Hàng nhái từ Trung Quốc vào Việt Nam giống hàng chính hãng đến 80%
Hàng giả trên môi trường thương mại điện tử khó bị phát hiện, kiểm tra xử lý - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH
Hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất trong nước mà còn được đặt ở nước ngoài, đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau, tập trung chủ yếu là thực phẩm chức năng, thời trang, mỹ phẩm, giày dép...
- 27-11-2022Black Friday: Người tiêu dùng đỏ mắt vẫn không tìm được iPhone 14 cao cấp, nguyên do từ đâu?
- 27-11-2022Chưa kịp ăn mừng vì trúng thưởng Mercedes-AMG C63, chủ xe đã tá hỏa vì chi phí bảo hiểm cao không tưởng
- 27-11-2022Tesla lo giảm giá xe để thu hút khách hàng, đối thủ lớn nhất lại "bình chân như vại" tăng giá xe điện
Bộ Công Thương vừa có dự thảo đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025 đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành liên quan.
Tại dự thảo, Bộ Công Thương chỉ ra những tồn tại, thách thức khi hầu hết các hãng có uy tín, thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa. Qua khảo sát, tình trạng này diễn ra phổ biến ở nhiều phân khúc, đa dạng về mẫu mã, linh động về giá cả. Đặc biệt "nguy hiểm hơn" khi còn phong phú về chủng loại, gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng.
Với siêu lợi nhuận thu được, trong khi chủ quyền sở hữu trí tuệ chưa thực sự được chú trọng, nên hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ xuất hiện ở những ổ nhóm sản xuất lớn trong nước, mà còn nhập lậu ở nước ngoài vào Việt Nam.
Một số sản phẩm được sản xuất ở làng nghề, hộ gia đình bằng phương pháp thủ công, truyền thống, không theo quy trình tiêu chuẩn nên sản phẩm làm ra vô tình trở thành hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thậm chí một số sản phẩm được gắn thương hiệu nổi tiếng, trở thành hàng giả nhãn hiệu.
Nghiêm trọng nhất là các sản phẩm giày được sản xuất tại những "thủ phủ" chuyên nhái giả nhãn hiệu tại Trung Quốc như Phúc Kiến, Hồ Nam, Hà Bắc, Quảng Châu… với kiểu dáng, mẫu mã giống hàng chính hãng tới 80% mà giá chỉ bằng 1/10.
Bộ Công Thương cho hay có những sản phẩm được một số cơ sở nhập vào Việt Nam và dùng thủ đoạn bóc nhãn xuất xứ từ nước ngoài và ghi xuất xứ sản phẩm Việt Nam (Made in Vietnam) để gian lận thương hiệu xuất khẩu vào Mỹ hoặc nước có FTA với Việt Nam, gây mất uy tín cho sản phẩm da giày xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp thời so với thực tế nên hiệu quả đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử còn hạn chế. Dù có trường hợp vi phạm rõ ràng, nhưng chưa có biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn, xử lý kịp thời vì qua nhiều quy trình phức tạp do phải xác minh chủ thể, chủ sở hữu trang web, giao dịch với sàn…
Từ thực trạng đó, Bộ Công Thương đánh giá tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan trên mạng Internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là "vấn đề nhức nhối của xã hội". Các đối tượng làm ăn phi pháp bất chấp quy định của pháp luật, lợi dụng tình hình thị trường để gia tăng hoạt động buôn bán, sản xuất hàng giả với phương thức chặt chẽ, tinh vi từ khâu sản xuất đến phân phối.
Dự thảo vì vậy đặt ra mục tiêu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước. Xây dựng hạ tầng, cải tiến công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử để quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ. Công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử phải tạo được niềm tin của người tiêu dùng, bảo vệ quyền và lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Đồng thời 100% sàn giao dịch thương mại điện tử lớn sẽ phải ký cam kết không kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. 100% các tổ chức cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử. 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bảo vệ quyền lợi của mình.
Tuổi Trẻ