông không thèm nhắc đến.
Vườn tiêu của bà Nguyễn Thị Mười chết hàng loạt
Theo bà Mười, nắng lên vài hôm nữa vườn này không còn màu xanh của cây tiêu rồi. Nó bị vàng lá như vậy không còn cách nào cứu chữa. Bà kể, năm 2002 hợp tác xã đưa giống tiêu về địa phương trồng. Ngày đó người dân chưa biết gì đến loại cây này nên sau một thời gian “gây dựng” mô hình đã bị bỏ ngỏ. Sau đó, vợ chồng ông bà lấy giống trồng thử nghiệm trên mảnh vườn của mình.
Ban đầu, bà Mười trồng một vài bụi, sau 3 năm cây tiêu phát triển tốt, năng suất cao, thị trường ưa chuộng. Thấy được lợi nhuận, có bao nhiêu tiền của vợ chồng ông bà đầu tư phát triển cây tiêu. Chưa thấy thỏa mãn, bà Mười vay mượn tiền của người thân mở rộng diện tích.
“Đến nay có hơn 600 chói (trụ tiêu) nhưng đã chết sạch rồi. Bình quân 1 chói trồng 3 năm cho thu hoạch đầu tư khoảng 5 triệu đồng. Nhưng đến nay đã mất sạch”, bà Mười chua chát.
Nhiều vườn tiêu ở xã Duy Phú chết bị chết khô do bệnh chết nhanh
Theo bà Mười, mỗi năm 600 chói tiêu cho thu hoạch vài trăm triệu đồng là chuyện đơn giản lắm. Bởi bình quân một chói cho thu khoảng 2 - 3kg hạt tiêu khô, bán với giá 200.000 đồng/kg.
“Cứ tính sơ sơ rứa đó, 600 trụ đem về khoảng 300 triệu đồng, trừ chi phí phân bón, tưới nước… còn lại thu lãi ròng khoảng 200 triệu đồng. Nếu không bị bệnh, gần 2 năm nữa vợ chồng tôi thu hoạch tiêu sẽ trả hết nợ, nhưng nay nợ vẫn cứ nợ, gia đình rơi vào cảnh bế tắc. Ở đây, không gì riêng nhà tôi mà cả vùng đều bị tiêu chết”, bà Mười nói.
Bà Mười cho biết thêm, nguyên nhân chẳng đâu xa cả, do cây tiêu cho lợi nhuận cao, cách đây khoảng 3 năm, nhiều người dân trong vùng ồ ạt đưa giống tiêu từ Tây Nguyên; Vĩnh Linh, Quảng Trị về trồng. “Loại giống này đã có mầm bệnh, sau đó lấy lan sang giống tiêu bản địa”, bà Mười nhận định.
Cây tiêu ban đầu vàng lá, sau đó rụng lá
Chẳng khác gì bà Mười, ông Phạm Ngọc A, thôn Trung Sơn, xã Duy Phú trồng hơn 600 trụ tiêu thì nay đã chết sạch. Thứ cây tiêu ngày nào bám vào trụ cho quả thì nay khô héo, ông gom lại và đốt sạch. Tài sản của gia đình trông chờ vào cây tiêu nay đã mất trắng, để tiếp tục đầu tư thì sợ bị bệnh chết. “Tài sản của gia đình có con bò chắc phải bán để lấy tiền trả nợ. Còn cứu sống vườn tiêu thị bất lực, tôi dùng nhiều loại thuốc cứu chữa nhưng bất thành. Chờ nắng lên cây khô héo, tôi gom lại để đốt”, ông A xót xa.
Vườn tiêu của ông Phạm Ngọc A chết sạch trơn, ông gom lại để đốt
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó ban Nông nghiệp xã Duy Phú cho biết, trên địa bàn xã có 65 hộ dân trồng trên 15.000 trụ tiêu. Đến nay có gần 4.000 trụ bị chết. “Bình quân một năm mỗi trụ tiêu cho thu nhập 500.000 đồng, đem lại nguồn kinh tế lớn cho địa phương. Nhưng nay tiêu chết đẩy nhiều hộ lâm cảnh khó khăn”, ông nói và cho hay nguyên nhân tiêu chết đang được cơ quan chức năng tìm hiểu.
Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Duy Xuyên thông tin, tiêu chết do bệnh chết nhanh gây ra. Thời gian qua, mưa nhiều thời tiết ẩm khiến dịch bệnh lây lan nhanh. “Hiện Chi cục BVTV, Trạm BVTV và Phòng NN-PTNT huyện đã tiến hành kiểm tra, tập huấn để người dân xử lý. Phòng đã mở lớp tuấn huấn cho bà con phòng bệnh, riêng cây đã chết gom lại đốt, sau đó vệ sinh vườn để tiếp tục sản xuất”, ông Năm nói.
Theo ông Năm, nguyên nhân dịch bệnh một phần do thời tiết, một phần do người dân đưa giống tiêu từ nơi về trồng làm lây lan bệnh. Riêng giống tiêu Tiên Phước không bị bệnh. Phòng NN-PTNT đã khuyến cáo bà con dùng giống tiêu Tiên Phước trồng, nhưng bà con không nghe...
Nông nghiệp Việt Nam