MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãng phim nợ thuế, Chủ tịch bị tạm hoãn xuất cảnh: "Chúng tôi tính vay tiền để nộp thuế"

01-04-2024 - 20:52 PM | Doanh nghiệp

Hãng phim truyện Việt Nam nợ thuế hơn 5 tỷ đồng, người đại diện hãng là ông Nguyễn Danh Thắng dự tính sẽ vay tiền công ty "mẹ" để trả khoản nợ này.

Hoạt động cầm chừng, không có tiền nộp thuế và thuê đất

Như Báo công Thương thông tin trong bài " Tạm hoãn xuất cảnh với Chủ tịch Hãng phim truyện Việt Nam ", mới đây, Cục Thuế TP. Hà Nội có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh ( Bộ Công an ), về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Danh Thắng, là đại diện theo pháp luật, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam ( Hãng phim truyện Việt Nam ).

Ông Nguyễn Danh Thắng bị tạm hoãn xuất cảnh do Hãng phim truyện Việt Nam có nợ thuế. Trước đó, vào ngày 21/11/2023, Cục Thuế TP. Hà Nội đã có Quyết định số 81970/QĐ-CTHN-QLN, về việc cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn đối với Hãng phim truyện Việt Nam.

Hãng phim nợ thuế, Chủ tịch bị tạm hoãn xuất cảnh:

Ông Nguyễn Danh Thắng trong khuôn viên Hãng phim truyện Việt Nam (Ảnh: Tình Lê)

Liên quan tới việc này, chiều 1/4, ông Nguyễn Danh Thắng đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương. Ông Thắng cho rằng, đây là một trong những biện pháp để thu hồi thuế của cơ quan nhà nước.

"Tôi nghĩ đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp đang nợ thuế và cơ quan thuế đều áp dụng chế tài này. Cá nhân tôi không phải là trường hợp đặc biệt" , ông Thắng nói.

Về việc nợ thuế, ông Nguyễn Danh Thắng cho biết, khi tiếp quản hãng phim từ năm 2017 thì phải "thừa kế" khoản nợ thuế hơn 23 tỷ đồng.

"Sau đó khoảng 2 tháng (tháng 10/2017 - PV), Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tiến hành thanh tra lại quá trình cổ phần hóa và đưa ra quyết định nhà đầu tư chúng tôi phải thoái vốn trước thời hạn" , Chủ tịch Hãng Phim truyện Việt Nam thông tin.

Hãng phim nợ thuế, Chủ tịch bị tạm hoãn xuất cảnh:

Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam nằm trên khu đất vàng số 4 Thụy Khuê hoang tàn, đổ nát. Sân trước để ô tô, sân sau xe máy của các hộ dân quanh khu vực (Ảnh: Ngọc Hoàn)

Theo ông Thắng, trong suốt quá trình đợi thoái vốn kéo dài, doanh nghiệp không thể tiến hành bất kỳ hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất. Mọi hoạt động của công ty chỉ là cầm chừng, hoạt động kinh doanh không đem lại hiệu quả, gần như không có tiền để nộp thuế và thuê đất.

"Hiện hãng đang nợ khoảng 5 tỷ đồng thuế đất. Đây là thuế đất phát sinh sau khi chúng tôi trả xong nợ cũ. Hiện tôi đang đi công tác ở tỉnh, khi trở về, sẽ giải quyết những vấn đề liên quan vì việc này cũng ảnh hưởng tới cá nhân tôi. Chúng tôi sẽ phải tính đến phương án vay tiền từ công ty "mẹ" để trả nợ thuế đất cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam" , đại diện hãng cho hay.

Mong muốn xử lý dứt điểm vấn đề cổ phần hoá

Sau 7 năm cổ phần hoá, chủ nhân mới của Hãng phim truyện Việt Nam không có bất kỳ hoạt động nào trên mảnh đất đã từng làm ra những bộ phim điện ảnh kinh điển do vướng mắc về thoái vốn cùng những mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên.

Chủ tịch hãng phim cho rằng, đã có văn bản trình một số phương án đến Chính phủ lẫn các bộ, ngành. Tuy nhiên, phía Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, có khó khăn về cơ sở pháp lý khi chưa có quy định nào cho phép cơ quan nhà nước mua lại doanh nghiệp cổ phần.

Hãng phim nợ thuế, Chủ tịch bị tạm hoãn xuất cảnh:

Không gian buồn ở nơi được mệnh danh là "cánh chim đầu đàn" của điện ảnh cách mạng (Ảnh: Ngọc Hoàn)

Ông nói thêm, việc chưa thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam dẫn đến hậu quả doanh nghiệp thua lỗ do vẫn phải trả tiền thuê đất hàng năm, thiệt hại nặng nề.

Bên cạnh đó, thời gian qua Hãng phim truyện Việt Nam xập xệ, xuống cấp nhưng Vivaso không thể bỏ tiền đầu tư, không làm gì được do mọi thứ chưa được rõ ràng. Trong khi muốn phát triển thì phải đầu tư cở sở hạ tầng, cơ sở vật chất, máy móc, kỹ thuật, con người… thiếu những yếu tố đó thì chắc chắn không thể hoạt động hiệu quả.

"Chúng tôi đang phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước. Nếu nhà nước chấp thuận Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) thoái vốn thì Vivaso mong được thoái vốn theo luật và nhà nước cũng cần phải đưa nhà đầu tư mới đến để chúng tôi bàn giao. Nếu không thì phải để cho doanh nghiệp xây dựng, củng cố, đầu tư lại VFS" , ông Thắng nói và khẳng định "sẽ quyết tâm tâm vực dậy hãng phim truyện nếu để chúng tôi đầu tư" .

Về vấn đề quyền lợi của các nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên thuộc Hãng phim truyện Việt Nam bị ảnh hưởng sau khi thực hiện cổ phần hóa và công ty hoạt động cầm chừng, ông Thắng cho rằng "vẫn đảm bảo trả lương tối thiểu, bảo hiểm cho người lao động" .

Hãng phim nợ thuế, Chủ tịch bị tạm hoãn xuất cảnh:

Xưởng thu thanh dựng phim ở hiện tại trở thành kho chứa đồ phế liệu (Ảnh: Ngọc Hoàn)

Hãng phim truyện Việt Nam có trụ sở tại số 4 phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội, thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Năm 2016, Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) là đơn vị duy nhất đăng ký mua cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược. Công ty này thanh toán hơn 33 tỷ đồng để mua 65% vốn điều lệ của Hãng phim truyện Việt Nam. Sang năm 2017, hãng phim chính thức bước vào quá trình cổ phần hóa.

Năm 2018, Thanh tra Chính phủ ra thông báo kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam có nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng đất, xác định thương hiệu của hãng phim.


Theo Phong Vân - Chí Tâm

Báo Công thương

Trở lên trên