Hàng nghìn thùng container có liên quan đến Nga vẫn chưa "thấy ánh mặt trời", "trái tim" của kinh tế châu Âu đứng trước khủng hoảng
Lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với Nga đang giáng xuống hàng nghìn thùng container tại cảng Rotterdam (Hà Lan).
- 02-04-2022Sau căng thẳng Nga - Ukraine, chuỗi cung ứng toàn cầu lại đón tin dữ: Tắc nghẽn nghiêm trọng, cước vận chuyển tiếp tục bị đẩy lên cao
- 31-03-2022Giá xăng dầu tăng kỷ lục, chuỗi cung ứng thế giới đứng trước rủi ro tiềm ẩn khi người lao động chán nản và giận dữ
- 30-03-2022Thượng Hải bị phong tỏa theo chiến lược “không khoan nhượng” để đối phó với Covid-19, chuỗi cung ứng sẽ ra sao?
Trong thời gian bình thường, cảng Rotterdam của Hà Lan giống như một cỗ máy. Hàng trăm con tàu đến và đi mỗi ngày, và hàng chục nghìn thùng hàng được chất và dỡ từ những con tàu đó. Tất cả đều nhằm thúc đẩy nền kinh tế châu Âu hoạt động mạnh mẽ.
Tuy nhiên, ngay bây giờ, các lệnh trừng phạt đối với Nga đang giáng xuống hàng nghìn thùng container đó. Người quản lý cảng cho biết "trái tim" của nền kinh tế châu Âu đang dần bị phá vỡ bởi các biện pháp chống lại Moscow. Theo Giám đốc điều hành của Cảng Rotterdam, Allard Castelein, tất cả các thùng hàng hướng đến Nga đều cần được kiểm tra cẩn thận để đảm bảo việc chuyển chúng đi sẽ không vi phạm lệnh trừng phạt.
Nhiều cơ quan đang chú ý tới các tàu đến từ Nga, và một số lượng lớn các cảng và công ty vận tải biển cũng cho biết họ sẽ không tiếp tục xử lý hàng hóa cho quốc gia bị trừng phạt này sau căng thẳng với Ukraine. "Cơn ác mộng đang xuất hiện", ông Castelein, 63 tuổi, cho biết trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ông tại World Port Center, Rotterdam.
Ngay cả trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và trong ngành vận tải container nói riêng hầu như đều phải gánh chịu sự hỗn loạn do Covid-19 gây ra. Lộ trình của tàu thuyền bị đảo lộn trong khi nhu cầu hàng hóa bùng nổ khiến nhiều dịch vụ không đủ khả năng để đáp ứng.
Allard Castelein, Giám đốc điều hành của Cảng Rotterdam
Trong số hàng nghìn bưu kiện của mỗi tàu cập cảng, "vài chục hoặc hàng trăm thứ có thể được gửi tới Nga", theo ông Castelein. "Chúng tôi cần phải rà soát lại và tháo dỡ để kiểm tra các thùng container trước khi chúng được phép xuất xưởng". Ông nhận xét: "Các phân đoạn kiểm tra đó có thể gây ra những hạn chế đối với không gian, nhân lực và thời gian", và cho biết thêm rằng cảng hiện có 4.500 container đã được tách riêng ra để kiểm tra, đây là một tình huống bất thường.
"Chúng tôi đang cố gắng giữ con số đó càng thấp càng tốt vì diện tích xưởng cũng rất hạn chế", ông Castelein nói. Ông cho biết cảng đã sẵn sàng tạo thêm một kho dự phòng nếu số lượng các thùng container liên quan đến Nga quá nhiều dẫn đến việc hết chỗ chứa. "Nhà kho Euromax có khả năng mở rộng và chúng tôi có thể tận dụng không gian đó", ông chia sẻ.
Nga là một phần quan trọng trong hoạt động của cảng, trong số khoảng 470 triệu tấn hàng được vận chuyển qua nơi này mỗi năm, khoảng 13% là hướng đến Nga. Trong số tất cả các container đi qua, 10% theo một cách nào đó được liên kết với quốc gia này.
Nga cũng xuất khẩu các mặt hàng như thép, đồng, nhôm và niken qua trung tâm Hà Lan, nhưng một phần quan trọng trong tổng khối lượng của cảng là liên quan đến lĩnh vực năng lượng. Hiện tại, khoảng 30% dầu thô, 25% khí đốt tự nhiên hóa lỏng, 20% sản phẩm dầu và than đá của Nga được nhập khẩu qua Rotterdam, theo trang web của cảng.
Không có lệnh cấm chính thức nào ngăn cản việc mua hàng hóa năng lượng của Nga nhưng các chính phủ, cũng như các công ty châu Âu đang bắt đầu cắt giảm sự phụ thuộc và "điều đó sẽ phải trả giá đắt", theo ông Castelein. Ông nói: "Phần lớn các nhà máy lọc dầu trong khu vực này đã được tinh chỉnh dựa trên dầu thô của Nga", có nghĩa là ngay cả khi nguồn cung cấp được thay thế, hiệu suất và sản lượng nhiên liệu có thể không giống nhau.
Chính phủ Hà Lan đang thực hiện các biện pháp nhằm tăng khả năng nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của mình trong thời gian ngắn hạn. Công suất của nhà kho LNG tại cảng do công ty Nederlandse Gasunie và Koninklijke Vopak NV điều hành, dự kiến sẽ tăng 30% -40% trước cuối năm, ông Castelein cho biết.
Nhưng những "tai ương" về năng lượng sẽ còn lâu mới kết thúc. Nếu các nước châu Âu từ chối yêu cầu của Nga trong việc mua khí đốt bằng đồng rúp và Điện Kremlin sau đó tạm dừng xuất khẩu năng lượng, "chúng tôi có thể gặp khó khăn", ông nói. "Các kho chứa khí đốt không được lấp đầy nên chúng tôi sẽ không tránh khỏi sự hỗn loạn".