MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Nhật, Thái ngày càng 'sống khoẻ' ở Việt Nam

12-12-2017 - 09:10 AM | Thị trường

Đánh đúng tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam cả về giá cả, mẫu mã cho đến chất lượng, các cửa hàng, siêu thị Nhật, Thái đang dần ồ ạt bành trướng trên thị trường bán lẻ Việt Nam với đủ hình thức cạnh tranh.

Nếu như cách đây vài năm, người tiêu dùng Việt Nam muốn mua hàng Nhật, Thái chỉ có vài cửa hàng lẻ tẻ và hàng xách tay thì nay các hệ thống siêu thị, cửa hàng của 2 nước trên đã tràn khắp thị trường bán lẻ Việt Nam với đủ mặt hàng từ các thực phẩm cho đến đồ gia dụng, hàng điện tử...

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhập siêu hàng Thái vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017 đã lên đến 3,5 tỷ USD. Hàng Thái hiện đã có mặt gần 9.000 chợ lớn nhỏ và trong các siêu thị hàng tiêu dùng, hàng điện máy. Ở các thành phố lớn, hàng Thái chiếm từ 30 - 50% thị phần. Tổng số điểm bán của các siêu thị nước ngoài ở Việt Nam khoảng 100, thì Thái Lan chiếm một nửa, ngoài ra Lotte, Aeon, Emart... riêng Metro đã có 19 điểm, Big C có 32 điểm bán.

Trong khi đó, với hàng Nhật không bất ngờ khi ngày càng nhiều các siêu thị, cửa hàng thương hiệu lớn tại xứ sở hoa anh đào xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam như: AEON, Ministop, Family Mart, Tokyo Deli, Gyu kaku, Oshaka Ohsho, Mini Stop, 7 Eleven, Lowson.… liên tiếp được mở ra nhằm mở rộng thị phần và đáp ứng nhu cầu người dân. Gần đây nhất, chuỗi cửa hàng Sakura chuyên bán hàng Nhật nội địa chỉ sau 6 năm hiện đã phát triển đến 10 cửa hàng. Còn chuỗi cửa hàng TokyoLife phát triển đến 18 cửa hàng tại Hà Nội; 2 cửa hàng tại TP.HCM và 35 cửa hàng tại các tỉnh thành khác nhau…


Hàng tiêu dùng Thái Lan đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam, phủ sóng các ngóc ngách, từ chợ truyền thống đến siêu thị. Ảnh minh họa

Hàng tiêu dùng Thái Lan đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam, phủ sóng các ngóc ngách, từ chợ truyền thống đến siêu thị. Ảnh minh họa

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, sở dĩ hàng Thái đang được ưa chuộng tại Việt Nam do người Thái Lan có chiến lược về thị trường Việt Nam đã lâu. Các doanh nghiệp Thái cho rằng, Việt Nam là nước đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, dân số trẻ, xu hướng tiêu dùng nội địa mạnh tăng trưởng mạnh, khi cơ hội hàng rào thuế quan giảm xuống thì Việt Nam là thị trường rất lớn. Từ đó, một số tập đoàn Thái Lan đã tìm hiểu rất kỹ tâm lý tiêu dùng của người Việt và tìm ra những điểm tương đồng như người Việt rất thích mua hàng khuyến mãi chẳng hạn. Thói quen tiêu dùng hàng Thái đã có từ lâu đó là điểm lợi rất lớn cho các doanh nghiệp Thái.

Với sản phẩm Nhật, một chuyên gia lĩnh vực bán lẻ cho rằng, sự ưa chuộng của người tiêu dùng đang mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt hoàn thiện chính mình để tăng sức cạnh tranh. Cùng đó, các doanh nghiệp Việt Nam hoạch định chiến lược để sản xuất ra những sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, để hàng hóa Việt được nằm trên kệ bán hàng của doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp Việt phải đảm bảo các tiêu chí an toàn chất lượng, phù hợp với đa tầng các đối tượng và thích hợp theo mùa.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cho biết, với cách làm của doanh nghiệp Nhật, hàng hóa nước này chắc chắn sẽ bám rễ sâu rộng tại thị trường Việt Nam. Bởi, doanh nghiệp Nhật không chỉ tự thân vận động mà còn được sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan chức năng.

“Thực hiện việc đưa hàng vào Việt Nam lần này, Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật chuẩn bị khá kỹ các khâu, từ hạ tầng xã hội, dịch vụ thanh toán và kênh phân phối. Các cơ quan chức năng Nhật còn thành lập bộ phận chuyên trách để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, các ngân hàng cùng các công ty tư vấn, lãnh sự quán Nhật tại Việt Nam cung cấp các thông tin hữu ích cho doanh nghiệp, tư vấn các vấn đề liên quan đến thủ tục, nhân sự, thậm chí là hỗ trợ trong việc xin giấy phép đầu tư”, vị chuyên gia này phân tích.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng chúng ta chưa biết cách khai thác, kể cả về chiến lược phát triển cũng như trên mỗi mặt trận cụ thể của doanh nghiệp và các bộ, ngành. Việt Nam có một đề án phát triển thương mại trong nước, nhưng những điều kiện cần và đủ cho nó lại không có: nhân lực, tài lực, sự liên kết, tổ chức lại sản xuất... Nền công nghiệp bán lẻ muốn phát triển thì ngành sản xuất trong nước phải mạnh.

Theo Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên