Hàng nghìn người thi nhau ngủ ngoài đường hàng năm tại Nhật, thậm chí là cởi bỏ hết quần áo, vậy đây là hiện tượng gì mà đến cảnh sát cũng bất lực?
Chỉ tính riêng năm 2019, ở Nhật có tới hơn 7000 trường hợp ngủ ngoài đường vào ban đêm, bất chấp xe cộ qua lại và đã có trường hợp tử vong.
- 07-12-2020Nhìn lại một năm đã qua với triết lý Fudoshin giúp người Nhật "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến": Dục tốc bất đạt, có nhẫn nại mới thấy được an yên
- 06-12-2020Nữ nhiếp ảnh gia 65 tuổi người Nhật vào rừng xây nhà, ở một mình, chơi với mèo: “Phụ nữ phải tự lập, sống cho bản thân chính là sự nghiệp cả đời”!
- 05-12-2020Từng phải điều trị ung thư, cụ bà người Nhật vẫn sống thọ đến 117 tuổi chỉ nhờ một bí quyết gói gọn trong 3 từ
Ở Nhật Bản, hiện tượng "Rojo-ne" (Ngủ trên đường) không còn trở nên quá xa lạ với người dân xứ Phù Tang, thậm chí đây còn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Đặc biệt, hiện tượng này xảy ra phổ biến ở tỉnh Okinawa. Cả đàn ông lẫn phụ nữ đều nằm ra giữa đường để ngủ, họ mặc kệ xe cộ qua lại, bất chấp nguy hiểm xảy ra.
Vậy nguyên nhân nào khiến hiện tượng này trở nên phổ biến đến như vậy? Và lý do vì sao cho đến hiện tại, chính quyền địa phương cùng cảnh sát đành lắc đầu bất lực trước hiện tượng "Rojo-ne"?
Khi ngủ ngoài đường trở thành "đại dịch"
Theo nhật báo Mainichi của Nhật Bản, vào năm 2019, cảnh sát Okinawa đã ghi nhận hơn 7000 trường hợp ngủ ngoài đường. Trong đó, có 16 trường hợp bị tai nạn vì ngủ trên đường và có 3 trường hợp tử vong.
Năm nay, dù Nhật Bản đã yêu cầu người dân hạn chế di chuyển để tránh sự bùng phát của đại dịch Covid-19, nhưng từ tháng 1 tới tháng 6/2020 vẫn có tới 2.702 cuộc gọi khẩn cấp về rojo-ne. Con số này tương đương số cuộc gọi với cùng nội dung trong cùng kỳ năm ngoái. May mắn thay, chưa có trường hợp tử vong nào xảy ra vì rojo-ne trong năm 2020.
Vì sao hiện tượng ngủ ngoài đường ở Okinawa nhiều đến vậy? Phía cơ quan y tế đưa ra một vài cách lý giải như sau.
Đầu tiên, khác với những vùng khác, Okinawa có khí hậu nhiệt đới nên thời tiết vùng này ấm áp dễ chịu quanh năm, lỡ ngủ quên sẽ dễ dẫn đến ngủ say. Thậm chí có một số trường hợp chọn ngủ ngoài đường cho dễ chịu.
Cảnh tượng người dân ngủ ngoài đường không còn xa lạ với người dân Nhật Bản.
Nguyên nhân khác được đưa ra là do người Okinawa có tính tình phóng khoáng cộng với việc rượu Awamori đặc trưng của tỉnh này có nồng độ cồn khá cao, người uống rượu say rồi ngủ luôn giữa đường cũng trở nên dễ hiểu. Hiện tượng này được ví như "đại dịch" lan tràn trong cộng đồng và không có gì kiểm soát nổi.
"Đây thực sự là một vấn đề lớn và vô cùng nguy hiểm. Chúng tôi quan ngại rằng số vụ việc sẽ gia tăng trong năm nay và sẽ có một vài vụ đặc biệt nghiêm trọng", SCMP dẫn lời ông Ken Kane, phát ngôn viên đồn cảnh sát ở đảo Ishigaki.
"Chúng tôi tin, việc ngủ ngoài đường xuất phát từ nhiều lý do. Nhưng nguyên nhân chính là mọi người ra ngoài uống rượu và có thể họ đã uống quá say nên họ mất phương hướng khi rời khỏi quán bar hoặc nhà hàng", ông Kane nói thêm.
Cảnh sát cho hay họ thường xuyên phát hiện những trường hợp ngủ ngay trên đường và dùng vỉa hè làm gối. Thậm chí, các sĩ quan cảnh sát từng phải đánh thức một người phụ nữ ngủ trên đường trong tư thế cởi bỏ hết quần áo vì cô nghĩ mình đã trở về nhà và có thể thoải mái ngủ trên giường.
Bất chấp xe cộ qua lại, người dân Nhật vẫn ngủ say ngoài đường.
Những cái chết thương tâm và lời cảnh báo
Vào tháng 8/2020, một người đàn ông 75 tuổi đã tử vong vì tai nạn giao thông vào khoảng 3 giờ sáng khi nằm ngủ giữa đường ở thành phố Nanjo, Okinawa. Người đàn ông cao tuổi đã bị một sinh viên 21 tuổi lái xe đâm vào. Nam sinh này cho hay: "Từ xa, tôi đã phát hiện có một người nằm giữa đường, dù đã cố gắng tránh đi nhưng cuối cùng không hiểu sao tôi vẫn đâm vào ông ấy".
Và đây không phải là trường hợp đầu tiên ngủ trên đường ở Okinawa bị tử vong. Tờ Okinawa Times đưa tin, một người đàn ông 63 tuổi, đã ngủ trên đường và tử vong vì bị xe đâm tại thành phố Uruma vào năm 2018. Trước đó, vào năm 2017, một tài xế taxi đâm tử vong giáo viên 37 tuổi ở thị trấn Yonabaru. Tại sở cảnh sát, tài xế này cho hay anh không hề nhìn thấy nạn nhân đang ngủ trên đường.
Nhiều trường hợp thương tâm đã xảy ra.
Theo tờ Mainichi, cảnh sát đã tìm cách khắc phục tình hình bằng cách phát cảnh báo qua sóng radio và đưa vào chương trình giáo dục nhưng vẫn chưa có hiệu quả. Do đó, cảnh sát sẽ có chế tài xử phạt với số tiền phạt hành chính lên tới 50.000 yên (khoảng 11 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) và các án tù cũng sẽ được áp dụng cho những trường hợp nghiêm trọng nhất.
Ngoài yếu tố thời tiết và đặc điểm của rượu thì nhiều ý kiến cho rằng, hiện tượng ngủ trên đường cũng xuất phát một phần từ văn hóa uống rượu của người Nhật Bản. Sau khi kết thúc ca làm việc, người Nhật thường có xu hướng giao lưu và gặp gỡ trên bàn tiệc, điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều người khi uống say quên lối về và họ sẽ chọn lề đường là nhà của mình.
Khi văn hóa rượu bia đã "thấm vào máu"
Tại Nhật Bản, từ lâu đã hình thành văn hóa "rượu bia" trong xã hội. Đối với một số người, uống rượu chỉ đơn giản là cách để xả stress, giảm áp lực căng thẳng. Thê nhưng, với nhiều người rượu bia quyết định sự thành công trong nghề nghiệp của họ, là chất "xúc tác" để kết nối đồng nghiệp với nhau.
"Thông thường, nếu người ta không có những kĩ năng nghề nghiệp xuất chúng, sẽ chẳng có gì giúp họ nổi bật giữa những nhân viên khác. Vì thế nếu bạn muốn nổi bật và thăng tiến, tham gia những buổi nhậu và xây dựng mạng lưới kết nối là cách hiệu quả hơn nhiều so với việc làm việc chăm chỉ tại công ty", nhà tư vấn quản lý Suzuki cho biết.
Ở Nhật, người ta thường nói rượu dễ tìm hơn một gói kẹo cao su. Nomikai (tiệc uống rượu), được diễn ra hàng đêm tại các nhà hàng, quán rượu để làm tăng mối quan hệ xã hội cũng nhưng trong việc thúc đẩy kinh doanh, ký kết hợp đồng. Uống rượu chính là một cách để bắt đầu và củng cố hơn các mối quan hệ xã hội. Đối với một xã hội kín tiếng như Nhật Bản thì rượu sẽ giúp phá vỡ mọi rào cản.
Naoya, một người đàn ông Nhật Bản 32 tuổi đến từ Osaka, đồng ý rằng uống rượu là một phần không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản. Người đàn ông cho biết: "Rượu đóng vai trò là một trong những nền tảng giao tiếp quan trọng. Rượu cho phép người Nhật thể hiện cảm xúc cũng như quan điểm của họ một cách cởi mở hơn".
Đặc biệt, ở Nhật, uống rượu với đồng nghiệp là một phần của công việc. Dân công sở bất kể là nam hay là nữ thường gặp gỡ nhau trên bàn rượu. Ở Nhật nổi tiếng là nơi có cường độ làm việc cao cùng những quy định nghiêm ngặt nên để giải tỏa những căng thẳng, áp lực đó thì điều dễ dàng nhất đó là đồng nghiệp kéo nhau đi uống rượu.
Có thể nói rằng, văn hóa uống rượu ở Nhật đã thấm vào máu của một bộ phận người dân và coi đó là thói quen hàng ngày. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu bia và ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác là điều cần phải được lên án. Chính quyền Nhật Bản cũng tích cực kêu gọi người dân nên sử dụng rượu bia có chừng mực, xây dựng hình ảnh đẹp đẽ và văn minh hơn trong xã hội.
Nguồn: SCMP, The Guardian
Pháp luật và Bạn đọc